Đà Nẵng cuối tuần
Nền tảng nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần
Hoạt động thể dục - thể thao có nhiều mục đích nhưng trước hết và chủ yếu là nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc con người. Đầu tư cho hoạt động thể dục - thể thao chính là đầu tư cho việc nâng cao sức khỏe chứ không đơn thuần là đầu tư cho việc vui chơi, giải trí. Khi hoạt động này diễn ra thường xuyên, rộng khắp, sôi nổi, tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh thì cũng góp phần đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Do vậy, vai trò của hoạt động thể dục - thể thao có ý nghĩa lớn trong đời đống xã hội, cần phải được nhìn nhận một khách quan, thấu đáo để có kế hoạch đầu tư thỏa đáng trong quá trình phát triển.
Thời gian qua, hoạt động thể dục - thể thao ở Đà Nẵng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Phong trào rèn luyện thân thể trong các khu dân cư, nhà văn hóa, trung tâm thể thao phường, xã, trong nhà trường, lực lượng vũ trang, trong đội ngũ công chức, viên chức diễn ra đều khắp. Thể thao thành tích cao thành phố cũng thường xuyên đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố mạnh nhất cả nước. Nhiều vận động viên thể thao Đà Nẵng như vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước, các vận động viên điền kinh Nguyễn Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, vận động viên đua thuyền Phạm Thị Huệ… góp mặt trong các đội tuyển quốc gia tham gia các sân chơi thể thao quốc tế và gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ.
Đà Nẵng nổi tiếng là thành phố của sự kiện và lễ hội, trong đó một số hoạt động thể thao mang tầm quốc tế góp phần đáng kể làm nên danh hiệu này như, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á với sự tham gia của gần 40 nước trong châu lục, giải Marathon quốc tế và giải ba môn phối hợp IRON MAN 70.3, thu hút vận động viên đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động thể dục - thể thao ở thành phố cũng đang đứng trước không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Khu Liên hợp thể thao thành phố ở Hòa Xuân vẫn còn nằm trên quy hoạch, chỉ mới xây dựng được một sân bóng đá và một nhà thi đấu khiêm tốn, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Hiện nay, một số bộ môn thể thao phải tận dụng sân vận động Chi Lăng để hoạt động tạm thời, trông thật xót xa. Đà Nẵng có bãi biển và không gian biển tuyệt vời để hoạt động thể thao nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Hoạt động thể dục - thể thao khu vực này chủ yếu diễn ra tự phát. Đề án thể thao biển được thai nghén từ lâu nhưng chưa triển khai được bởi các lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Trong tổng thể kế hoạch phát triển thể dục - thể thao Đà Nẵng thì nhất thiết phải đặc biệt chú trọng phát triển thể thao biển cho tương xứng với lợi thế “trời cho” này.
Mối quan hệ giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở thành phố cũng có vấn đề cần giải quyết phù hợp. Cả hai đều cần thiết, đều xứng đáng được đầu tư, tuy nhiên, trong mối quan hệ đó, phải coi thể thao quần chúng là cái gốc, cái nền để từ đó phát triển thể thao thành tích cao. Thực tế ở Đà Nẵng hiện nay ngân sách chi cho hoạt động thể thao quần chúng chỉ bằng một phần mười chi cho hoạt động thể thao thành tích cao. Do đó dẫn đến tình trạng, có đến 50 phần trăm vận động viên thể thao thành tích cao ở Đà Nẵng là người ngoại tỉnh. Trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp, việc huấn luyện, đào tạo, trao đổi, chuyển nhượng vận động viên giữa các địa phương là chuyện bình thường nhưng phải có tỷ lệ hợp lý, hạn chế việc chạy theo thành tích mà tìm vận động viên từ nơi khác về thi đấu cho địa phương mình.
Trong quy hoạch phát triển chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao của khu vực và cả nước. Để hoạt động thể dục - thể thao phát triển xứng tầm với vị thế của thành phố, cần nhận thức đúng về vai trò, vị trí của hoạt động này trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc con người, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố, đồng thời cần nhìn nhận đầy đủ cả mặt được lẫn chưa được để có giải pháp phát triển hợp lý.
HUỲNH VĂN