Đà Nẵng cuối tuần
Tôi thương Mi Mi
Nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: ST |
Năm 2004, khi tôi sang Hà Lan dự Festival thơ quốc tế lần thứ 35 ở Rotterdam, bài thơ Mi Mi của tôi được dịch ra tiếng Hà Lan, tiếng Anh, và sau đó không biết ai đã dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Tôi mừng vì chó Mi Mi của tôi đã vượt biên giới ra quốc tế, dù chỉ qua một bài thơ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi chơi thân với nhà thơ Việt Phương - tác giả tập thơ “Cửa mở” nổi tiếng, anh Việt Phương có lần nói với tôi: “Con chó khôn lắm, đừng bao giờ mắng “Đồ ngu như chó!”. Thực ra, câu mắng ấy ở nhiều người, trong đó có tôi, là theo thói quen, chứ không suy nghĩ sâu xa gì. Dạo đó, tôi chưa biết nuôi chó, và hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi lúc ấy, ở Quy Nhơn, cũng không có điều kiện nuôi chó, đặng biết được chó có những đức tính ưu việt gì.
Mi Mi 1 |
Năm 1984, khi tôi ra Đà Nẵng, tình cờ gặp chị Xuân Phượng - tác giả của cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” nổi tiếng mấy năm gần đây. Dạo đó chị Xuân Phượng đang là đạo diễn phim tài liệu, chị vào Đà Nẵng làm bộ phim tài liệu về du lịch cho Đà Nẵng. Gặp tôi ở khách sạn Đông Phương, chị Xuân Phượng mời chúng tôi (tôi cùng Thái Bá Lợi và mấy anh em khác) uống bia thoải mái. Trong đám bạn tôi cùng uống bia hôm ấy có anh Trương Văn Ngọc là một nhà thơ “trẻ”, cũng trẻ vừa vừa thôi, nhưng rất năng động và chơi rất vui. Tự nhiên, đang uống bia anh Ngọc hỏi tuổi rồi xem tướng cho tôi. Anh nói: “Anh tuổi Tuất, không được ăn thịt chó nhé! Anh sẽ được khi thực hiện yêu cầu này”. Một câu nói cũng như vô tình, thế mà đột ngột, tôi ngộ ra...
Cũng bắt đầu từ đó mới dẫn tới việc tôi nuôi chó, vào năm 1990, khi tôi đã chuyển về Quảng Ngãi, đã có một căn hộ nhỏ tập thể, nhưng là nhà hai tầng, có mặt đất, khoảng sân nhỏ trước nhà. Và vợ chồng tôi chính thức nuôi con chó đầu tiên, một con chó đen thuộc nòi chó săn, có lai chút đỉnh, nhưng chất “chó ta” vẫn rất đậm. Vợ chồng tôi đặt tên là Mi Mi. Con Mi Mi sống với vợ chồng tôi được 8 năm. Lúc về với chúng tôi, Mi Mi chưa được 1 tuổi. Vậy là Mi Mi qua đời năm 8 tuổi, tính theo tuổi người, còn nếu theo tuổi chó, nghe nói nhân lên 5 lần, thì Mi Mi của vợ chồng tôi thọ 40 tuổi.
Mi Mi là con chó mang khí phách của một hiệp sĩ, và mang tâm hồn của một chàng trai mê… gái. Thuở còn sung sức, chúng tôi không thể giữ Mi Mi trong nhà được, vì nó luôn tìm cách vượt qua rào cản là cửa và cổng để băng ra ngoài đường, lao đi tìm bằng được “người yêu” của nó, bất kể người yêu đang ở đâu. Có lúc nó tới nhà “người yêu”, mai phục trước nhà nàng cả tuần lễ, chả thiết gì ăn uống. Mục đích chỉ là ngăn người yêu không chạy tới với “bạn tình” khác, và không cho bất cứ gã trai chó lẳng lơ nào tìm đến với người yêu của nó. Nhiều lần, thằng con của tôi phải rủ bạn cùng đi tìm Mi Mi, cuối cùng bắt gặp nó đang nằm trước cổng một ngôi nhà cách nhà tôi nửa cây số. Hai đứa nhỏ phải hè nhau khiêng mới đưa được nó về nhà mình.
Còn cái khí phách hiệp sĩ của nó, cũng rất đáng ngưỡng mộ. Số là, có một lần, do chạy ra ngoài phố trước rạng đông, Mi Mi bị hai gã bắt trộm chó đi xe đạp (hồi đó nghèo, dân bắt trộm chó vẫn phải đi xe đạp, chưa sắm được xe máy) gã ngồi sau ném vào cổ nó sợi dây làm bằng ruột phanh xe đạp, nối với khúc tre được gã cầm gọn nơi tay. Cứ tưởng đã chắc ăn, nào ngờ, con Mi Mi nhà tôi không chạy ngược chiều chiếc xe đạp, mà chạy theo xe đạp với tốc độ nhanh nhất có thể, và… đớp vào tay gã cầm thòng lọng. Gã ta sợ quá buông tay nắm đoạn tre đực, và Mi Mi mang luôn cả đoạn tre cùng thòng lọng trên cổ chạy về nhà mình. Nếu lúc đó Mi Mi chạy ngược chiều xe đạp, thì thòng lọng siết cổ, toi rồi!
Mãi sáng ra, con bé cháu nhà tôi mới phát hiện sự tình, mở cửa cho Mi Mi vào nhà, tháo tròng dây phanh đang phập phù trên cổ nó. Tôi cho đó là chiến tích đáng kể nhất trong cuộc đời Mi Mi của chúng tôi.
Khi Mi Mi bị ốm nặng, nó chờ tôi đi Sài Gòn rồi ở nhà mới chết, không muốn tôi chứng kiến cảnh hấp hối đau thương của nó. Tôi ở Sài Gòn về, chỉ kịp làm được bài thơ tiễn biệt Mi Mi của vợ chồng tôi.
THANH THẢO