Đà Nẵng cuối tuần

Những tòa nhà phải khiến con người hạnh phúc

13:03, 16/03/2024 (GMT+7)

Ở tuổi 78, kiến trúc sư người Nhật Riken Yamamoto vừa được trao tặng giải thưởng Pritzker, còn được mệnh danh là “giải Nobel kiến trúc”, để ghi nhận những đóng góp lớn của ông với nhiều công trình kiến trúc hiện đại chủ yếu tại châu Á.

Toàn cảnh khu vực mở rộng của sân bay ở Zurich, Thụy Sĩ do kiến trúc sư Riken Yamamoto thiết kế năm 2020. Ảnh: Simon Vogt/Flughafen Zürich Ag
Toàn cảnh khu vực mở rộng của sân bay ở Zurich, Thụy Sĩ do kiến trúc sư Riken Yamamoto thiết kế năm 2020. Ảnh: Simon Vogt/Flughafen Zürich Ag

“Mục tiêu lâu dài của tôi là thiết kế kiến trúc để có thể đem lại niềm vui cho cả những người xung quanh nó chứ không chỉ là các khách hàng của tôi”, ông Yamamoto xúc động chia sẻ với báo giới tại Tokyo sau khi nhận giải thưởng Pritzker công bố hôm 5-3.

Kiến trúc vì con người

Ông Yamamoto giành giải thưởng bởi “điều quan trọng nhất là vì ông nhắc nhở chúng ta rằng trong kiến trúc, cũng như trong một nền dân chủ, các không gian phải được tạo ra bởi quyết tâm mạnh mẽ của con người”, Hãng tin AFP trích nhận định của ban tổ chức giải thưởng Pritzker về ông.

Chủ nhân của giải Pritzker năm nay là một bất ngờ lớn. Ra đời vào tháng 4-1945 tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhưng lớn lên tại Nhật, ông Yamamoto là con trai của một kỹ sư và một dược sĩ. Là tác giả của rất nhiều công trình kiến trúc đa dạng, “triết lý” mà kiến trúc sư người Nhật này theo đuổi không phải là sự ấn tượng của các công trình, mà là sự thân thiện của nó với những người sử dụng. Ông đã thiết kế nhiều bệnh viện, trường học, các công trình tại sân bay, trạm cứu hỏa cùng vô số dự án nhà ở xã hội khác chủ yếu tại Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).  

Các công trình kiến trúc của ông được “nhận diện” bởi đặc tính luôn chú trọng vào thúc đẩy sự tương tác, kết nối của những con người trong cùng không gian đó. Ví như Trường Tiểu học Koyasu ở Yokohama có những khoảng sân chơi kết nối tới mọi lớp học và tạo không gian đủ cho 1.000 em học sinh có thể cùng chơi đùa với nhau; còn thiết kế của Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka lại khiến du khách được đắm mình hoàn toàn vào phong cảnh thiên nhiên ở đó...

Ban giám khảo giải Pritzker đã đề cao khả năng của ông trong việc giải quyết những thách thức phát sinh do sự thay đổi xã hội để giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, ngay cả khi các điều kiện kinh tế và xã hội không thuận lợi. Giải thưởng cũng là một thông điệp gửi tới chủ nhân của các tòa nhà, kêu gọi họ có trách nhiệm hơn với những điều tốt đẹp chung của cộng đồng.

Đồng vọng với kiến trúc bản địa

Sự hiện diện của yếu tố “bản địa” trong kiến trúc có tính phổ biến và có thể được xem là một tính chất đặc thù, có vai trò chi phối cách thức tổ chức không gian và xử lý hình thức kiến trúc. Tính chất đó có thể được gọi là “tính bản địa” trong kiến trúc. Đây là một đặc điểm được giới chuyên môn nhìn thấy trong các công trình của kiến trúc sư Yamamoto.

Trong lần trả lời phỏng vấn Đài phát thanh France Culture (Pháp) năm 1999, cũng là năm mà Viện Kiến trúc Pháp tổ chức triển lãm về ông tại Paris, ông Yamamoto đã chia sẻ quan niệm của mình: “Tôi thích nhìn nhận ngôi nhà trong mối quan hệ với tổng thể, như thể nó tồn tại trong một ngôi làng vậy. Tôi nghĩ ở đó, một điều rất quan trọng là những mối quan hệ”.

Kiến trúc của ông Yamamoto có sự gắn kết không thể tách rời với quy hoạch đô thị và cũng thấm đẫm trong nó biết bao kỷ niệm về những ngôi làng của Tunisia và Morocco, cũng như của Ấn Độ, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Peru, những nơi ông đã khám phá trong một loạt các chuyến đi vào đầu những năm 1970, ngay trước khi ông mở văn phòng kiến trúc riêng tại Yokohama, Nhật Bản.

Các cấu trúc công trình bê-tông lớn của những công trình như Đại học tỉnh Saitama (1999), khu liên hợp căn hộ Shinonome Canal Court Codan (Tokyo, 2003), khu tổ hợp khổng lồ Jian Wai Soho (Bắc Kinh, 2004), và tòa thị chính Fussa (Tokyo, 2008) có thể không liên quan tới phong cách kiến trúc bản địa, nhưng sự đồng vọng với phong cách ấy được thể hiện trong cách chúng có sự đan quyện giữa không gian bên trong và bên ngoài, giữa không gian chung và riêng.

Chẳng hạn, người ta có thể thấy trong các khối vuông bằng kính rất đẹp do ông thiết kế, vào buổi đêm chúng lấp lánh như những con đom đóm tại các công trình như Trung tâm cứu hỏa Nishi ở Hiroshima (2000), Đại học Tương lai ở Hakodate (2000), và Bảo tàng nghệ thuật ở Yokosuka (2006).

Đất nước của những kiến trúc sư tài danh

Ông Riken Yamamoto là người Nhật thứ 9 được trao Giải thưởng Kiến trúc Pritzker (giải thưởng này được trao lần đầu tiên vào năm 1979). Nhật cũng là nước có nhiều kiến trúc sư giành giải thưởng này nhất cho tới nay. Trong đó có ông Kenzo Tange (năm 1987), ông Fumihiko Maki (năm 1993), bà Kazuyo Sejima và ông Ryue Nishizawa (năm 2010), và ông Arata Isozaki (2019). Ông Tom Pritzker, Chủ tịch quỹ Hyatt, đơn vị tài trợ cho giải thưởng Pritzker, cho biết có gần 20% trong số những người đã được trao giải thưởng này là người Nhật Bản.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.