Đà Nẵng cuối tuần

Về địa danh Vũng Tàu

09:16, 21/01/2024 (GMT+7)

* Vì sao các vị cao niên ở Sài Gòn ngày trước mỗi khi đi Vũng Tàu thường nói là đi “Ô Cấp” hay đi “Cấp”? Địa danh Vũng Tàu có xuất phát như thế nào? (Nguyễn Văn Lý, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Vũng Tàu (thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những địa danh có nhiều tên gọi khác nhau ở Việt Nam.

Dẫn nguồn từ sách “Đất Thắng cảnh Vũng Tàu" (NXB Văn hóa, 1987) của Lữ Huy Nguyên - Giang Tấn và sách “Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu” của Thạch Phương - Nguyễn Trọng Minh chủ biên (NXB Khoa học Xã hội, 2005), tác giả bài “Địa danh Vũng Tàu” đăng trên Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (vusta.vn) cho rằng, Vũng Tàu vốn là một bán đảo trải dài theo hướng đông bắc - tây nam, ba bề biển cả bao la, nên vùng đất này còn được gọi theo tên tiếng Pháp là Au Cap Saint Jacques, tức Đi ra mũi Đất (Allerau ' Cap, đọc gọn lại là Au Cap - Ô Cấp). Trong tiếng Pháp, cap nghĩa là mũi đất.

Một số từ điển như: Từ điển Địa danh Lịch sử - Văn hóa - Du lịch Việt Nam (NXB Văn hóa - Thông tin, 2002) của Nguyễn Văn Tân, Từ điển Địa danh lịch sử Việt Nam (NXB Giáo dục, 2007) do Đinh Xuân Lâm chủ biên... giải thích rằng Ô Cấp là cách gọi tắt Au Cap Saint Jacques (gọi nôm na là Vũng Tàu). Địa danh Ô Cấp được nhiều nhà nghiên cứu cho là dịch từ tiếng Pháp Au Cap Saint Jacques hoặc dịch sát nghĩa là Mũi đất của Thánh Jacques, xuất hiện vào khoảng năm 1930.

Cũng bàn về địa danh Ô Cấp, bài “Cảnh biển Vũng Tàu qua hình ảnh 90 năm trước” đăng trên trang chuyenxua.net nói rõ ràng hơn: “Thời Pháp thuộc, tên chính thức của Vũng Tàu là Cap Saint Jacques, người Việt thường nói gọn thành Cấp, đi Vũng Tàu thì nói thành Ô Cấp (Allez au Cap). Tuy nhiên bên cạnh đó, đa số người Việt vẫn gọi nơi này bằng cái tên thuần Việt là Vũng Tàu. Trong tất cả các truyện/tiểu thuyết xưa, đặc biệt là truyện Hồ Biểu Chánh, địa danh này luôn được nhắc tới với cái tên Vũng Tàu. Ngoài ra, trên báo chí quốc ngữ thời 100 năm trước cũng có lúc ghi là Vũng Tàu, như trong tờ Công Luận số ra ngày Chủ nhật 16-10-1927.

Bài “Địa danh Vũng Tàu qua các thời kỳ” đăng trên báo Bà Rịa – Vũng Tàu (baobariavungtau.com.vn) cho biết thêm rằng, trong sách Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, địa danh Vũng Tàu được chép là Thuyền Úc: “Tục gọi Vũng Tàu, ở về phía Đông cách trấn 234 dặm rưỡi. Lưỡi đất phòi ra ngoài biển, càng ra xa càng lớn. Phía Bắc bao lấy cửa Tắc Ký, phía Nam dựa vào Thát Sơn (núi Gành Rái), che khuất cửa biển Cần Giờ. Thế đất trông rất sung mãn, mặt vũng hướng về Tây, lòng vũng to rộng là nơi thu kết các dòng nhỏ của các sông đầm và các ngòi rạch chảy về biển, làm nơi ghe thuyền đến đậu rất yên ổn”.

Địa danh Thuyền Úc trong chữ Hán có thể được dịch ra là Vũng Thuyền hay Vũng Tàu, nhưng do ảnh hưởng của phương ngữ Nam Bộ nên người ta vẫn quen gọi Vũng Tàu hơn. Từ “Vũng Tàu” dần dần đã du nhập vào ngôn ngữ toàn dân, bằng chứng dễ thấy nhất là trong cuốn từ điển tiếng Việt khá phổ biến hiện nay với nghĩa: “Vùng nước giáp bờ, dùng làm nơi neo đậu hoặc chuyển tải của tàu thủy”. Hay như từ “vũng”: “Khoảng biển ăn sâu vào đất liền, ít sóng gió, tàu thuyền có thể trú ẩn được”.

ĐNCT

.