Đà Nẵng cuối tuần

Khoa thi đặc biệt và vị cử nhân...15 tuổi

13:30, 24/02/2024 (GMT+7)

Ông Ích Khiêm (1832-1885) không những là người văn võ song toàn được đời sau đánh giá là “thừa văn quá võ” mà còn là một trong những cử nhân trẻ tuổi nhất của Quảng Nam dưới thời Nhà Nguyễn.

Mộ Ông Ích Khiêm tại Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: L.T
Mộ Ông Ích Khiêm tại Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: L.T

Khoa thi đặc biệt

Khoa thi Hương năm Đinh Mùi (1847) ở trường thi Thừa Thiên dưới thời vua Thiệu Trị là một khoa đặc biệt trong khoa cử triều Nguyễn. Thứ nhất, đây là một chính khoa (theo định lệ ba năm một lần) nhưng diễn ra như một “ân khoa” (kỳ thi bất thường, được tổ chức ngoài kỳ hạn thường lệ, để đánh dấu việc vui mừng nào của quốc gia, triều đình hoặc hoàng tộc), vì thi không đúng theo lệ mà là khoa thi liền sau khoa thi Hương năm 1846 và cùng năm với khoa thi Hội. Sở dĩ như vậy vì năm 1846 là năm “tứ tuần đại khánh” của vua Thiệu Trị (1807-1847) nên tất cả khoa thi đều được cho là ân khoa. Khoa Đinh Mùi, 1847 vốn là một chính khoa phải lùi lại một năm. Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục nói về điều này: “Nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu, chính khoa thì triển hạn năm sau” (NXB Lao động, 1992, tr.235).

Thứ hai, từ khoa này vua Thiệu Trị ra lệnh cho trường thi Thừa Thiên phải nâng số người đỗ từ 38 người như quy định cũ lên 50 người vì cho rằng “Triều đình đặt khoa thi kén nhân tài chính muốn được nhiều nhân tài cho nhà nước dùng, kinh sư là đất đứng đầu tất cả” và “gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số lại nhiều thêm lên… vả lại khoa thi về mùa thu là một thịnh điển nhà nước”. (Đại Nam thực lục, quyển 6, NXB Giáo dục, trang 1043). Tuy nhiên các khảo quan cũng chỉ chọn được có 46 người.

Thứ ba, khoa này, được vinh dự đón vua Thiệu Trị ngự giá đến ngự lãm một số bài thi, một điều rất hiếm đối với các khoa thi Hương. Sách Đại Nam thực lục viết: “Khoảng năm Minh Mạng thánh giá đã đến chơi xem đến nay truyền làm văn sự. Vậy các quan tư xem ngay bên ngoài trường chỗ nào cao ráo rộng rãi, dựng vọng lâu đến kỳ đệ nhị ta sẽ thân đến coi… Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm” (tr. 1.043).

Thứ tư, Chánh chủ khảo của trường thi là Đỗ Quang, tiến sĩ tài danh của đất Hải Dương, đỗ Hội nguyên khoa 1832 đương chức Tham tri Bộ Lễ, người mà sau này từng giữ chức Kinh diên giảng quan (giảng kinh sách cho vua và các quan) được vua Tự Đức có dụ khen thưởng với nội dung: “Từ khi làm quan Kinh diên đến nay giảng bàn nghĩa sách lời gọn, ý sáng”. Tuy nhiên, đề thi do Chánh chủ khảo Đỗ Quang ra: “Cúc thủy nguyệt tại thủ” (Vốc nước trông thấy mặt trăng ở lòng bàn tay) bị nhà vua và các đại thần… chê. Đọc đề thi vua Thiệu Trị cho rằng: “Đó là cái hư huyễn rất khó làm ra bài. Không biết sĩ tử cấu tứ thế nào cho hay” và “Chủ khảo Đỗ Quang cũng không biết làm thơ dù cho chính tay y làm, chưa chắc đã hay huống chi sĩ tử”. Còn Phụ chính đại thần (cũng là thầy của vua Thiệu Trị) Trương Đăng Quế thì bảo: “Đề bài ấy dầu sĩ tử ở ngoài đến 2 - 3 ngày làm cũng không đủ khả quan được” (Đại Nam thực lục, tr.1.043, 1.044).

Chuyện thật mà tưởng như giai thoại

Đối với Quảng Nam, khoa này lại càng đặc biệt. Thứ nhất, Quảng Nam có 9 người đỗ (trên 46 người), chiếm 20% số người thi đỗ của cả trường Thừa Thiên, một tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ này chỉ sau khoa Canh Tý (1900), khoa này Quảng Nam có 14/42 thí sinh thi đỗ (33,4%) và chiếm luôn 4 vị trí đầu.

Thứ hai, khoa này huyện Duy Xuyên có danh hiệu “ngũ phụng” (5 người cùng đỗ), trong đó có “tam phụng” (3 người cùng đỗ) của làng Bàn Thạch (nay thuộc xã Duy Vinh), gồm: Nguyễn Lập, Dương Thế Tuyển, Võ Thành Doãn; hai người làng khác là Trần Minh Hướng (Mậu Hòa) và Biện Thế Vĩnh (An Dưỡng).

Điều đặc biệt nhất khoa này Quảng Nam có một thí sinh “nhí” mới 15 tuổi thi đỗ, lại đỗ với vị thứ khá cao 13/42. Đó là Ông Ích Khiêm, sinh năm 1832 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn (nay là phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Đây là thí sinh không những nhỏ tuổi nhất của khoa thi mà có thể của lịch sử khoa cử triều Nguyễn.

Về chuyện thi đỗ của Ông Ích Khiêm trong khoa thi năm 1847, sách Đại Nam thực lục cho biết: “Có cử nhân Ông Ích Khiêm, mới 15 tuổi, người Quảng Nam. Vua xem danh sách bảo thị vệ đại thần là Nguyễn Đức Hoạt rằng tú tài các khóa đều có người già về trường ốc, một chàng tuổi trẻ kia sao dễ vậy. Sai đòi ngay Ông Ích Khiêm đến xứ Thị vệ, ngự ra bài thi, đầu đề một bài thơ luật là Thiếu niên đăng khoa cao (Tuổi trẻ đỗ cao). Đến khi xem quyển dâng lên, vua nói: “Tuổi trẻ hơi có tài, tuy ý thơ chưa thông hoạt cho lắm. Có thể lấy được. Có điều tuổi còn ít chưa thể cho ra làm quan, làm hại cả tư chất tốt. Hãy chuẩn cho về quê học tập đợi sau trưởng thành tiến lên cũng chưa lấy gì làm trễ” (tr.1.044).

Chuyện này cũng được sách Đại Nam liệt truyện (NXB Thuận Hóa, năm 2006) của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại “Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) đỗ hương tiến(*) mới 15 tuổi. Vua cho mời vào Tả thi lâu viện cho thử lại bằng bài thơ lấy đầu đề là: Thiếu niên đăng cao khoa (Trẻ tuổi đỗ cao). Bài làm của Ích Khiêm có câu: Đắc lộ giai anh tuấn/ Hà tài đáp thánh minh. Dịch nghĩa: Thiếu niên gặp bước tiến lên/ Có tài gì để báo đền thánh minh. Vua ban khen” (trang 290, 291).

Sau này Ông Ích Khiêm thành danh như là một võ tướng hơn là một văn quan. Phần lớn cuộc đời của ông gắn với chiến trường thượng du Bắc Việt. Những chiến công lẫy lừng trên chiến trường đã làm át đi thành tích của khoa trường thời tuổi trẻ của ông. Đời sau ít biết đến chuyện học hành thi cử của ông cũng là điều dễ hiểu và sẽ không ngạc nhiên khi một số người nghe kể chuyện “Thiếu niên đăng khoa cao” của ông lại cứ tưởng đó chỉ là một… giai thoại.

LÊ THÍ

---------------------------
(*) Những người thi đỗ tất cả các kỳ của thi Hương gọi là cống sĩ hay hương cống, hương tiến - gọi theo học vị là cử nhân.

.