Đà Nẵng cuối tuần
Mẹ tôi
Nhà chỉ một mình anh Hai là con trai, mẹ cưng lắm, cưng từ thuở mới lọt lòng. Mấy chị em gái chúng tôi đều quê mùa lem luốc nhưng cậu con trai vàng ròng của mẹ lúc nào cũng bảnh bao tươm tất. Nếu ai đó than dùm chị em tôi, mẹ sẽ giải thích con gái sửa soạn dễ sinh hư - và chị em tôi cũng tin như vậy nên không ý kiến. Dù luôn nói trai gái gì mẹ cũng thương ngang nhau nhưng chúng tôi biết, mẹ nghiêng về anh Hai nhiều hơn, mẹ-sợ-anh-khổ. Lý lẽ của mẹ nghe rất hợp tình hợp lý nên chị em tôi cũng ngấm ngầm ủng hộ. Mẹ bảo, con gái là con người ta, mai mốt đi lấy chồng, lo phụng dưỡng nhà chồng, rảnh đâu mà lo cho ba mẹ đẻ. Song thân mai mốt già nua, đằng nào không về cho con trai nuôi lúc ốm đau bệnh tật. Vì cái lý ấy nên mẹ kiên quyết, nếu không yêu thương con dâu như con gái, sau này mong gì sẽ được nó đoái hoài.
Ngày anh Hai lấy vợ, mẹ cho ra ở riêng liền theo nguyện vọng, mẹ mở tiệm cho anh làm nghề sửa xe. Vợ anh, chưa nấu cho mẹ một bữa cơm nào. Ra riêng ở, cái giường, tủ đựng đồ mẹ mua tặng, đến xoong nồi, chén bát, rổ rá đều lấy từ nhà mẹ. Mẹ là vậy, cái gì con cần là phải cho hết mới chịu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Anh làm nghề nhưng không bỏ ruộng, có điều gần như khoán trắng cho ba mẹ. Ngày mùa, mẹ đi cắt lúa cho vợ chồng anh, về phơi khô đóng bao rồi bảo bán sắm vàng, giành dụm cho con ăn học. Nếu sào lúa của anh phơi khô còn sáu bao rưỡi, mẹ sẽ xúc của mẹ đổ vào cho đủ bảy bao mà bán. Bán lúa, nếu không đủ tiền sắm một chỉ vàng thì mẹ sẽ bỏ thêm, sắm cho anh một chỉ. Người ta tới nhà thu tiền cày, mẹ đóng luôn phần ruộng của anh. Anh tôi làm ruộng mà chỉ biết một sào mấy bao, còn phân giống, chăm bón, mẹ lo hết. Mấy chuyện đó, chỉ chị em chúng tôi biết, anh Hai biết, và (hình như) chị dâu không hề biết. Mẹ vun vén cho con từng chút một vậy mà, nếu mẹ gặt lúa, tìm không ra công gánh, nhờ anh một tiếng, vợ anh sẽ từ chối liền. Chị bảo, anh bận việc không thể đi, chị sẽ cho tiền để mẹ kêu công khác. Ôi, làm gì có chuyện đó, đời nào mẹ lấy của các con một hào.
Con cái đã lớn, chúng tôi đồng tâm kêu ba mẹ giải tán gấp mấy con bò nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ bảo vẫn còn sức để lo cho chúng, tay chân còn làm được sao bắt nằm nhà coi ti vi. Đằng nào rồi vợ chồng già hổng nằm xuống báo đời báo chướng các con nên giờ đừng lo cho ba mẹ. Để sức sau này rồi hẵng lo - mẹ nói và cười như đang đùa nhưng tôi hiểu được tâm ý không muốn trở thành gánh nặng cho các con nên càng kính yêu mẹ hơn.
Hằng ngày, ba lùa đàn bò ra đồng, mẹ đi kiếm cỏ. Anh mua một con bò nhỏ gửi chung vào chuồng của ba mẹ. Từ ngày mua bò, thi thoảng anh mới ghé lại nhìn xem con bò đã thay da đổi thịt thế nào. Mùa mưa, rét căm căm nhưng mẹ cũng phải đi kiếm cỏ. Mấy chị em về than thở, trách cứ anh làm mẹ khổ thêm thì mẹ la liền. Mẹ bảo, mẹ làm được, chuyện có to tát gì mà bây cứ nói. Ngày bán bò, anh chị mới có mặt ngoài chuồng kỳ kèo, ngã giá. Bò bán xong, ba được một gói trà, hai lon sữa bò. Riêng mẹ chẳng có gì.
Chén bát trong rá đằng nào cũng va nhau, anh chị tôi cãi một trận to lắm. Lý do, bạn bè anh tới nhà nhậu, chồng say bỏ việc, vợ lấy chén bát đập sạch, chửi không tiếc lời. Cũng hôm đó, nhà chị, mấy anh trai kéo xuống đòi đánh anh tôi, bảo mẹ ăn chặn của con, làm mẹ không vun vén cho con mà ăn bớt ăn xén. Mẹ chỉ im lặng vuốt nước mắt chứ không nói gì. Chuyện đó, phải sau này chị em tôi mới biết. Hỏi mẹ sao không nói, mẹ bảo sợ mấy chị em tôi giận mà xa lánh anh chị. Đời mẹ chỉ có mỗi ý niệm muốn các con phải yêu thương nhau. Và phân bua, đó chắc là lúc hiểu lầm, người ta nóng nên nói bừa, trách chi!
Mẹ tôi là vậy, “một điều nhịn chín điều lành”.
Con đông, các con lớn cả rồi nhưng càng lớn, mẹ lại càng canh cánh nhiều nỗi. Dựng vợ, gả chồng, lo nhà cửa đất cát xong, lại lo nuôi đẻ từng đứa. Mẹ nuôi đẻ kỹ lắm, mẹ bảo, hồi xưa, không ai nuôi nên mẹ lăn lộn sớm, không ở cữ đàng hoàng, bây giờ, chưa già lắm đã đau nhức mình mẩy. Rút kinh nghiệm bản thân, mẹ chăm đẻ mấy chị em như người ta chăm bà hoàng vậy. Riêng chị dâu sinh con, mẹ nhận luôn phần nuôi đẻ chứ không cho chị về mẹ sinh con vì "bác ấy già hơn".
Cu Tí của anh chị nhờ mát sữa, mát da mát thịt nên bụ bẫm lắm. Mẹ bồng cháu cả ngày, chị dâu không cho mẹ ẵm nách, chị bảo, mới hơn một năm mà nách sớm, mai mốt chân đi vòng kiềng, tội chết! Vậy là mẹ ẵm thằng nhỏ đến khi nào chị cho mới dám nách. Chị nằm hóc đúng nghĩa, chỉ nằm và bật đài nghe nhạc, mẹ lo mọi việc, chị còn yêu cầu nọ kia. Có lần, chị bỏ bà nội chăm con rồi về nhà mẹ đẻ ăn giỗ, lúc về thấy con trai trầy gối vì té. Chị ôm con, chửi chó mắng mèo tứ tung, ý trách “ai đó” sao không chăm cháu cẩn thận. Tại thằng nhỏ quá hiếu động lại lớn xác, mẹ già cả, tay chân lóng ngóng không đỡ kịp. Nhưng mẹ vẫn không nói gì. Anh Hai thấy mẹ buồn buồn, hỏi có phải vợ con làm mẹ buồn không. Mẹ bảo không. Vậy là nhà cửa vẫn yên ấm, như không có chuyện gì vừa mới xảy ra.
Ba mẹ đã tới tuổi tri thiên mệnh, con cái đã thành gia thất, hai vợ chồng già không thể sống một mình được. Mấy chị em khuyên ba mẹ dọn về ở chung với anh chị. Mẹ không muốn, mẹ bảo, không nên làm phiền các con, đứa nào chẳng muốn được tự do. Tuổi già, đôi khi không hòa đồng được với những suy nghĩ của lớp trẻ, sống chung va chạm, tình cảm gia đình cố gìn giữ bấy lâu không khéo lại rạn nứt. Mấy chị em cứ thuyết phục mãi, ba mẹ tuổi già, sớm hôm phải có người bên cạnh, lỡ trái gió trở trời các con biết làm sao. Cuối cùng ba mẹ cũng chịu về ở chung với vợ chồng anh Hai.
Từ ngày ba mẹ về ở chung, chị dâu có vẻ ít cười. Việc nhà mẹ làm hết thế nhưng, đi làm vừa tới nhà là mặt chị hầm hầm, mắng chó chửi mèo liền. Mẹ nấu cơm, vô bữa ăn, chị bĩu môi chê mặn nhạt. Nếu cháu nghịch, mẹ la, chị sẽ đè thằng nhỏ ra đánh một trận rõ đau. Tới bữa cơm, thằng cu Tí lớp bốn rồi mà vừa ăn vừa nói, húp canh xì xụp, mẹ bảo, khi ăn, không nên nói chuyện, ăn uống từ tốn, đừng để phát ra tiếng động, sẽ bớt đẹp trai. Mẹ vừa dứt câu, chị hầm hầm, kêu thằng Tí đứng dậy, bữa sau đợi nội ăn xong hãy lại ăn sau. Mẹ nghẹn đắng miếng cơm trong miệng…
Chị em tôi lấy chồng khá xa, thi thoảng mới sắp xếp về thăm nhà. Mỗi lần về, tôi và con Út chọn mua xấp vải đẹp cho mẹ may đồ. Mẹ bảo đồ mới còn cất đầy tủ, chỉ khi đám cưới, Tết nhất, giỗ chạp mới đem ra mặc, mua chi nữa cho tốn kém. Chị em tôi nài nỉ ở nhà mặc ra vô cho đẹp lão nhưng mẹ vẫn không. Xấp vải đẹp mẹ cho chị dâu, bảo may kiểu nào đẹp chút mặc cho trẻ trung. Vậy đấy, mẹ tôi là người đàn bà nhà quê đúng nghĩa, không son phấn, không gương lược, không sắm sửa ăn diện, không nghĩ cho mình. Tất cả những thứ thuộc về phạm trù hưởng thụ mẹ đều nghĩ nó phù hợp với con cháu hơn mình.
Im lặng hy sinh, nhẫn nại hy sinh, mẹ xem đó là điều hạnh phúc…
***
Bây giờ, mấy chị em tôi thường hay về nhà anh Hai thăm mẹ chứ không còn ái ngại như hồi đầu nữa. Chị dâu tôi nay ra dáng lắm, cái gì cũng mẹ hết trơn, các em gái về, chị hay “mắng vốn” mẹ rồi cười hi hi, ánh mắt đó là ánh mắt chân thành - tôi cảm vậy.
Hóa ra, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ lại có sức cảm hóa hơn bất cứ từ ngữ mĩ miều nào.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN