Đà Nẵng cuối tuần

Kỳ đài Huế

15:42, 02/03/2024 (GMT+7)

* Cột cờ ở Kinh thành Huế được xây dựng từ bao giờ và đóng vai trò ra sao đối với lịch sử và cảnh quan của cố đô Huế? (Nguyễn Thành Trung, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Cột cờ Kinh thành Huế hay còn gọi là Kỳ đài Huế, là một trong những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng. Công trình kiến trúc này thuộc quần thể di tích Hoàng thành Huế và là biểu tượng quyền lực triều nhà Nguyễn.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (archives.org.vn) đã dẫn nguồn sử liệu Châu bản triều Nguyễn ghi chép những lần treo hiệu cờ trên cột cờ trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo và sửa chữa cột cờ. Cùng với Kinh thành Huế, Kỳ đài là di tích thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Kỳ đài Huế được xây dựng vào năm 1807 và được tu sửa vào các năm 1829, 1831, 1840. Ảnh: V.T.L
Kỳ đài Huế được xây dựng vào năm 1807 và được tu sửa vào các năm 1829, 1831, 1840. Ảnh: V.T.L

Kỳ đài ở phía Nam Kinh thành Huế, thẳng mặt Ngọ môn, được xây dựng vào tháng 11 năm Gia Long thứ 6 (1807). Cột cờ xưa được làm bằng gỗ, cao 12 tầm (khoảng 26m), được làm từ trấn Gia Định, rồi đưa về Kinh thành để xây dựng. Về mặt kiến trúc, nền Kỳ đài lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa. Kỳ đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ được xây dựng bằng gạch gồm ba tầng, xếp chồng lên nhau, tượng trưng Thiên - Địa - Nhân hòa hợp. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m, tổng cộng khoảng 17,5m. Từ mặt đất tới đỉnh Kỳ đài là hơn 54m. Xưa kia, trên mỗi tầng của Kỳ đài, triều Nguyễn bố trí lính canh, đại bác để phòng thủ.

Báo vnexpress.net, cho biết thêm, ba tầng Kỳ đài được kết nối với nhau bằng hệ thống cửa vòm. Từ mặt đất lên tầng đầu có một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ đài, tầng đầu thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4m, tầng giữa thông với tầng trên cùng bằng một cửa vòm rộng 2m. Hệ thống bậc cấp được làm bằng đá.

Kỳ đài Huế ban đầu có hai điếm canh trên tầng 3, là nơi binh lính nhà Nguyễn thay phiên nghỉ ngơi. Theo thời gian và qua các biến cố lịch sử, hai điếm canh này bị phá dỡ nhưng vẫn còn móng cũ. Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phục hồi hai điếm canh với kinh phí 450 triệu đồng theo kiến trúc triều Nguyễn xưa.

Cột cờ trước đây làm bằng gỗ cao hơn 30m song bị bão đánh gãy nên đến thời vua Thành Thái được thay bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy. Năm 1948, cột cờ được xây lại bằng bê-tông cốt sắt với chiều cao 37m.

Kỳ đài Huế là nơi chứng kiến những biến động lịch sử của triều Nguyễn. Năm 1885, Kinh đô Huế bị thất thủ, lá cờ quẻ Ly tượng trưng cho chủ quyền triều Nguyễn được thay thế bằng lá cờ tam tài của Pháp. Ngày 30-8-1945, trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên tung bay phấp phới trên đỉnh Kỳ Đài đã thay thế cho lá cờ hình quẻ Ly của triều đình Nguyễn, báo hiệu kết thúc sự tồn tại của chế độ quân chủ Việt Nam.

Kỳ đài Huế là một trong những công trình triều Nguyễn nằm trong hệ thống di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Hằng năm, các ngày lễ quan trọng, lá cờ Tổ quốc trên Kỳ đài lại được thay mới. Ngày nay, Kỳ đài đã tạo nên điểm nhấn giao hòa giữa quá khứ, hiện tại, tương lai và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

ĐNCT

.