Đà Nẵng cuối tuần
Phổ cập bơi vì mùa hè an toàn
Câu chuyện mùa hè an toàn trong đó có phòng chống đuối nước cho trẻ được quan tâm sâu sắc; tác động mạnh mẽ vào tâm lý phụ huynh nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung. Ở phía thành phố và các đơn vị, tổ chức, hội đoàn thể, những chương trình phổ cập bơi lội đã và đang được triển khai rộng rãi với tinh thần "để phòng chống đuối nước khôngchỉ là hô hào".
Lãnh đạo thành phố cắt băng khánh thành bể bơi phòng chống đuối nước tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Cẩm Lệ). Ảnh: X.S |
Từ những “trường hợp không may”
Kết thúc năm học 2023-2024 chưa lâu, em Lê Vũ Quỳnh Hương (học sinh Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, quận Liên Chiểu) được gia đình cho đi học bơi. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, chị Vũ Thị Hảo - mẹ bé Hương đưa con đến điểm dạy bơi gần nhà. “Bé nhà mình năm nay 9 tuổi, đây là độ tuổi phù hợp để con rèn luyện thể dục thể thao, phát triển chiều cao và sức khỏe thông qua việc học bơi. Điều này cũng giúp con tự tin, hoạt bát hơn thay vì chỉ ở nhà xem tivi”, chị Hảo chia sẻ.
Cho con làm quen với việc vận động từ bé thông qua những hoạt động thể thao, những chuyến đi, chị Đoàn Nguyên Quỳnh Trân (Tam Kỳ, Quảng Nam) đăng ký cho con học bơi trong hè này. “Ở trường mẫu giáo, nhà trường tổ chức dạy cho bé 1 buổi bơi hằng tuần. Tuy nhiên tôi vẫn mong muốn con được học thêm kỹ năng về bơi. Học bơi, con được vận động rèn luyện thân thể, quan trọng hơn con được tiếp xúc với môi trường nước từ sớm, học được những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bơi cơ bản để con có thể tự bảo vệ mình trong môi trường nước, phòng trường hợp không may như chuột rút, đuối nước...”, chị Trân nói.
Đó là hai trong số nhiều phụ huynh quan tâm đến việc phổ cập kỹ năng bơi lội cho con trẻ, bởi lo ngại từ những “trường hợp không may” như lời chị Trân nói đã xảy ra cách đây chưa lâu. Mới đây nhất là vụ việc 2 em nhỏ đuối nước ở khu vực hồ Đá Trắng (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) chiều 17-6, hay 3 người không qua khỏi trong vụ việc 9 thanh thiếu niên đi tắm biển bị sóng cuốn trôi ở quận Ngũ Hành Sơn hôm 18-5. Trước đó, ngày 12-4, cũng tại quận Ngũ Hành Sơn, 2 anh em sinh đôi cùng trú phường Hòa Hải bị đuối nước khi tắm tại khu vực biển cấm tắm và ngoài khung giờ trực cứu hộ.
Đó là những vụ việc đau lòng liên quan đuối nước trên địa bàn thành phố từ đầu mùa hè 2024. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, trong đó trước hết là do không biết bơi, nhất là với trẻ em. Vì thế, việc bảo đảm mọi người có kiến thức cơ bản về bơi lội và kỹ năng an toàn khi bơi là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ đuối nước.
Nỗ lực phổ cập bơi lội
Bể bơi trong khuôn viên các cơ sở Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng những ngày hè này rộn ràng hẳn với chương trình lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu. Chương trình chia làm 2 lớp tại 2 cơ sở: Dũng sĩ Thanh Khê (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) và Hoàng Minh Thảo (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), được triển khai vào buổi sáng tất cả các ngày trong tuần từ ngày 1-7 đến 30-8.
Theo Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình, chương trình trên nằm trong Chiến dịch thanh niên Tình nguyện hè 2023 của Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng. Tại đây, 21 đoàn viên thanh niên là sinh viên, giảng viên, cán bộ Đoàn tham gia tích cực vì mục tiêu chung: dạy bơi miễn phí và tập huấn bơi an toàn, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, thanh thiếu niên và đoàn viên thanh niên địa phương…
Cũng với mục tiêu trên mà ngay sau khi năm học kết thúc, nhiều trường học trên địa bàn thành phố triển khai dạy bơi an toàn miễn phí cho học sinh. Đơn cử, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) tổ chức 2 khóa dạy bơi an toàn năm 2024 cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 trong 3 tháng hè trên địa bàn phường Hòa Minh và các tổ lân cận thuộc phường Hòa Khánh Nam. Theo thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng nhà trường, khóa dạy bơi an toàn đầu tiên diễn ra từ đầu tháng 6-2024 đến nay đã có gần 200 học sinh tham gia, chủ yếu là khối lớp 6-7. Dự kiến tổng học sinh tham gia của 2 khóa là 350-400 em. Đây là chương trình nhân văn nằm trong mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh tiểu học và mở rộng sang các trường THCS của thành phố từ nhiều năm nay.
Nguồn kinh phí các lớp dạy bơi được thành phố phân bổ về các quận, huyện, sau đó được đưa xuống các trường để duy trì các lớp dạy bơi miễn phí và duy tu, bảo dưỡng bể bơi. Tính đến hết năm 2023, Đà Nẵng có 86 bể bơi miễn phí tại các trường với hơn 300 giáo viên dạy bơi. Đặc biệt, với sự quan tâm rất lớn của chính quyền thành phố và các quận, huyện, từ năm 2018, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai vận động tài trợ xây dựng được 13 bể bơi trong trường học tại các địa phương ven sông, có nhiều nguy cơ ngập lũ như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu…
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Với mục tiêu “Chung tay giúp trẻ em học bơi an toàn”, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cùng kêu gọi cộng đồng cùng chú ý hơn nữa đến việc tự trang bị kỹ năng bơi lội, tự cứu an toàn khi đuối nước hoặc trong thiên tai. Việc xây dựng bể bơi học đường để phổ cập môn bơi, cung cấp chỗ tập bơi an toàn cho hàng vạn học sinh, giúp học sinh tăng khả năng chống chịu trước thiên tai, góp phần nâng cao sức khỏe và thể chất cũng là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong việc phổ cập kỹ năng bơi lội”.
Phụ huynh cần lựa chọn những cơ sở dạy bơi uy tín, chuyên nghiệp, có đầy đủ dụng cụ cứu hộ; hướng dẫn trẻ khởi động kỹ và tắm để làm quen với nước; lưu ý vấn đề thời tiết và sức khỏe trẻ. Đặc biệt phụ huynh và trẻ cần học những quy tắc an toàn, tuân theo biển chỉ dẫn khi bơi, học cách xử trí khi có đuối nước xảy ra. Không ép trẻ xuống nước, không để trẻ một mình cạnh hồ bơi, lựa chọn hồ bơi chất lượng có nguồn nước đạt vệ sinh. Trẻ sau khi bơi cần tắm rửa, vệ sinh sạch kể cả mắt, mũi, tai... (Ths. BS Huỳnh Ngọc Khôi Cát, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình) |
XUÂN SƠN