Đà Nẵng cuối tuần
Xứ ruộng miệt đồng
Tôi sinh ra và lớn lên nơi xứ ruộng miệt đồng, xung quanh chỉ có lúa, có tràm, có sen… Nơi mà bà con nông dân ra đồng lúc trời còn hừng đông, về nhà khi trời đã đỏ đèn chạng tối. Đơn sơ, mộc mạc lắm nhưng có ai hỏi tuổi thơ nơi xứ đồng bưng có gì thì biết kể sao cho hết vì đó là cả một trời thương nhớ khôn nguôi trong tôi.
Còn nét đẹp nào bằng khi ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh rì thẳng cánh cò bay, một màu xanh rất đỗi thân quen của bà con nông dân, một gam màu còn toát lên niềm tự hào về nguồn gốc và con người Việt Nam. Vùng trời ký ức tuổi thơ như cánh cửa bừng sáng theo thời gian như mới hôm qua, cho hôm nay và niềm tin về mai sau…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Làm sao quên được ngày vào mùa vụ trong cơn gió bấc trở ngọn báo hiệu một mùa xuân đang gần kề. Trời hừng đông, tía má tôi lại tất tả vác cuốc ra đồng, nước rút dần sau cơn lũ tràn về từ thượng nguồn sông Mê Kông thì người người ra đắp bờ, be đê không để nước tràn vào đồng và để lại một lượng nước vừa đủ cho đất ruộng không bị khô cằn. Đồng lúa như khu đất hoang bỏ trống sau khi được bà con nông dân làm đất thì trở nên bằng phẳng, thẳng thớm. Sau một thời gian ngắn, khắp đồng ruộng tứ bề ngập tràn những chồi non từ cây mạ mới nhú lên, một màu xanh mượt mà và non tơ. Đồng lúa cứ thế hiên ngang sinh trưởng và lớn lên trên vùng đất được bồi đắp phù sa màu mỡ.
Những buổi chiều lộng gió, trên cánh đồng bát ngát hương mạ non, tụi con nít xóm dưới xúm nhau chơi thả diều, xóm trên đi lùa vịt đồng về ao theo con nước lớn ròng, có đứa thì rủ nhau đi dọc bờ ruộng bắt cá rô sổ, trời đỏ đèn mới chịu về nhà, tay đứa nào cũng có chiến phẩm để khoe với cả nhà, có khi tía má còn nhìn không ra con mình vì đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem bùn đất. Má tôi nhanh chân làm cá, nấu cho cả nhà một mẻ kho khô cá rô sổ, chấm bông điên điển, bông súng ma, mớ rau đồng đậm vị miền quê.
Ai từng xa quê mà không thương không nhớ, nhớ đất nhớ người và nhớ cả cảnh vật nơi miệt đồng một thuở nuôi lớn khôn ta. Nhớ hương lúa chín vàng ươm cánh đồng, thấp thoáng đâu đó bóng hình tía má khi còn trẻ vất vả nuôi con, sớm hôm đồng áng. Bây giờ, ở quê thu hoạch lúa hiện đại hơn xưa, chỉ cần đến kỳ cắt lúa, máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa cho vào bao, người nông dân nhàn hơn thời tía má. Số đem bán, để dành vài chục bao lúa chở về nhà cất ăn dần qua vụ mùa sau. Vụ nào trúng mùa, trúng giá, lời to thì nguyên xóm nhỏ xứ ruộng miệt đồng ăn Tết lớn rộn ràng. Những hạt thóc vàng ngọc được chà xát làm ra hạt gạo trắng trong, chắc mẵm. Nồi cơm quê được bắc trên cái cà ràng đỏ rực hòn than củi của má kiếm mấy bận nước lên, hạt cơm chín thơm khô ráo, bên dưới lớp cơm cháy vàng ươm, giòn rụm. Hòa quyện cùng sự biến tấu các món ăn miệt đồng má nấu cho cả nhà. Cá rô kho tộ, cá trê đồng chiên giòn chấm mắm chua cay, canh chua bông súng ma, rau mát, canh cá lóc nấu rau đồng, ếch xào nghệ, lươn um lá cách, nhớ cả những hôm đi mò cua, bắt ốc cùng tía. Đem về luộc chung lá sả, lá ổi rồi món nước chấm đúng bài là cơm mẻ cùng sả ớt băm nhuyễn. Mỗi món ăn có vị riêng, hương vị của miệt đồng. Các món ăn dù chẳng cao sang cầu kỳ lộng lẫy nhưng làm lòng người quay quắt nhớ. Nỗi nhớ tình thân, nhớ người cùng làng chung xóm nhỏ, nhớ cội nguồn nuôi lớn khôn ta.
Xứ ruộng miệt đồng dân dã và bình dị nhưng mãi theo chân cùng những người con được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất đồng chua cỏ cháy. Dù ở phương trời nào cũng đau đáu tìm về như cây có cội người có tông. Khoảng trời hoa mộng ấy là hương lúa mới tinh khôi, là hương tràm ngào ngạt mật ong, là thoảng mùi sen đồng, là dòng sông neo đậu từng nhánh lục bình xanh biết mang dáng hình đặc trưng xứ Đồng Tháp Mười hiền hòa và mến khách.
DIỆP LINH