Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên sân khấu hóa tác phẩm văn học

14:48, 13/04/2024 (GMT+7)

Những tác phẩm văn học quen thuộc như Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), truyện cổ tích Tấm Cám… được sân khấu hóa với hình thức đa dạng, từ múa, hát cho tới kịch, hoạt cảnh… Tất cả được thể hiện bởi "những nghệ sĩ" là các sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Một phân cảnh trong đoạn trích
Một phân cảnh trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của nhà văn Ngô Tất Tố. Ảnh: L.V

“Sân khấu hóa tác phẩm văn học” là ý nghĩa của cuộc thi cùng tên do Liên chi đoàn Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm tổ chức vào trung tuần tháng 3 và chung kết vào 8-4. Ở đó, những bạn trẻ yêu văn chương, nghệ thuật của khoa có dịp tham gia vào một sân chơi sáng tạo. Theo Bí thư Liên chi đoàn Khoa Ngữ văn Hồ Quang Linh, hoạt động này hướng tới cổ vũ niềm say mê, hứng thú cho sinh viên với môn Ngữ văn, đồng thời tạo cầu nối gắn kết trong sinh hoạt tập thể.

Sau vòng sơ khảo, ban tổ chức chọn được 8 tiết mục xuất sắc lọt vào đêm chung kết. Tại đây, sức sáng tạo của sinh viên được thể hiện từ những chi tiết nhỏ nhất, biến những tác phẩm quen thuộc trên trang sách trở nên sinh động, gần gũi hơn. Đơn cử, tập thể lớp 21CVH gây ấn tượng khi tái hiện phân cảnh “Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố với nhân vật "chú chó nhỏ", hay lớp 23CBC2 duyên dáng và hài hước với tiết mục “Tấm Cám” lồng ghép những đoạn nhạc và điệu nhảy vui nhộn từ Tiktok. Khán giả cũng không khỏi xúc động trước phân cảnh chia tay của hai em nhỏ trong hoạt cảnh “Cuộc chia tay của những con búp bê” (Khánh Hoài) hay cảnh bố con ông Sáu - bé Thu rời xa nhau trong “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng)…

Kết quả chung cuộc, giải nhất cuộc thi thuộc về hoạt cảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu do tập thể lớp 23CBC1 dàn dựng. Với tiết mục này, ban giám khảo và khán giả khá bất ngờ trước cách kể chuyện lấy bối cảnh đan xen quá khứ và hiện tại. Các cảnh bạo lực của nhân vật người chồng vũ phu với người vợ khốn khổ cũng được tái hiện chân thực qua diễn xuất của những diễn viên không chuyên. Nguyễn Duy Khánh, lớp trưởng lớp 23CBC1 chia sẻ, tiết mục này được lớp lên ý tưởng và tập luyện trong gần 1 tuần. Để tránh đi theo kịch bản truyền thống, tường thuật theo mạch truyện thời gian đơn thuần, lớp chọn cách lồng ghép song song hình ảnh nhân vật già và trẻ, xưa và nay, để nhân vật chính kể lại câu chuyện. Theo Khánh, điều em và các bạn học được từ sân chơi này là làm quen với hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, củng cố kiến thức, ôn lại những tác phẩm thân quen và có cơ hội thể hiện sự sáng tạo trong học tập. Ở khía cạnh khác, đây là kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên mà các em sẽ lưu giữ sau này.

PGS.TS Trần Văn Sáng, giảng viên Khoa Ngữ văn, thành viên Ban giám khảo cuộc thi nhìn nhận các sinh viên có sự đầu tư về trang phục, đạo cụ, bối cảnh cũng như nội dung các tiết mục sân khấu hóa. Đặc biệt, nhiều tiết mục chứa đựng các tình tiết, nút thắt tạo sự xúc động cho người xem. Trên nền nội dung gốc của tác phẩm, sinh viên còn sáng tạo trong lồng nhạc, viết lời thoại. Sân khấu hóa đòi hỏi phải diễn, bên cạnh diễn xướng tác phẩm truyện thì đã có nhóm sinh viên sân khấu hóa được thơ với tác phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”. Điều này không hề dễ nhưng các em đã chuyển tải được khá tốt. Theo ông, khi sân khấu hóa tác phẩm văn học đã trở thành chuyên đề giảng dạy thì những hoạt động này nên được ghi hình, lưu trữ lại như một tư liệu quý phục vụ cho công việc của sinh viên sau khi ra trường.

LÂM VIÊN

.