Đà Nẵng cuối tuần

Nỗi buồn đầy xúc cảm trong thơ

16:54, 13/01/2024 (GMT+7)

Cầm tập “Nắng dậy thì” (NXB Hội Nhà văn, 2024) với hơn 60 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người đọc dễ nhận ra, vẫn là nỗi buồn từ trong nguồn mạch thơ của ông lâu nay. Điều ấy nhà thơ đã bộc bạch ngay trong lời mở đầu: “Đời người ai cũng có nhiều nỗi buồn lắng đọng. Thơ là một trải nghiệm độc đáo, nơi tôi được sống trọn vẹn với những nỗi buồn thiết tha, riêng biệt ấy”. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trầm tĩnh, đằm thắm ở nhiều cung bậc khác nhau tùy theo tâm trạng của nhà thơ.

Đó có thể là nỗi buồn của quãng đời tuổi thơ bầm dập, khốn khổ, chẳng có lấy một ngày vui thơ bé, là nỗi nhớ quê dằng dặc ly hương từ lúc rời xa khỏi ngôi làng ở phía thượng nguồn: “Tôi xa làng từ ngày thơ bé/ Đêm mưa gió rét căm căm/ Ai gõ mạn thuyền trong đêm vắng/ Mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm”… Thật vậy, nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thắm đượm cả không gian và thời gian; lan rộng từ cái làng nhỏ bên con sông Vu Gia êm đềm trôi dần ra biển lớn. Một tuổi thơ lất lay phố chợ, dạt trôi giữa dòng đời vì loạn lạc, đói nghèo hiện lên qua nhiều bài thơ của ông đã lay động tâm tư bạn đọc. Số phận ấy đâu của riêng ai mà của chung cả thế hệ nhà thơ trong thời chiến tranh khốc liệt: “Nhớ một ngày xa xôi/ bỏ làng ra đi, cha tôi không về/ mẹ dẫn đàn con chạy giặc/ con đò trôi xuôi/ mà gió nồm thổi ngược/ cánh buồm căng bịn rịn phía quê nhà” (Phút xa làng).

Nỗi nhớ quê trở đi trở lại trong thơ ông, nhưng mỗi một lần nhớ quê là một lần câu thơ khác biệt; từ âm thanh một tiếng gọi đò, tiếng chim dồng dộc, cho đến hình ảnh buổi chợ quê, con ngõ hẹp, thậm chí chiếc dép lẻ đôi của người mẹ buôn gánh cứ đau đáu trong lòng ông nỗi xót xa, nuối tiếc: “Về đây bên chỗ mẹ ngồi/ Dép ai một chiếc lẻ đôi bên đàng/ Chân trần lặn lội đò ngang/ Nhớ đôi dép mẹ thương mòn đời con” (Nhớ đôi dép mẹ). Không gian làng có thể nhạt nhòa với ai, nhưng với Nguyễn Ngọc Hạnh, nơi ấy vẫn ăm ắp những điều thiêng liêng, vẫn là sợi dây kết nối bền chặt một thời thơ dại, là gốc rễ ăn sâu, quấn chặt trong tâm hồn biết bao hoài niệm.

Chính vì thế mà mỗi lần nhà thơ về thăm quê là mỗi lần cảm xúc ngập tràn trong thơ ông: “Xin đừng lấp vội bờ ao/ Đừng chê suối cạn mà đào giếng sâu/ Quê nhà còn lại gì đâu/ Bờ dâu xanh cũng bạc màu thời gian” (Gửi quê nhà). Có điều gì đó chưa trọn với niềm ước mơ của đứa con xa làng trong mỗi lần về, vậy nên “Ngồi bên giếng cạn đầu làng/ câu thơ chạm tiếng gàu vang nỗi niềm”. Có thể nói, hồn quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là mạch nước trong, lấm đầy niềm thương nhớ: “Chút tình gửi lại với quê/ Hồn thơ còn lấm bờ đê đầu làng”.

Trong hoài niệm mỗi người, tình yêu luôn để lại những buồn thương, day dứt; và thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ dành tình yêu cho làng quê mà còn là nỗi nhớ thương mơ hồ về một bóng hình đã xa. Tình yêu trong thơ ông còn đôi chút ẩn ức, dường như có điều gì đó chưa trọn với mơ ước, tựa hồ như một giấc mộng con giữa cuộc đời này. Có phải vì lẽ đó mà thi ảnh chiêm bao, giấc mơ thường xuất hiện khá nhiều trong trang thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Mơ màng em với trăng sao/ Là cơn mơ đẹp bay vào thơ anh/ Em tan vào giữa cao xanh/ Rơi như giọt lệ long lanh bên trời” (Ngập ngừng). Nỗi buồn là di sản của quá khứ, là những nuối tiếc, là nỗi đau ký ức. Trong thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, nỗi buồn ấy luôn lấp lánh: “Ai chẳng có một thời trai trẻ/ Thời chỉ yêu ai, đâu dám yêu mình/ Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/ Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh” (Muộn). Hoặc: “Yêu là gì câu hỏi rất mông lung/ Ngọn gió mơ hồ mấy ai hiểu hết/ Xin hãy cứ tan vào trong ánh mắt/ Nắng đang xuân đừng e ấp ngại ngần” (Ngọn gió xuân).

Biết đâu chính thời trai trẻ khốn khó, “chẳng dám yêu ai” ấy đã cho nhà thơ bao cảm nhận về giá trị của tình yêu sau này: “Đâu chỉ yêu là dâng hiến/ Yêu là cho, không nhận lại gì/ Yêu là được bao điều đã mất/ Và sẽ còn mất nữa, để yêu” (Yêu). Phải chăng vì những mất mát của nhà thơ thời trai trẻ ấy, để bây giờ “Khi trời chiều bóng ngả về đông/ Càng say đắm sợi tơ vàng trước ngõ/ Một chút sương mờ rơi trên ngọn cỏ…/ Chạm hồn tôi nắng sớm dậy thì” (Nắng dậy thì).

Đi qua bao thăng trầm, bước vào tuổi xế chiều, giọng thơ Nguyễn Ngọc Hạnh càng lắng sâu bởi nỗi buồn thế sự. Nỗi buồn ấy đa tầng, đa nghĩa, mỗi tứ thơ là niềm tiếc nuối, nhớ thương quá khứ đến nao lòng; nhà thơ như muốn ký thác, gửi gắm bao điều ẩn khuất vào mỗi thi ảnh. Chất triết luận ẩn tàng qua từng ý thơ trong hầu hết cả tập thơ này: “Xuân đến rồi mà trời bỗng lặng im/ Hay đang gánh nỗi buồn trái đất/ Ai hiểu được đâu là được mất/ Cứ gánh mà đi về phía thơ mình” (Gánh thơ). Thật vậy, người làm thơ là kẻ đa mang, cứ hứng trọn mọi nỗi buồn đau của nhân thế mà trải lòng lên trang viết: “Dẫu biết cõi đời này hư ảo thật/ Sao vẫn còn mù mịt chiêm bao” (Chiêm bao).

Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chính là nỗi cô đơn sâu thẳm, là sự cô độc giữa những bộn bề đua chen giữa cuộc đời này. Nhà thơ say một mình để đối diện với mình, để truy vấn, soi rọi chính mình, để tự thương mình: “Một mình say với mình thôi/ Xác thân vô ngã có rồi lại không? Treo đời giữa chốn mông lung/ Có gì đâu cõi vô thường mây bay” (Chạm cốc mình tôi). Nguyễn Ngọc Hạnh lâu nay vốn không hề dễ dãi với công việc làm thơ của mình. Riêng tập “Nắng dậy thì” hầu như bài thơ nào của ông cũng lấp lánh, đầy xúc cảm, cấu tứ mỗi bài thơ đều mới lạ, đặc biệt với khổ thơ kết thường bất ngờ, mở ra nhiều liên tưởng khái quát sâu xa đến với người đọc.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

.