Đà Nẵng cuối tuần
Tình yêu thương vượt qua cả giống loài
Lễ trao giải Sách quốc gia diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội (lần thứ 6, cuối năm 2023), cuốn sách "Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch" của nhà báo, nhà văn Nguyễn Khắc Cường được trao giải B. Với góc nhìn và bối cảnh đậm tính đương đại, tác giả không chỉ đưa tới người đọc một cảm giác gần gũi với đời sống, mà còn tạo nên một hướng phát triển mới mẻ cho câu chuyện, khắc họa sự khác biệt của tác phẩm đoạt Giải sách quốc gia này và những tác phẩm có điểm nhìn từ động vật trước đó.
Có một chú mèo Ba Tư bị kẹt lại ở Việt Nam khi người chủ không thể mang cậu lên chuyến bay của mình. Thế là chú mèo phải tạm chia tay chủ, sợ sệt bước vào một môi trường sống mới ở nhà Linh Đan, một cô bé học lớp mười một vô cùng yêu thương động vật, đã đặt tên cho chú mèo ấy là Joni.
Những tưởng, những khó khăn của Linh Đan và gia đình phải đối mặt để giúp Joni hòa nhập với cuộc sống ở một đất nước nhiệt đới, những nơi chốn chưa từng gặp qua bao giờ, cách biệt hoàn toàn với người chủ đã yêu thương gắn bó với mình từ nhỏ sẽ là những thử thách khó khăn nhất. Và tạm gác lại một tương lai xa xôi Linh Đan và gia đình phải chia tay Joni khi người chủ cũ có thể sắp xếp đón chú mèo quay lại xứ tuyết, thì hóa ra vấn đề lớn nhất mà gia đình Linh Đan, cũng như toàn bộ những gia đình có thú cưng của khu chung cư phải đối mặt, đó chính là những quy định của ban quản lý đã kiên quyết trục xuất mọi thú cưng để tránh những hệ lụy về vệ sinh và an toàn vật nuôi.
Khi nói về những tác phẩm lấy điểm nhìn từ động vật, chắc hẳn chúng ta sẽ liên tưởng tới những câu chuyện đưa người đọc hóa thân hoàn toàn thành loài động vật ấy, vừa khai mở để có thể đào sâu khai thác những vỉ tầng suy tư bằng nhãn quan khác biệt với con người, vừa thấu hiểu những bản tính của chúng để giúp chúng ta kéo gần khoảng cách, tiến gần hơn tới những tình yêu thương vượt trên cả giống loài.
Nhà văn Nguyễn Khắc Cường cũng không bỏ lỡ thủ pháp lấy điểm nhìn từ động vật này, nhưng có lẽ khác với nhiều tác phẩm khác, tuyến những nhân vật con người trong truyện cũng có dung lượng khai thác nhiều không kém. Có lẽ vì thế mà người đọc được tác giả luân chuyển góc nhìn nhịp nhàng từ các nhân vật con người như Linh Đan, Chip, ông ngoại, anh Su… để nhìn một lần từ vị thế của chúng ta, tâm tư của chúng ta đặt lên những con vật xung quanh mình, rồi lại một lần nữa sau đó được lặn sâu vào những suy nghĩ và tư duy đối sánh dưới góc nhìn của Joni, của chú mèo con Xúc Xích bị bỏ rơi, hay chó Công Chúa, bồ câu, đàn mèo hoang của Xám Vện.
Có lẽ do là một nhà báo, tác giả đặt ra các vấn đề rất công bằng với thực trạng thú nuôi. Rằng có những con chó hay sủa làm ồn ào, dễ cắn người, nhưng cũng có những con chó hiền lành, và giữ nhà rất tốt. Có thể với người này, sẽ rất thoải mái khi không bị thú nuôi gây phiền phức, nhưng sẽ có những người khác buồn đau đến mất ăn mất ngủ khi phải chia tay người bạn thú cưng của mình.
Những va chạm đời thường của xã hội đương đại cũng được tác giả đưa vào để kéo gần với người đọc hơn, khi nhân vật ông ngoại lên diễn đàn chung cư phân tích đúng sai, góp ý những điều nên làm và không nên làm để thú cưng có thể sống cùng với mọi người, nhưng cuối cùng lại trở thành một cuộc cãi vả nhức nhối trên mạng xã hội và mọi chuyện chỉ thêm bế tắc.
Không chỉ dừng lại ở những phân đoạn về ý kiến của mọi người trên mạng xã hội, vấn đề từ cả người nuôi và người nghiêm cấm vật nuôi bước lên thành những sự kiện nối tiếp trong tác phẩm. Từ việc chú mèo con Xúc Xích phải mồ côi từ nhỏ nên gầy còm mà lọc lõi, vì sinh tồn nên phải chống chọi với những người vì kế sinh nhai mà phải thực thi quy định như anh bảo vệ và cô lao công. Đến câu chuyện của những người nuôi thú vô tâm để quên chú mèo đốm xém chết ngạt trong xe và chó Munchkin bị tai nạn ngã từ tầng sáu xuống đất.
Tác giả đưa người đọc tới gặp đám chó đầy phóng khoáng, tự do và được yêu thương của tiệm Tóc Kiều để đối lập hoàn toàn với băng đảng mèo Xám Vện cũng tự do, cũng phóng khoáng không kém, nhưng lại khát khao yêu thương mà chẳng bao giờ có được yêu thương. Dường như tác giả muốn đặt người đọc vào thật nhiều tình huống mà cả ghét bỏ, lãng quên, hay yêu thương sai cách đều khiến người và vật trở nên xa cách nhau, để rồi cuối cùng cả hai bên đều bị tổn thương và đau khổ.
Như thể tác giả đang âm thầm nhắc rằng, chúng ta không tài nào cắt bỏ những sinh linh ấy hoàn toàn khỏi xã hội loài người được nữa. Thế nên thay vì quay mặt đi và để những bãi rác hỗn tạp của Xám Vện mọc lên ngày càng nhiều sẽ làm biến dạng chính xã hội con người, chi bằng hãy ngừng những độc đoán lại và chấp nhận đi tìm một cách sống khác phù hợp hơn với vật nuôi của mình.
Thế nhưng kỳ lạ và thú vị thay, trước những ngầm ẩn ấy của cuốn truyện dài, bạn đọc sẽ không thấy Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch là một tác phẩm nặng nề. Ngược lại, câu chuyện hết sức nhẹ nhàng và vô cùng hóm hỉnh, độc giả sẽ bật cười trước những câu thoại và tình huống. Tác giả đã khéo léo dùng lối viết gần với văn nói để vẽ ra những tình tiết vừa trớ trêu lại vừa pha trò bằng ngôn từ. Một đồng thoại kiểu mới, hiện đại và hấp dẫn, vừa vặn mà vẫn đầy ý nghĩa.
Chính sự bắt đầu của câu chuyện đã ngầm mang thông điệp kết nối: những người chưa từng quen biết sẵn sàng hỗ trợ nhau, những con vật gắn kết người với người. Cuốn sách vừa truyền tải những câu chuyện đầy tính nhân văn và mang trong mình một tinh thần chữa lành, hồ như "Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch" không chỉ là một cuốn sách, mà còn mang trong mình năng lượng của những bạn thú cưng có thể xoa dịu những nỗi lòng chúng ta bằng tình yêu thương vượt qua cả giống loài.
PHÁT DƯƠNG