Đà Nẵng cuối tuần

Gìn giữ những "bảo vật kiến trúc"

14:46, 30/03/2024 (GMT+7)

Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều nhà cổ với tuổi đời hàng trăm năm đang được gìn giữ, góp phần tăng thêm chiều sâu văn hóa cũng như tạo nét chấm phá độc đáo về phương diện kiến trúc của thành phố.

Nhà cổ Tích Thiện Đường nằm ở thôn Thái Lai (huyện Hòa Vang) có tuổi đời hơn 200 năm. Ảnh: K.H
Nhà cổ Tích Thiện Đường nằm ở thôn Thái Lai (huyện Hòa Vang) có tuổi đời hơn 200 năm. Ảnh: K.H

Tiêu chí để nhận diện

Một chiều cuối tháng Ba, chúng tôi tìm về thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), nơi có ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường, một trong những nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm. Trải qua ngần ấy thời gian nhưng nhà cổ Tích Thiện Đường vẫn giữ gần như nguyên vẹn lối kiến trúc đặc trưng của nhà Việt cổ ở khu vực miền Trung với mái lợp ngói âm dương, được xây theo lối 3 gian, 2 chái; nằm ở bên trái từ lối dẫn vào nhà chiếc giếng cổ vẫn được giữ như một kỷ vật hoài cổ; toàn bộ bàn thờ, phản ngồi, cột nhà… đều làm từ gỗ mít đã ánh màu nâu bóng. Những nét chạm trổ tinh xảo trên tủ thờ, kèo, cột nhà… được điêu khắc bởi các nghệ nhân làng Mộc Kim Bồng (Quảng Nam).

Ông Đỗ Hữu Minh (68 tuổi) chủ nhân ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường cho biết, nhà cổ nằm trọn trong khu vườn 3.500m2, được xây dựng vào thời ông cố của ông Đỗ Hữu Minh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cũng như từng hứng chịu bom đạn chiến tranh, rồi thiên tai, lũ lụt, đến đời ông Minh, căn nhà có nhiều hư hỏng đã được tu bổ nhiều lần, may mắn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị kiến trúc cốt lõi, những vật dụng lâu đời phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Giữa thế sự xoay vần, xã hội ngày càng hiện đại, phong tục tập quán của người dân nhiều đổi thay. Vấn đề đặt ra và được các ngành chức năng nhận diện đó là phải làm sao cân bằng giữa bảo tồn và phát triển những giá trị xưa - cũ, trong đó có những công trình kiến trúc nhà cổ để tự hào và không phải tiếc nuối.

Khi đời sống kinh tế, diện mạo đô thị vùng trung tâm cũng như nông thôn thành phố có nhiều khởi sắc thì đâu đó, lẫn khuất trong các khu dân cư, các thôn xóm vẫn còn những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, vẫn cứ luôn vững chãi, bình thản lắng nghe những thay đổi của cuộc đời.

Có thể thấy, mươi năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế, diện mạo đô thị vùng trung tâm cũng như nông thôn thành phố có nhiều khởi sắc thì đâu đó, lẫn khuất trong các khu dân cư, các thôn xóm vẫn còn những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, vẫn cứ luôn vững chãi, bình thản lắng nghe những thay đổi của cuộc đời. Và vẫn vẹn nguyên những đặc trưng dễ nhận diện kiến trúc nhà cổ của vùng Duyên hải Trung bộ như: nhà lợp mái ngói âm dương, giếng nước cổ, nhà được dựng bằng gỗ 3 gian hai chái hoặc 5 gian 3 chái.

Là người tâm huyết và có niềm yêu thích đối với công tác tìm tòi, nghiên cứu để qua đó đề xuất những giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của các ngôi nhà cổ, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết thành phố hiện có khoảng gần 100 ngôi nhà cổ, mang đậm nét kiến trúc cũ của người dân Duyên hải miền Trung. Việc gìn giữ những “bảo vật kiến trúc” quý hiếm này đòi hỏi sự kỳ công và tâm huyết của chủ nhà bởi không phải ai cũng có đủ nguồn lực và sự kiên nhẫn để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị.

Giải quyết hài hòa lợi ích riêng - chung

Trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, các làng cổ, nhà cổ đang chịu áp lực rất lớn về bảo tồn di sản. Ấy là bài toán nan giải mang tên “hài hòa giữa bảo tồn và phát triển” mà các nhà quản lý di sản cùng người dân vẫn mải miết đi tìm lời giải.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang bày tỏ trăn trở, hiện nay Hòa Vang là địa bàn còn nhiều dấu tích của làng cổ, trong đó có riêng một hệ thống hàng chục ngôi nhà cổ do thành phố quản lý và một số khác thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều năm qua, địa phương xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ tiêu biểu trên địa bàn. Việc bảo tồn, gìn giữ hệ thống nhà cổ luôn cần sự song hành giữa các ngành chức năng cũng như ý thức và trách nhiệm của người dân.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ là hành trình dài với không ít mâu thuẫn nảy sinh cần giải quyết, trong đó việc bảo đảm hài hòa giữa vốn cổ với điều kiện sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, với quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra rất sôi động. “Đối với địa bàn huyện Hòa Vang đó là việc cần làm và phải làm để xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025 với mô hình “đô thị sinh thái giàu bản sắc”, hướng đến chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Đồng thời, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đã tạo nét đặc sắc cho Hòa Vang”, ông Nguyễn Thúc Dũng cho hay.

Ở cấp thành phố, các cấp, ngành chức năng có nhiều cuộc khảo sát, nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị nhà cổ truyền thống trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, qua khảo sát đã nhận diện được các giá trị kiến trúc - nghệ thuật và văn hóa lịch sử của các nhà cổ truyền thống trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó hình thành các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn cùng các tiêu chí đánh giá cụ thể… Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, bất cập, cần được tháo gỡ.

Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị đã xác lập đề án “Hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị nhà cổ dân gian truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận định: “Thực tế đã diễn ra, nhiều nhà cổ có giá trị văn hóa - lịch sử cao, giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu nhưng người dân không muốn xếp hạng di tích vì bị ràng buộc quá nhiều bởi Luật Di sản văn hóa. Thậm chí, có nhiều di tích đã được xếp hạng rồi nhưng chủ sở hữu có ý định xin trả lại danh hiệu di tích lịch sử - văn hóa vì những lý do như trên.

Ngược lại, cũng có tình trạng người dân lại muốn dựa hẳn vào nguồn ngân sách Nhà nước trong việc đầu tư bảo tồn nên tranh thủ vận động chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét để được xếp hạng hoặc đưa vào diện thực hiện đề án... Phải có một tư duy rất riêng cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của những “bảo vật kiến trúc” như thế này”.  

Con đường bảo tồn và gìn giữ để những ngôi nhà cổ được trường tồn với thời gian đã được vạch ra khá rõ nét, nhưng để đến đích lại vướng không ít rào cản. Thế nên lâu nay, không chỉ ngành chức năng mà ngay những cá nhân, gia đình sở hữu những ngôi nhà cổ vẫn luôn thận trọng từng phép tính để giải bài toán bảo tồn và phát triển.

KHÁNH HÒA

.