Đà Nẵng cuối tuần

Bánh mì Khói và câu chuyện nhượng quyền thương hiệu

10:43, 09/06/2024 (GMT+7)

“Bằng việc dám thử, dám sai, chúng tôi tạo nên thương hiệu Bánh mì Khói với mong muốn mang đến 1 triệu bữa sáng chất lượng cho những người đang theo đuổi ước mơ”, Lê Đức Nguyên (SN 1994), chàng trai sáng lập chuỗi cửa hàng Bánh mì Khói tại Đà Nẵng đã mở đầu câu chuyện xây dựng thương hiệu của mình bằng triết lý kinh doanh “dám thử, dám sai”.

Lê Đức Nguyên (phải) tặng hoa chúc mừng cơ sở tại thành phố Tam Kỳ kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: K.N
Lê Đức Nguyên (phải) tặng hoa chúc mừng cơ sở tại thành phố Tam Kỳ kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: K.N

Nguyên nói, câu chuyện bắt đầu từ năm 2020, thời điểm thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống Covid-19. Trong căn phòng rộng chừng 20m2, anh có thời gian suy nghĩ và lên kế hoạch cho dự án kinh doanh mới của mình. Với niềm đam mê ẩm thực và mong muốn tạo dựng một thương hiệu bánh mì độc đáo, Nguyên bắt đầu bằng việc nghiên cứu các loại bánh mì, cũng như thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện tại.

Chàng trai trẻ dành nhiều ngày thử nghiệm công thức làm nhân trong căn bếp nhỏ. Ngoài công thức nhân bánh mì truyền thống với pate, chả, thịt nguội, trứng, thịt xíu…, anh mày mò chế biến gia vị Khói và thử nghiệm với bánh mì chả cá Phan Rang. Vốn có nền tảng trong lĩnh vực marketing, Nguyên nhanh chóng áp dụng những kỹ năng và hiểu biết của mình vào việc tạo dựng thương hiệu và phát triển chiến lược kinh doanh cho tiệm bánh mì. Anh nhận ra rằng, để thành công trong ngành ẩm thực, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một sản phẩm chất lượng là cần thiết nhưng chưa đủ. Do đó, Nguyên đã tận dụng lợi thế công nghệ để tiếp cận khách hàng. Anh tạo dựng website, trở thành đối tác các kênh bán hàng trực tuyến để khách dễ dàng đặt mua và theo dõi quá trình giao hàng mà không cần ra khỏi nhà. Đồng thời, anh cũng chăm chỉ cập nhật thông tin sản phẩm lên mạng xã hội, đăng tải hình ảnh và câu chuyện thú vị về quá trình làm bánh, những chuyến đi tìm kiếm nguyên liệu, hay những phản hồi của khách sau khi thưởng thức sản phẩm.

Có thể nói, ngoài chất lượng sản phẩm, chiến lược tiếp thị thông minh và tận tâm của Nguyên đã giúp bánh mì Khói không chỉ tồn tại mà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. “Tôi đã có khởi đầu khó khăn khi thời gian đầu mỗi ngày chỉ bán 10-20 ổ bánh mì. Lúc đó, tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu và kết thúc công việc lúc 23 giờ đêm. Nhưng nhờ tận tụy phục vụ, tận tụy điều chỉnh, chỉ một tháng sau doanh số tăng lên 300 ổ bánh mì/ngày. Thành công bước đầu là cơ sở để tôi mở chi nhánh đầu tiên tại Đà Nẵng và phát triển thương hiệu Bánh mì Khói trên khắp cả nước”, anh Nguyên nhớ lại.

Bằng việc liên tục đổi mới và cải tiến, tiệm bánh mì của Nguyên dần trở thành điểm đến quen thuộc cho những tín đồ ẩm thực. Với mục tiêu mang bánh mì Khói ra khỏi thành phố, tháng 12-2021, chỉ sau một năm xây dựng thương hiệu, Nguyên quyết định “bước ra khỏi vùng an toàn” và bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền thương hiệu bánh mì Khói tại Đà Nẵng. Từ đó đến nay, bánh mì Khói đã có gần 50 điểm nhượng quyền tại Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, xa hơn là Hà Nội, Nha Trang, Thái Bình, Quảng Ninh…

Thành công này không tự nhiên mà có, bởi theo Nguyên, để mở rộng thị trường ra ngoài Đà Nẵng, anh và đội ngũ của mình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường và văn hóa ẩm thực từng địa phương. Mọi người tiến hành khảo sát thực địa, phỏng vấn khách hàng tiềm năng, thậm chí nghiên cứu ẩm thực địa phương để bảo đảm sản phẩm của mình có thể gây được tiếng vang. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt sản phẩm, chiến lược marketing của Bánh mì Khói cũng được điều chỉnh cho phù hợp với thị trường mới. Một trong những bước đi quan trọng nhất là thiết kế lại thực đơn, bao bì, bao gồm cả việc giới thiệu các loại bánh mì kết hợp giữa hương vị truyền thống và nguyên liệu mới. 

Bằng nhiều nỗ lực, hệ thống bánh mì Khói của Nguyên dần khẳng định được vị thế trên thị trường, thu hút lượng khách hàng ổn định qua từng năm. Theo chàng trai này, bí quyết thành công khi nhượng quyền thương hiệu bánh mì Khói là đội ngũ của anh sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ tìm kiếm, đánh giá điểm bán, cũng như hỗ trợ khai trương, truyền thông, tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đặc biệt là hỗ trợ giám sát chất lượng và quy chuẩn điểm bán. Nhờ đó, uy tín của Khói ngày càng tăng và thương hiệu này hứa hẹn sẽ tiếp tục có những chuyến đi dài đến những vùng đất mới.

KỲ NAM

 

.