Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới sách hay
1. Tái bản lần thứ 9, cuốn sách "Điện Biên Phủ" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do con trai Đại tướng - ông Võ Hồng Nam tuyển chọn, bổ sung tư liệu (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 4-2024) gồm ba phần: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mặt trận Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ, các bài viết về Điện Biên Phủ. Ngoài ra, phần phụ lục cung cấp một số nhật lệnh, thư, lệnh động viên, mệnh lệnh tiến công, báo cáo, lịch diễn biến những sự kiện chính của trận chiến.
Ông Võ Hồng Nam chia sẻ, sinh thời, Đại tướng căn dặn ông thu thập tư liệu dựa trên văn bản gốc của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, các bức điện, mệnh lệnh trong lúc chiến đấu, đồng thời gặp gỡ tướng lĩnh tham gia cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng trên mọi chiến trường, mặt trận. Trong một số bài viết, những mệnh lệnh về việc giữ sức khỏe cho bộ đội như lo đủ cơm canh, lên rừng hái lá thuốc khử trùng vết thương gợi nhiều cảm xúc.
Theo ông Võ Hồng Nam, cha luôn đau đáu việc tổng kết các bài học lịch sử qua sách. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết là nhiệm vụ, trách nhiệm với Đảng, quân đội và những anh hùng liệt sĩ, người dân hy sinh trong chiến tranh. Qua ấn phẩm, công chúng thấy được tầm nhìn, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phương châm tác chiến của quân dân.
Năm 1958, dịp kỷ niệm 4 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bài Điện Biên Phủ, đăng trên báo Nhân Dân. NXB Sự thật (tiền thân của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) phát hành hai lần vào các năm 1958, 1960. Năm 1964, trên cơ sở bài viết Điện Biên Phủ, Đại tướng bổ sung và viết thành cuốn sách cùng tên. Từ đó đến nay, ấn phẩm liên tục được hoàn thiện với nhiều tư liệu quan trọng liên quan trận đánh ''lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu''.
2. "Chuyện cơm Hội An phong phú ẩm thực Việt" của tác giả Israel Nir Avieli do Phạm Minh Quân dịch (NXB Đà Nẵng, tháng 4-2024) là những ghi chép điền dã dân tộc học qua nhiều tháng ở vùng đất Hội An. Ông cho rằng Hội An có nét cổ kính của một đô thị xưa, sự truyền thống, tinh tế từ con người cho đến món ăn. Qua đó, Nir Avieli dẫn dắt người đọc đi vào những bữa ăn gia đình và không gian ẩm thực của các lễ hội cộng đồng đặc sắc.
Khi nghiên cứu ẩm thực Hội An, tác giả nhận ra nhiều điểm đặc trưng của nền ẩm thực Việt. Người dân luôn sử dụng nguyên liệu tươi ngon, cách chế biến nước mắm khác so với miền nam Trung Quốc và Campuchia. Đồng thời, người Việt có sự cầu kỳ trong khâu nêm nếm gia vị, giúp thức ăn dậy mùi, đậm đà.
Nir Avieli là giảng viên Khoa Xã hội học và Nhân học tại Đại học Ben Gurion ở Israel. Với vị trí nhà nhân học văn hóa, mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là ẩm thực và du lịch. Ông từng điền dã dân tộc học ở Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và Israel.
MẪU ĐƠN