Đà Nẵng cuối tuần
Xa quê ngồi nhớ quê xa
Nguyễn Công Thắng có thơ in báo từ thời học phổ thông với những bài thơ yêu nước, đấu tranh trong phong trào học sinh, sinh viên. Trước khi ra đi, Nguyễn Công Thắng đã để lại tập thơ "Ngồi thấy xa xăm và những bài thơ khác" (2016) cùng 2 tập tản văn "Con mắt dọc đường" (2008) và "Vẩn vơ nơi ga xép" (2018).
Chân dung Nguyễn Công Thắng (Võ Thành Lân vẽ) |
“Vẩn vơ nơi ga xép” đề cập nhiều chủ đề, nhưng đây là những tạp bút được ông viết trong những ngày xa quê miền Trung, làm báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy, hiển hiện trong 47 tạp bút của tác phẩm là một nỗi nhớ quê da diết. Cái “ga xép” mà ông “vẩn vơ” ngồi chờ tàu, chính là một ga nhỏ ở miền Trung quê hương. Chân ra đi mà lòng thì ở lại nên tâm trạng người xa quê buồn vui lẫn lộn: “Rồi cũng hết mấy ngày em ở đây. Buổi chiều, khi ngồi nơi sân ga chờ chuyến tàu đêm về lại đô thị xô bồ, em cứ suy nghĩ vẩn vơ, buồn vui lẫn lộn. Được cái này thì phải mất cái khác” (Vẩn vơ nơi ga xép). Thế mới biết, có ai muốn xa quê đâu, chẳng qua cuộc sống áo cơm đành phải đánh đổi để làm thân xa xứ.
Kỷ niệm quê hương sống dậy, hiện lên trên từng trang viết là những phong tục đẹp cụ thể đậm nét truyền thống. Nào là chuyện “nhóm bếp” khi làm nhà mới: “Việc đầu tiên là con nhớ nhóm bếp lửa… Tục lệ xưa nay vậy. Để bếp nguội lạnh, giống như nhà hoang!”. Chuyện đón giao thừa bên nồi bánh tét đang sôi, liên tưởng từ quá khứ tuổi thơ đến hiện tại về đôi tay gói bánh khéo léo của người cậu nhà quê: “Đêm cuối năm, lũ nhóc ngồi bên bếp lửa hồng dỏng tai nghe cậu kể đủ thứ chuyện trên đời… Bây giờ mỗi người một phương, cậu Tư đã già yếu ở quê, đôi tay run run không còn gói bánh đẹp như trước. Vậy là mỗi dịp Tết, thế nào cậu cũng tìm cách gửi vào vài cặp bánh tét” (Bếp lửa). Những đồi sim quê hương chứa đầy bao kỷ niệm: “Như thể anh chưa từng lìa xa quê, lìa xa những đồi sim để rồi chưa có dịp nào quay về với kỷ niệm cũ” (Qua đồi sim). Đón Trung thu với muôn sắc đèn hoa ở phố mà lòng lại “đang nhớ những mùa Trung thu ở tỉnh nhỏ miền Trung” (Rước đèn… ở đâu?). Tin bão lụt tàn phá quê hương, ở xa quê ngồi nghe tin mà lòng như lửa đốt: “Những lúc ấy bạn đang ngồi đây, lòng nóng như lửa đốt. Những người xa quê giống bạn cũng như lửa đốt”. Những người ly hương lại: “Í ới gọi nhau, tìm đến nhau, san sẻ chút tin tức mà mình biết được cùng bao nỗi lo âu” (Ở xa…).
Bìa tác phẩm "Vẩn vơ nơi ga xép". Ảnh: ST |
Mà đâu phải chỉ nhớ làng quê, đó còn là một thị trấn phố huyện nghèo: “Sợi dây tình cảm gắn kết với xứ sở không chỉ là cánh đồng, con đường làng, hàng cau, giếng nước, cầu tre, những người dân quê cần cù, chất phác… mà còn là cái phố huyện có mấy tiệm tạp hóa lèo tèo và ông già bán kem rung chuông leng keng”; là thị xã miền Trung nhỏ bé thân thương của một thời thanh bình nghèo khó cùng những bất an khi chiến cuộc lan tràn: “Cái thị xã nhỏ với mấy dãy phố xá... Có một rạp xi-nê lợp tôn với anh chàng câm ú ớ gác cửa…; một sân vận động chỉ có tường thấp bao quanh… Đó là thuở thanh bình. Thời chiến tranh, cái thị xã nhỏ đó… hằng ngày chứng kiến từng đoàn xe quân sự rầm rập qua phố và đêm đêm nghe tiếng đại bác ì ầm” (Quê hương). Ở đó có một “Ngôi trường cũ với hai dãy lớp học lợp ngói khiêm tốn, hiền hòa… Một phần ký ức lịch sử đáng nâng niu” (Câu chuyện trường xưa)...
Dù chỉ là những trang tạp bút ghi lại trên bước đường làm báo, nhưng với lòng yêu tha thiết nguồn cội quê hương cùng sự đa cảm của một hồn thơ, Nguyễn Công Thắng đã có những trang văn đầy rung cảm với những triết lý sâu sắc: Ngày nào mà phần hướng thiện thiêng liêng cao quý bị tước đi, các nghi lễ tạ ơn trời đất, tưởng nhớ nguồn cội tổ tiên chỉ làm một cách hình thức vô hồn, thì khi ấy Tết chỉ còn là một kỳ liên hoan giải trí (Tâm thế Tết). Hãy bảo tồn và phát huy những phong tục đẹp cha ông để lại. Vì Tết truyền thống là những ngày thiêng liêng để cháu con quay về nguồn cội, tưởng nhớ về công đức của tổ tiên và các bậc tiền nhân đã khai mở, sinh thành một vùng đất, một quê hương. Cho nên, quê hương chính là điểm tựa để người Việt không tự đánh mất mình dù có phải sống tha phương…
Từ khi học trung học ở Trường Quốc học Huế, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Công Thắng (1952-2021) là học trò của nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha - thủ lĩnh của phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế. Nguyễn Công Thắng theo chí hướng của thầy, bắt đầu dấn thân vào phong trào đấu tranh sôi nổi ngày ấy. Năm 1976, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ông được giữ lại trường làm giảng viên, rồi chuyển vào giảng dạy Đại học Sư phạm Quy Nhơn; sau đó vào làm báo, viết văn và định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông làm việc ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Báo Lao động. |
MAI BÁ ẤN