Đà Nẵng cuối tuần
Thành phố không tiếng còi xe
Đà Nẵng từ lâu được xem là thành phố luôn tiên phong, đột phá trên nhiều lĩnh vực. Từ khi tái lập năm 1997, Đà Nẵng cũng được thừa nhận đi đầu nhiều việc, lớn như di dời giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, nhỏ như việc nơi đây là đô thị đầu tiên không có nạn ăn xin, không có nạn chèo kéo du khách hoặc là nơi chấm dứt triệt để được nạn đua xe trái phép…
Mọi người, từ đi bộ đến ô-tô phải luôn biết rằng mỗi hành vi của mình là kết quả của một quá trình giáo dục. Đi là để đến nhưng cách đi lại là kết quả của quá trình giáo dục, sự có mặt của mình là góp phần vào việc xây dựng cộng đồng văn minh. TRONG ẢNH: Nút giao thông hầm chui Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: S.T |
Vừa qua, khi trao đổi về ý kiến xây dựng Đà Nẵng thành địa phương không có tiếng còi xe đầu tiên của cả nước có nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình, hoan nghênh nhưng cũng có nhiều phản biện cho rằng khó khả thi. Luật Giao thông đường bộ đã có các nội dung quy định rõ về việc bấm còi, khung thời gian bấm còi, xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ, mức phạt bấm còi xe sai quy định… Thật ra khó có việc gì liên quan đến cộng đồng mà có ngay sự nhất trí tuyệt đối. Mong muốn một thành phố không có còi xe vô tội vạ ở Việt Nam lại càng khó có sự đồng tâm, nhất trí tuyệt đối.
Nỗi lo lớn nhất khi ra đường hiện nay là sự an toàn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn. Có lẽ Việt Nam là một trong những nơi mà tiếng ồn nhiều nhất, và giống như mọi sự ô nhiễm, tiếng ồn cũng gây phiền hà, bực bội và ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất. Nhưng có điều lạ, mọi người xem việc bấm còi và chịu đựng cái âm thanh bất tận ấy là chuyện hẳn nhiên. Nhưng nghĩ kỹ thì đây là việc nên bàn. Có người nhận xét rằng, người mình thích âm thanh: ăn thì phải có tiếng bóp bánh tráng, mỗi khi liên hoan thì y như ong vỡ tổ, không biết cái âm thanh “dzô, dzô… dzô” có từ lúc nào nhưng xem ra trở thành đặc sản, uống mà bắt nhịp để hô một, hai, ba… hình như chỉ có ở xứ mình. Đó là chuyện không lớn nếu so với chuyện bóp còi xe.
Ai cũng biết khi chế tạo chiếc xe, từ xe máy cho đến xe lửa đều phải có còi, trước đây không lâu xe đạp cũng có chuông nữa là. Không có còi thì sẽ không kiểm soát được tai nạn, mới nghe có vẻ hợp lý những xem ra có những điểm cần bàn. Đương nhiên khi làm chiếc xe đều phải có thiết bị báo động cho người phía trước, người chung quanh về sự xuất hiện của mình, mà “báo” duy nhất trên đường là cái còi. Sẽ khó mà cãi cho lý sự như vậy, “bóp còi mà còn không tránh nữa, huống chi…”.
Chạy xe trên đường, nhất là ô-tô đều thường xuyên phải ứng phó với những trường hợp khó đỡ: từ trong hẻm ào ra không quan sát, đang dừng đèn đỏ phía sau trờ tới cũng bóp còi, đó là chưa kể có người chạy xe xem đường sá như của riêng, muốn rẽ trái, rẽ phải cứ thế hồn nhiên đánh lái… những trường hợp trên là sự thật phổ biến. Nhưng nếu ta thử đặt vấn đề theo một hướng khác, rằng thái độ tham gia giao thông cũng là một trong những biểu hiện văn minh của một đô thị văn minh. Mọi người phải ý thức trong việc ra đường, xem việc mình chạy xe là một ứng xử của người có văn hóa. Mọi người, từ đi bộ đến ô-tô phải luôn biết rằng mỗi hành vi của mình là kết quả của một quá trình giáo dục. Đi là để đến nhưng cách đi lại là kết quả của quá trình giáo dục, sự có mặt của mình là góp phần vào việc xây dựng cộng đồng văn minh.
Hãy thử hình thành thói quen không bóp còi xe (trừ những lúc cấp thiết), mỗi người nếu tự ý thức tôn trọng người khác trong khi tham gia giao thông, có một thái độ điềm đạm cần thiết thì những âm thanh inh tai, chói óc chắc chắn sẽ được giảm bớt. Người ta tính nếu cố sức chạy, nhất là khi chờ đèn đỏ, vượt ẩu, lấn đường… thời gian “lợi” ra tối đa cũng chỉ từ 5 đến 7 phút cho một chặng đi 5km, cho nên vấn đề quyết định là ý thức và thái độ ứng xử văn minh của người lái xe. Thỉnh thoảng gặp những trường hợp bác tài dừng xe và ra hiệu nhường đường cho du khách qua đường, nhất là khi thấy người bộ hành giơ tay cúi đầu tỏ ý cảm ơn, tự nhiên thấy vui cho những hành vi góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của thành phố.
Xem ra quyết định là do ý thức, mà ý thức là do thói quen tạo ra. Vì sao những nơi giao thông thưa thớt như Lào, Campuchia; đông như Trung Quốc; sầm uất như Thái Lan, Singapore… ra đường ta ít khi nghe họ bấm còi vô tội vạ như ở ta? Ô-tô và xe máy họ cũng nhiều, đường sá cơ bản họ cũng như ta nhưng người dân họ trật tự, biết nhường nhịn và ứng xử văn minh khi ra đường.
Hãy nhớ quá trình chuẩn bị tổ chức thi pháo hoa quốc tế. Mọi thứ đều khó, thủ tục hành chính đặc biệt vì liên quan đến vật liệu nổ và nước ngoài, rồi việc chấm thi hoa ánh sáng trên trời, cả những chuyện đưa đón khách mời, văn nghệ, địa điểm… nói chúng là một “sáng kiến” khó chưa từng, vậy mà bằng quyết tâm và cách triển khai quyết liệt, thành phố đã xây dựng nên một thương hiệu độc sáng. Nếu ta quyết tâm và có cách tổ chức phù hợp thì không có việc gì mà không làm được.
Nói như vậy không có nghĩa việc xây dựng thành phố có hành vi giao thông văn minh, không có tiếng còi xe vô tội vạ là một việc dễ. Bắt đầu là quyết tâm chính trị của lãnh đạo, có nghị quyết và nhất là tuyên truyền sâu rộng trong dân, đội ngũ lái xe dịch vụ. Báo chí và truyền thông hình thành các chuyên đề và triển khai thường xuyên, kịp thời phê phán các hành vi thiếu ý thức văn minh, có sinh hoạt biểu dương, nhắc nhở nhau rằng hãy tự hào là công dân thành phố, hãy là công dân của một thành phố văn minh.
Đà Nẵng phải là nơi ít tiếng còi xe đầu tiên của cả nước, và đó cũng là một trong những khía cạnh quan trọng góp phần làm cho thành phố từng ngày đẹp hơn, đáng đến và đáng sống hơn.
HOÀNG SA