Đà Nẵng cuối tuần
Thương hoài những cánh thư tay…
Chiều nay, tình cờ nhận được gói bưu phẩm của một người bạn cũ, là một cuốn sách tôi loay hoay tìm kiếm lâu nay, từng có lần chia sẻ với bạn. Thú vị hơn, kèm theo đó là lá thư tay bạn gửi gắm khá nhiều tâm sự khi rất lâu rồi không có dịp gặp gỡ. Thoáng bồi hồi, tôi tự hỏi đã bao lâu rồi mình mới được nhận được một lá thư tay, dễ chừng đã hai mươi năm có lẻ…
Thời buổi này, với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, khi muốn liên lạc, chuyện trò với ai đó, chỉ cần trong tay một chiếc điện thoại thông minh là đủ cho một cuộc gặp gỡ. Người người có thể gọi thoại, gửi tin nhắn cho nhau bất kể thời gian và không gian địa lý, vậy mà cơ bản vẫn chỉ là thông điệp sáo mòn, cũ kỹ mà thiếu đi những tâm tình, trải lòng bằng những xúc cảm chân thành nhất - điều có lẽ chỉ những cánh thư tay ngày xưa mới chuyển tải được.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thế hệ 8X chúng tôi may mắn được lớn lên vào thời điểm giao thoa cũ - mới để có thể chiêm nghiệm đủ đầy hơn về thực tế này. Đầu những năm 2000, tôi vào đại học, những người bạn khác ở quê có đứa đi lính, đứa ở lại làng, đứa đi xuất khẩu lao động. Chia tay nhau đến những vùng đất mới, chúng tôi hẹn nhau khi ổn định chỗ ở thì gửi ngay địa chỉ cho nhau. Lúc bấy giờ, điện thoại còn hạn chế, họa hoằn lắm mới bấm bụng ra bốt điện thoại công cộng gọi về cho gia đình qua số điện thoại của người hàng xóm khá giả. Và thế là, như một lẽ đương nhiên, những cánh thư tay là cầu nối liên lạc mọi miền.
Tôi vẫn thường đợi đến mỗi cuối tuần mới viết thư thăm gia đình, bè bạn. Có đêm viết liền ba, bốn lá thư để kịp hồi âm cho mấy người bạn, bởi biết nơi xa ấy, bạn cũng mong chờ thư như chính mình. Viết xong còn cẩn thận gấp trang thư thật đẹp, thật kiểu cách rồi lao nhanh ra bưu điện mua mấy con tem dán vào và gửi đi. Tôi còn nhớ rất rõ, giá mỗi con tem thời ấy khởi điểm từ 200 đồng, rồi tăng dần lên 400 đồng, 800 đồng… và muốn gửi nhanh “bảo đảm” thì dán luôn hai, ba con tem.
Những cánh thư gửi đi phải đợi hằng tuần, có khi hằng tháng mới tới tay người nhận và không tránh khỏi việc thất lạc. Cùng với đó là cảm giác nóng lòng chờ đợi hồi âm. Thư nhà của mẹ gói ghém cơ man nhớ nhung kèm bao lời dặn dò tỉ mẩn chuyện ăn uống, học hành; thư bạn lính kể chuyện thao trường nắng nung rám trải; thư người bạn gái dỗi hờn, trách khéo về sự chậm trễ hồi âm… Vì có quá ít kênh thông tin nên mọi gặp gỡ chóng vánh qua những dòng thư càng trở nên vô cùng đáng quý, để bắt gặp qua từng con chữ sự ân cần, tha thiết, trĩu nặng luyến thương. Người viết thư hồi âm cũng phải chọn cách phản hồi sao cho “ý tại ngôn ngoại” khi đôi trang giấy chẳng thể chuyên chở hết nỗi niềm nên đành khất lần hẹn lại thư sau…
Viết thư tay, chẳng ai bảo ai, gần như có một mô tuýp đã được xác lập sẵn. Lời đề từ thường là: “…xa nhớ”, “…xa thương”, “…yêu dấu” và không quên “tái bút” để bổ sung thêm đôi dòng dặn dò, có khi là lời thỉnh cầu hay ước hẹn. Cảm động hơn là đi kèm phong thư, bạn hoặc người yêu gửi tặng tấm hình mới chụp làm kỷ niệm. Lại nhớ, đôi lần được bạn nhờ viết thư hộ để tỏ tình bạn gái vì bạn “mặc cảm” về nét chữ và kỹ năng văn bút hạn chế của mình. Thế là gặp phải những chuyện éo le, cười ra nước mắt sau đó…
Có lần, khi dọn dẹp đồ đạc cũ, tôi tìm được cuốn sổ lưu bút, cái album ảnh thời đi học, bắt gặp trong “gia tài ký ức” của mình hàng trăm lá thư tay được cất giữ từ lâu lắm, những trang giấy đã úa màu thời gian mà ngậm ngùi tiếc nhớ. Thật may mắn cho những ai đã từng được sống và đi qua một thời nắn nót từng nét chữ gửi người thân. Những cánh thư bay đi muôn phương và đợi hồi âm về lại, cứ thế chất đầy lên kỷ niệm một phiến đời. Để bây giờ đọng lại cả một trời thương nhớ khôn nguôi!
NGÔ THẾ LÂM