Đà Nẵng cuối tuần
Ngôi nhà ký ức
Ngôi nhà gỗ phủ màu thời gian hai tầng thông ra hai mặt tiền với số 62 Bạch Đằng và 33 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An từ lâu đã được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Không ít người vừa chạm chân tới đây, miền ký ức về làng quê, ruộng đồng, sông nước của xứ Quảng, của Hội An đã chộn rộn ùa về, bởi đây là Bảo tàng Văn hóa dân gian đang trưng bày gần 500 hiện vật đã bao đời gắn bó với cuộc sống của con người.
Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An nhìn từ phía đường Nguyễn Thái Học. Ảnh: T.M |
Tôi tần ngần mãi bên cái lò tráng mì được đắp bằng đất sét trộn rơm khô bên trên có chiếc nồi đồng khá to ngay cửa ra vào ở tầng trệt phía đường Nguyễn Thái Học. Ngày trước, vùng quê xứ Quảng hầu như nhà nào cũng đắp cái lò tráng mì kiểu này. Cứ sau vụ gặt, lúa từ đồng gánh về phơi khô đổ vào mái (Tên gọi của người xứ Quảng về một dụng cụ được đúc bằng xi-măng hình tròn quả bí để đựng lúa gạo) xong là các lò tráng mì đỏ lửa. Tô mì được tráng từ những gáo bột gạo xay nhuyễn đầu mùa chan với nước nhưn tôm cá thơm lừng làm cho ai cũng gật đầu khen ngon.
Với một không gian vừa phải, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An đã gói gém tương đối đầy đủ những giá trị sáng tạo được sản sinh từ quá trình lao động của con người để tồn tại với thời gian. Mỗi công cụ, hiện vật được trưng bày ở đây như vừa gần gũi, vừa xa xôi với nhiều thế hệ nhưng đều quy tụ, chất chứa một nét đẹp của văn hóa cộng đồng và chính nó là những phương tiện bồi đắp thêm cho sự đa sắc màu của người dân về vật chất, tinh thần trong chuỗi thời gian trăm bề khó khăn.
Các công cụ sản xuất làng nghề truyền thống như may vá, đồ gốm Nam Diêu, Thanh Hà, dụng cụ đục đẽo, chạm trổ của làng mộc Kim Bồng, lồng đèn, khung dệt vải, giấy dó, khung dệt chiếu cói… từ thuở xa xưa đã tạo nên bao nghệ nhân tài hoa nổi tiếng ở phố Hội. Những công cụ đánh bắt cá thô sơ như chiếc nơm, chiếc đó, chiếc đụt, chiếc nhủi, giỏ hom làm gợi nhớ quê hương một thuở của bao người giờ đây mái đầu đã pha sương. Không ít công cụ nghề nông giản đơn đã làm cho nhiều người liên tưởng tới những cánh đồng phù sa trĩu nặng mùa vàng ở vùng đất hạ lưu của dòng sông mẹ Thu Bồn như Cồn Bàn, An Mỹ, Sơn Phô, Đồng Nà, Cửa Suối, màu xanh mướt mát bạt ngàn của những bãi bắp, bãi dâu Châu Trung, Nam Ngạn.
Từ thế kỷ XVI và XVII, Hội An đã trở thành thương cảng bậc nhất của Đàng Trong, do đó hàng hóa xuất nhập, các tàu buôn trong, ngoài nước ra vào tấp nập đã làm cho Hội An có nhiều tiệm thuốc bắc, thuốc nam nức tiếng gần xa với không ít lương y giỏi giang trị bệnh cứu người đầy tâm huyết. Câu ca “Tơ, cau, thuốc chở đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần” cũng được phản ảnh một phần bằng hiện vật tại đây. Về nghệ thuật tạo hình được thể hiện qua nhiều tác phẩm chạm trổ, điêu khắc trên gỗ, đồ đồng, đất nung, sành sứ. Các bức tượng trang trí, tượng thờ cúng, phù điêu với những hoa văn cực kỳ tinh xảo của người xưa khắc họa những nỗi niềm, khát vọng vươn tới cái đẹp của con người.
Các pho tượng thần thánh, mắt cửa, mắt ghe, bông trính, hoành phi, liễng câu đối, tranh thờ, cuốn thư… đều là những sản phẩm hữu hình nhưng chứa đựng ở bên trong sự siêu hình, huyền hoặc linh thiêng đã ra đời từ hàng trăm năm để thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt bình thường của cuộc sống con người, đề cao tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo ra sự phong phú đa dạng về nét văn hóa dân gian xưa cũ.
Những tục lệ cưới, hỏi cũng được thể hiện qua một số hoạt động khá rõ về các làng quê bao đời gần gũi với cây đa, bến nước, sân đình, với những lũy tre xào xạc đã làm sống lại biết bao người từng đi qua miền dĩ vãng. Từ lễ bắn tin đầu tiên rồi đến các lễ thăm nhà, vấn danh, đính hôn, thỉnh kỳ, thân nghinh, nhóm họ, rước dâu, tơ hồng, gia tiên và cuối cùng là lễ động phòng đã cho thấy lễ mễ cưới xin của người xưa tuy khá rườm rà nhưng đó là sự chu đáo, chặt chẽ, nề nếp gia phong luôn được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh những hiện vật được trưng bày tại các gian phòng còn có gần 350 hiện vật khác đang được lưu giữ, bảo tồn trong kho, chủ yếu là các trang phục của cộng đồng Việt - Hoa và những công cụ sản xuất của các làng nghề nổi tiếng ở phố Hội. Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An không lớn nhưng ở bên trong ngôi nhà cổ kính sát dòng sông Hoài thơ mộng này ấp ủ một nền văn hóa đặc sắc của cha ông xuyên suốt theo chiều dài lịch sử về những tên đất, tên làng và con người xứ Quảng yêu thương!
THÁI MỸ