Rì rào tre ơi!

.

Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.

Không biết hàng tre sau hè nhà tôi đã có tự khi nào, mà nó đã trở thành nơi lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm của tuổi thơ tôi và những đứa trẻ thời ấy. Lưu giữ cả những ký ức làng quê mà thế hệ sau này sẽ không có được. Mỗi khi nhớ về ngôi nhà cũ cũng là ngôi nhà của ông bà nội, hình ảnh những lũy tre xanh rì rào trong gió làm mát rượi tâm hồn tôi, tiếng tre kẽo kẹt những trưa như tiếng võng đưa à ơi của mẹ vẫn mãi theo tôi đến ngày khôn lớn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hàng tre của nội chừng bốn, năm bụi nhưng mỗi bụi rất to, khoảng đất dưới bóng râm lâu ngày như được ai nện, đất cứng như nền nhà, quét sạch lá là có một khoảng sân mát rượi. Những năm học cấp 1, hàng tre sau nhà là thiên đường của tôi, ngoài những buổi đi học còn thì loanh quanh chơi đùa dưới bóng mát của tre đến tối mịt. Mà con nít ngày xưa thì nhiều trò lắm. Bọn tôi chơi bán đồ hàng, lấy những nhánh tre làm đũa, lấy đất sét dưới bụi tre làm nồi niêu xoong chảo chén bát. Dưới bóng mát tre xanh, bọn tôi có cả một thế giới riêng. Chơi đồ hàng chán thì bọn tôi chơi trốn tìm, chơi đánh trận. Dĩ nhiên là cũng trốn quanh quẩn sau mấy bụi tre và chơi đánh trận thì cũng lấy cành tre làm cờ, làm vũ khí.

Mà cây tre cũng được dùng làm nhiều thứ hay lắm. Mỗi năm như thế không biết bao nhiêu lần tôi lấy nhánh tre làm đồ chơi banh đũa. Anh trai tôi thì dùng để làm diều hay lồng đèn ngôi sao. Anh tôi khéo tay, hay lấy ống tre làm những chiếc chuông gió đủ kiểu treo khắp hiên nhà. Mỗi khi có gió đi qua chuông gió cất lên như những âm thanh thật vui tai. Tôi cứ hay nũng nịu đòi anh tặng nó cho mình, mặc dù treo lên đó thì của ai mà không được. 

Mẹ tôi dùng tre để làm đũa ăn hay chẻ lạt, lạt dùng để bó mạ trong mùa cấy hay cũng được dùng để gói bánh trong những dịp giỗ, Tết. Ba tôi thì dùng tre để vót cần câu hay làm dụng cụ bắt cá. Bà dùng tre để đan rỗ, rá, giần, sàng… Ông thì đóng bàn, đóng ghế… Hồi ông bà nội muốn cất cái chòi nhỏ cho yên tĩnh thì hầu như ngoài mái ngói lợp tranh và bốn cây cột kèo, còn lại được làm bằng tre. Không những vậy măng tre còn làm thức ăn rất ngon, cùng với cá ba câu được, những bữa ăn quê của mẹ nhờ tre mà thêm phong phú, chúng tôi cũng lớn khôn từ đó.

Lớn khôn từ đó và cũng ly hương từ đó, những đứa trẻ thơ ngây ngày nào lần lượt rời xa lũy tre làng, nuôi ước mơ của mình nơi phố thị. Có những đêm xa nhà, nhớ sao là nhớ tiếng kẽo kẹt của hàng tre, những âm thanh an yên mà chỉ cần đặt lưng nằm xuống là quên hết mọi phiền muộn và chìm vào giấc ngủ.

Sáng nay nghe tiếng chim hót trong vườn nhà, tôi lại nhớ hàng tre của ngày xưa, một khoảng trời thơ ấu bên lũy tre sống lại trong tôi thân thương đến lạ. Biết bao kỷ niệm êm đềm nơi làng quê dưới lũy tre xanh. Nhớ mỗi sáng sớm dáng bà, dáng mẹ khom khom quét lá tre. Nhớ ba buổi trưa ngồi trầm ngâm dưới bóng tre châm điếu thuốc lào, nhớ mẹ ru em ngủ bằng câu ca dao xưa “à ơi… trăng lên tắm lũy tre làng/ Trăng nhòm qua cửa, trăng tràn qua nôi”. Nhớ những buổi chiều trẻ con nô đùa dưới bóng tre xanh tiếng cười rộn rã. Nhớ những buổi tối trăng lên trên đầu ngọn tre, anh, chị tôi và người thương bẽn lẽn ngồi bên nhau thẹn thùng không nói, chỉ có tiếng tre nhắc thầm tình yêu luôn hiện diện. Trăng cứ thế lên cao, hàng tre cứ thế rì rào cùng với gió.

"Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh".   
   

Đó là lời trong thơ của Nguyễn Duy, còn trong tôi vẫn mãi là mùi khói nồng bà đốt lá tre để sưởi mỗi sáng mùa đông, là chiếc chõng tre mỗi trưa hè ông nằm ngâm bài Lục Vân Tiên giữa đường gặp nguy ra tay nghĩa hiệp. Và tre trong tôi vẫn mãi xanh màu câu hát à ơi của mẹ, à ơi mấy lũy tre xanh, gió từ buổi ấy mát lành đến nay.

KIM LOAN

;
;
.
.
.
.
.