Đà Nẵng cuối tuần

Địa danh Chợ Cầu trong câu hát ru

08:47, 17/03/2024 (GMT+7)

* “Bồng em mà bỏ vô nôi. Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An”. Trong bài hát ru này, chợ Cầu nằm ở đâu? Bài hát có những dị bản nào khác? (Nguyễn Văn Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Chợ Cầu làng Hà Lộc xưa không còn nữa, chỉ còn cây cầu Chợ lưu di tích xưa. Ảnh: V.T.L
Chợ Cầu làng Hà Lộc xưa không còn nữa, chỉ còn cây cầu Chợ lưu di tích xưa. Ảnh: V.T.L

- Trong bài hát ru trên, chợ Cầu xưa kia ở làng Hà Lộc, nay là khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bài “Tết xưa ở chợ Cầu” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 31-1-2008 cho biết ngày xưa, thương khách đi lại giữa chợ Hàn (Đà Nẵng) và chợ Phố (Hội An) chủ yếu bằng đường sông. Sông Cẩm Lệ rẽ thành hai nhánh: một nhánh đổ ra cửa Hàn, một nhánh ngoặt qua làng Non Nước rồi xuôi về hướng đông nam qua chợ Cầu làng Hà Lộc, thông xuống sông Hà Sấu rồi đổ ra biển qua cửa Đại. Nằm trên trục lộ giao thông thuận lợi, chợ Cầu đã từng nổi tiếng trù phú một thời.

Theo bài đã dẫn, sở dĩ chợ có tên như thế vì chợ nằm sát bên một cây cầu. Chợ và cầu như hình với bóng, chợ mang tên Cầu còn cầu thì mang tên Chợ. Các cụ cao niên còn truyền lại một về đối chơi chữ rất hiểm hóc bằng cách nói lái kiểu Quảng đến nay vẫn chưa ai đối đặng: Qua chợ Cầu, đến cầu Chợ, chờ cậu.

Cách chợ Cầu tầm 300m là học tràng của Cử nhân Lê Tấn Toán, lò sôi kinh nấu sử của các sĩ tử thời ấy. Theo đà phát triển sầm uất trên bến dưới sông của chợ Cầu, trường học của thầy cử họ Lê trở thành nơi đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước, trong đó có hai người đã tham gia phong trào Cần Vương ở Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu và Châu Thượng Văn.

Bài viết “Dấu xưa chợ Cầu” đăng trên Báo Quảng Nam cho biết thêm: những bậc cao niên ở khối phố Tân Khai lý giải rằng, ngày đó ở cạnh chợ Cầu có một bà cụ thường miệt mài hầm vôi, sáng nào cũng gánh ra chợ ngồi bán, nhiều người ở các khu vực lân cận cũng hay ghé lại mua vôi của bà về bán lại. Tiếng lành đồn xa và đặc sản vôi chợ Cầu dần đi vào bài hát ru nói trên.

Sau ngày thống nhất đất nước, địa danh chợ Cầu một thời vang bóng đã lui dần vào dĩ vãng bởi trên nền chợ cũ những ruộng lúa, vồng khoai bao la mọc lên.

Ở Hà Tĩnh cũng có một chợ Cầu, như phần trích trong bài “Hương Sơn - Qua những câu ca dao” đăng trên trang hatinh24h.com.vn (Công ty CP Truyền thông 24H Online - Trang Thông tin Điện tử Hà Tĩnh 24h): Thiếp gặp chàng chỗ đàng chợ Phố/ Chàng gặp thiếp tại chỗ chợ Cầu/ Nhìn nhau nước mắt thấm bâu/ Bạn về xứ bạn không biết giải sầu cho ai.

Bài hát ru trên có một số dị bản ở câu cuối, ví dụ: Mua cau Đông Phú, mua trầu Đồng Tranh. Đông Phú là thị trấn của huyện Quế Sơn. Đồng Tranh là tên một làng ngày trước thuộc xã Phú Bình, tổng An Mỹ, huyện Tiên Phước, phủ Thăng Bình; nay thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức.

Ở vùng Thừa Thiên Huế - Quảng Trị có điệu hò ru em: Ru tam, tam théc cho muồi/ Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh... “Tam” có nghĩa là em, như “eng tam” là anh em. “Théc” có nghĩa là ngủ. Cụm từ “théc cho muồi” nghĩa là ngủ cho say. Chín muồi (rất chín, đạt đến độ ngon nhất), ngủ muồi (ngủ rất ngon, rất say). “Mạ” có nghĩa là mẹ.

Trong điệu hò trên, làng Nam Phổ thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng trồng rất nhiều cau, vì gần nước nên cau rất ngon và sai quả. Chợ Dinh nay thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế. Vùng chợ Dinh xưa quanh năm rợp vườn cây trái, nơi trồng trầu ngon nổi tiếng trong vùng.

ĐNCT

.