Đà Nẵng cuối tuần

Nối dài sức hấp dẫn của thành phố

16:15, 06/07/2024 (GMT+7)

1. “Ước gì mình cũng đang ở Đà Nẵng, thiệt là ganh tỵ” - đây là câu nhắn tôi nhận được nhiều nhất trong những ngày qua. Đó là khi bạn bè hay tin “Culi không bao giờ khóc” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Phim dài đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2024) lần đầu tiên ra mắt khán giả Việt Nam tại Đà Nẵng. Đó là lúc tọa đàm “Điện ảnh mà là di sản á” chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức tiếp theo sau Hà Nội. Đó là lần bạn chiêm ngưỡng những chùm pháo hoa rực rỡ qua màn hình nhỏ… Chưa bao giờ bị ganh tỵ mà tôi lại mừng vui rộn ràng đến thế. Nếu là trước đây, vẫn câu nói đó nhưng chúng tôi đổi vị trí cho nhau. Tôi từng nhiều lần ước ao mình đang hiện diện ở Sài Gòn để hòa chung nhịp sôi động của các sự kiện diễn ra liên tục. Thật hạnh phúc khi nay Đà Nẵng đã được nhiều đơn vị lựa chọn để trở thành “nơi đầu tiên”. Điều này chứng tỏ sức hút của thương hiệu thành phố - một trong những đô thị thú vị nhất Việt Nam do cẩm nang du lịch uy tín Lonely Planet giới thiệu - ngày càng mạnh mẽ, uy tín.

Chẳng những bạn bè nơi xa chộn rộn mà ngay cả người dân thành phố cũng nao nức. Chỗ này là lời cảm thán: “Thành phố dạo ni rộn ràng quá hỉ ?!”. Chỗ kia là tiếng xuýt xoa: “Thành phố bữa chừ nhiều cái thứ hay ho ghê”… Cũng phố phường ngang dọc vài ba bận mỗi ngày mà nay cứ như khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ đến lạ. Phố như trẻ thêm đôi tuổi nhờ tiếng cười, tiếng nói xôn xao trong từng nẻo đường, trong chuỗi sự kiện nối nhau: Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, Hội thảo quốc tế Đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng năm 2024, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai, khai trương Phố đi bộ Bạch Đằng… 

2. Thêm một sự kiện tầm cỡ quốc tế được tổ chức là thêm một cơ hội Đà Nẵng quảng bá hình ảnh, thêm một ấn tượng đẹp về thành phố năng động, thân thiện trong lòng du khách trong và ngoài nước. Thành công của các sự kiện định hình chân dung một đô thị hiện đại, vươn tầm quốc tế. Thành công của các sự kiện góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của Đà Nẵng với các mạng lưới và thị trường quốc tế, mở ra thời cơ mới đầy triển vọng cho sự phát triển của thành phố biển cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thu hút đầu tư.

Nhưng vui đó rồi lo đó. Thơ bé, sau mỗi tiệc sinh nhật, tôi hay bị vùi trong cảm giác trống trải và cô đơn khi tiếng cười theo bạn bè rời đi. Nên tôi tự hỏi, liệu thành phố có buồn không khi những sự kiện khép lại?! Và thành phố cần làm gì để neo những nụ cười ở lại, hay tận dụng, duy trì sự hấp dẫn ra sao khi sự kiện đi qua? Tận dụng tốt sự kiện để giới thiệu phong cảnh đẹp, nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện… là cần, nhưng chưa đủ. Tận dụng tốt sự kiện để chứng minh năng lực tổ chức là cần, nhưng chưa đủ. Thiết nghĩ, không chỉ nắm bắt cơ hội tại các sự kiện, thành phố nên có lộ trình phát triển sau mỗi sự kiện một cách chặt chẽ để nối dài “sức hút” cũng như cơ hội của địa phương.

3. Đơn cử, sau liên hoan phim, để mời gọi những hãng phim trong và ngoài nước đến làm phim cũng như tăng cường thu hút các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, Đà Nẵng cần có các chính sách đặc thù, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, đầu tư ngân sách phù hợp... Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh; phát triển cộng đồng làm phim; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của thành phố có cơ hội được giới thiệu năng lực, các dự án tới các đối tác để tìm cơ hội hợp tác sản xuất…

Với lễ hội pháo hoa quốc tế - “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, thành phố có thể xây dựng các sự kiện, chương trình phụ trợ để bổ sung vào chuỗi hoạt động nhằm thu hút thêm du khách đến Đà Nẵng. Đặc biệt, cần quan tâm đến các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử gắn với các di sản - không chỉ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn bởi loại hình này ít lệ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu…, giúp hoạt động du lịch được duy trì quanh năm. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để làm mới sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Quan trọng nhất, để phát triển thương hiệu “Đà Nẵng - Điểm đến của những sự kiện thế giới” hay trở thành “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, không chỉ cần sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong chiến lược mà còn cần sự chung tay, góp sức mạnh mẽ của cả cộng đồng.

HÀM CHÂU

.