Đà Nẵng cuối tuần

Như một cái vỗ nhẹ vào vai

17:10, 11/05/2024 (GMT+7)

Trong một góc nhỏ ở nhà sách, tựa “Câu chuyện đằng sau một bác sĩ tâm thần” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) thu hút tôi lật mở từng trang. Bởi lẽ, sau rất nhiều câu chuyện từng được nghe, được kể, được chứng kiến trong khuôn viên bệnh viện tâm thần, tôi luôn mong muốn đến gần hơn người bệnh - thông qua những chia sẻ từ một bác sĩ chuyên khoa.

Ths.BS. Nguyễn Trung Nghĩa - tác giả cuốn sách đang công tác tại Bệnh viện Vinmec Times City ở vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần và là Trưởng phân môn Tâm thần thuộc Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học Vinuni. Anh cho hay, mình viết cuốn sách này với một niềm tin rằng mỗi bệnh nhân tâm thần đều có câu chuyện đằng sau cần được xã hội lắng nghe. Có nghe thì có hiểu. Có hiểu thì có thương. Mà có thương, thì chúng ta mới có thể giúp đỡ được cho người cần mình.

Từ tình huống, câu chuyện cụ thể, tác giả mang đến cho bạn đọc kiến thức y khoa, cộng những phương pháp điều trị tâm lý, tâm thần khác nhau. Nhưng hơn hết, vẫn là mong muốn xã hội có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu hơn đối với những tâm hồn bị tổn thương và đang nỗ lực vượt qua tổn thương.

Xuyên suốt cuốn sách, bác sĩ Nghĩa trở thành người kể chuyện. 22 câu chuyện liên quan đến những sang chấn tâm lý, tinh thần được tác giả đúc rút sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân. Đó là câu chuyện của một anh xe ôm công nghệ chỉ có thể nhận những cuốc xe dưới 7km, vì cứ dài hơn 7km là anh cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, đau ngực, cồn cào ở bụng, vã mồ môi, tê và lạnh cóng tay chân. Là câu chuyện về một người đàn ông trung niên luôn vui vẻ với người ngoài nhưng lại khó khăn, nóng tính với người nhà. Hay chuyện một bà mẹ sở hữu khối tài sản triệu đô, là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ. Có trong tay những thứ mà người bình thường ao ước, nhưng bà vẫn cho rằng mình là người phụ nữ thất bại khi nhắc đến người con đã mất vì tự tử - dù sự việc xảy ra hơn 20 năm. Theo tác giả, khi chứng kiến người khác trải qua đau thương và mất mát, chúng ta thường nói lời động viên họ chấp nhận sự thật và vượt qua nỗi đau. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tâm lý, tâm thần, đi qua đau thương và mất mát là một tiến trình gồm nhiều bước. Quá vội vã, bối rối, không nhận được sự hỗ trợ phù hợp về không gian và thời gian dễ khiến cho người ta mắc kẹt lại tại một giai đoạn nào đó, không thể tiến lên và vượt qua một cách lành lặn. “Đau thương và mất mát không phải là trầm cảm, nhưng có thể gây ra trầm cảm nếu nỗi đau đó kéo dài hoặc nhiều nỗi đau xảy đến trong cùng thời điểm, cộng với việc người chịu nỗi đau thiếu nguồn lực hỗ trợ hoặc không học được cách ứng phó phù hợp dẫn đến hệ thần kinh suy sụp và rơi vào tình trạng bệnh lý”, tác giả phân tích.

Tương tự, ở câu chuyện số 20, tác giả mang đến một góc nhìn tâm lý mới: vì sao vui lại khó chữa hơn buồn? Thoạt nhìn, tựa đề này có vẻ khá mâu thuẫn, bởi lâu nay, người ta chỉ nghĩ đến khía cạnh buồn phiền dễ dẫn đến trầm cảm, thần kinh căng thẳng, nay “tự nhiên bạn cảm thấy vui, hưng phấn và rất tự tin, bạn hoàn toàn tin rằng bản thân có rất nhiều năng lực và không ngại khoe năng lực đó với mọi người, bạn có rất nhiều ý tưởng phải làm, thích đi đây đó, thích mua sắm”. Ở tình huống này, tác giả đặt ra câu hỏi và cùng bạn đọc trả lời: “Trong cơn hưng phấn, bạn đã bao giờ lỡ hứa với một người nào đó để rồi sau đó phải hối hận chưa?”. Hoặc, trong cơn hưng phấn, bạn đã từng làm những việc “điên rồ” như thức nhiều ngày, không ngủ hoặc ngủ rất ít, tham gia những trò mạo hiểm, liều lĩnh.

Qua rất nhiều câu chuyện, sau nhiều tình huống được phân tích, có thể thấy vẫn luôn có cách để hiểu (và sau đó là thương) một bệnh nhân tâm thần. Đó là sử dụng phương pháp “empathy”, hay còn gọi là khả năng thấu cảm hoặc đồng cảm. Đối với một số người, thấu cảm là bản năng tự nhiên, nhưng đối với các bác sĩ tâm thần và tâm lý gia, đó lại là một trong những kỹ năng quan trọng bởi thấu cảm tạo ra sự kết nối, từ đó đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, ở góc độ chuyên môn, cuốn sách cũng giúp bạn đọc có thêm kiến thức y khoa để nhận biết hiện tượng “bóng đè”; vì sao khi buồn, căng thẳng, người ta lại ăn nhiều, đặc biệt là đồ ngọt; vì sao điều trị trầm cảm lại cần dùng tới thuốc; ngoài thuốc, còn cách nào để tác động vào hệ thần kinh và các chất dẫn truyền thần kinh không; liệu giấc ngủ của bạn có đang đủ tốt… Tác giả cũng giúp bạn đọc đi tìm lời giải cho khái niệm “đa nhân cách có phải là tâm thần phân liệt?”. Liệu mình có bị đa nhân cách không? Hoặc làm sao để nhận ra những người xung quanh đang ở trạng thái đa nhân cách.

Từ tình huống, câu chuyện cụ thể, tác giả mang đến cho bạn đọc kiến thức y khoa, cộng những phương pháp điều trị tâm lý, tâm thần khác nhau. Nhưng hơn hết, vẫn là mong muốn xã hội có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu hơn đối với những tâm hồn bị tổn thương và đang nỗ lực vượt qua tổn thương. Với lối kể chuyện dung dị dưới góc nhìn nhân văn của một bác sĩ tâm thần, cuốn sách như một cái vỗ nhẹ vào vai để thức tỉnh chúng ta về cuộc sống mà ở đó, những câu chuyện của những con người đã can đảm đối mặt với khó khăn về tâm lý phần nào giúp chúng ta soi rọi để hiểu hơn về chính mình hoặc một ai đó cạnh bên, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn với người bệnh.

KỲ NAM

.