Đà Nẵng cuối tuần

Hướng tới thị trường tín chỉ carbon

21:50, 27/04/2024 (GMT+7)

Các hiện tượng thời tiết ngày càng chuyển biến theo chiều hướng cực đoan, khắc nghiệt hơn trước, nhiều quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới liên tục phải đối mặt, chống chọi với lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, bão tuyết… Nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao dẫn đến mất đa dạng sinh học, nhiều hệ sinh thái bị phá hủy. Tất cả đều là lời cảnh báo của thiên nhiên về sự gia tăng của biến đổi khí hậu, kéo theo rất nhiều hệ lụy đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người.

Biến đổi khí hậu là vấn đề chung toàn cầu, không chỉ riêng một quốc gia nào. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, trong đó các hoạt động của con người đã trở thành nguyên nhân chính, chủ yếu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, tạo ra lượng phát thải khí nhà kính rất lớn, có chức năng giống như một màng bọc giữ nhiệt quấn quanh Trái đất, làm tăng nhiệt độ của hành tinh. Ngoài ra, việc chặt phá rừng cũng tạo ra khí thải do cây xanh khi bị chặt sẽ thải ra lượng carbon tích trữ trong đó. Theo thời gian, sự gia tăng nhiệt độ từ các hoạt động này đã làm thay đổi các hình thái thời tiết và phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên, mang đến nhiều nguy cơ cho con người cũng như các sinh vật sống trên trái đất.

Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh bền vững, chuyển đổi hệ thống năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để cắt giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và huy động các nguồn lực cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều quốc gia đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050. Và để đạt được mục tiêu này, hàng loạt giải pháp thiết thực đã được đặt ra, trong đó phải kể đến việc thành lập thị trường tín chỉ carbon tại các quốc gia trên thế giới. Thị trường này giúp giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh để doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Với diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng trên 63.000ha, Đà Nẵng cũng đặc biệt quan tâm và đang đề xuất triển khai mua bán tín chỉ carbon. Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon sẽ bổ sung nguồn lực để thành phố bố trí cho các chương trình, dự án carbon thấp trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng hơn về định hướng, hành động của thành phố đối với việc sản xuất kinh doanh thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi thị trường tín chỉ carbon được vận hành, tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều phải xây dựng phương án để cắt giảm phát thải, thúc đẩy từng doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon hơn và hiệu quả hơn. Qua đó, thành phố vừa phát triển kinh tế xanh, vừa có nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Trên thực tế, đã có tỉnh, thành phố đạt được những kết quả bước đầu khá thành công khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, chẳng hạn như tỉnh Quảng Bình vừa được nhận 82,4 tỷ đồng bán tín chỉ carbon từ gần 600.000 ha  rừng trong năm 2023.

Thời gian tới, để hình thành và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, cần xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định… một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và mỗi tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời phải có lộ trình thực hiện đi kèm với mục tiêu cho từng giai đoạn. Để khai thác được nguồn tài chính thông qua thương mại carbon rừng, thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu.

Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Nhờ đặc thù tự nhiên, nước ta có tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu hécta, độ che phủ rừng 42%. Rừng Việt Nam có khả năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đây sẽ là nguồn động lực lớn để con người biết giữ rừng, bảo vệ rừng, hưởng lợi từ rừng mà không cần bất kỳ tác động tiêu cực, phá hủy nào.

HUYỀN MY

.