Đà Nẵng cuối tuần
Đưa Đà Nẵng trở thành "bếp ăn của thế giới"
Món ăn tinh tế, sáng tạo được chế biến từ nguồn nguyên liệu sạch, giàu dinh dưỡng và cách phục vụ chuyên nghiệp... đã giúp ẩm thực Đà Nẵng thu hút sự chú ý của cộng đồng ẩm thực quốc tế. Đặc biệt, những giải thưởng Michelin mới đây không chỉ khẳng định chất lượng ẩm thực mà còn mở ra cơ hội đưa thành phố biển này trở thành “bếp ăn của thế giới”.
Bằng cách kể những câu chuyện thông qua ẩm thực cũng như sử dụng 99% nguyên liệu từ trang trại của mình, Chef Summer Le (SN 1988, tên thật Lê Hạ Uyên) đã đưa Nén Danang Restaurant trở thành nhà hàng Việt Nam đầu tiên nhận Michelin Green Star - giải thưởng tôn vinh cơ sở ăn uống tiên phong trong việc hướng đến nền ẩm thực bền vững. Ảnh: NVCC |
Hướng đến chất lượng bền vững
Bằng cách kể những câu chuyện thông qua ẩm thực cũng như sử dụng 99% nguyên liệu từ trang trại của mình, Chef Summer Le (SN 1988, tên thật Lê Hạ Uyên) đã đưa Nén Danang Restaurant trở thành nhà hàng Việt Nam đầu tiên nhận Michelin Green Star - giải thưởng tôn vinh cơ sở ăn uống tiên phong trong việc hướng đến nền ẩm thực bền vững. Summer Le nói, với từng món ăn, chị thường tập trung vào một loại nguyên liệu chính. Ví dụ, món ăn mang tên Hopy (hy vọng) với nguyên liệu chính là gạo tấm được chị đặt nhiều kỳ vọng trong hành trình cùng Nén kể lại sự “chuyển mình của gạo tấm”.
Summer Le cho hay, quá trình nghiên cứu đặc tính gạo tấm, chị đã mua vài ký gạo và dành ra nhiều ngày để quan sát, ngửi và ăn thử cơm tấm ở các độ chín khác nhau để cảm nhận rõ sự tơi và rời của nó. Tiêu chuẩn gạo ngon là phải tròn trịa, dẻo mềm, thơm trong khi gạo tấm ở Việt Nam thường nứt nẻ, rời rạc và khô. Do vậy, việc trải nghiệm món ăn từ nguyên liệu quen thuộc này mang đến cho chị nguồn cảm hứng mạnh mẽ về “những giá trị bên trong văn hóa ẩm thực của người Việt”.
Việc chú trọng nguyên liệu bền vững và câu chuyện đằng sau mỗi món ăn mở ra hướng đi khác biệt ở Nén Danang Restaurant. Theo Summer Le, khi khai trương nhà hàng vào năm 2017, chị đã quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, quen thuộc của địa phương. “Khi mới bắt đầu, tôi chỉ đơn giản là đi theo con đường mà tôi muốn theo đuổi. Đó là chế biến món ăn từ nguồn nguyên liệu tự trồng thay vì sử dụng nguyên liệu sẵn có hoặc nhập khẩu. Từ ý niệm này, tôi có ý thức tìm tòi, nghiên cứu nguyên liệu, sản vật thuần Việt và biến chúng thành những món ăn, những câu chuyện ẩm thực thú vị. Tôi tin rằng, nguyên liệu Việt Nam không hề thua kém bất kỳ nguyên liệu nào trên thế giới và chúng ta hoàn toàn có thể chế biến món ăn ngon, đẳng cấp từ những nguyên liệu bình dị, quen thuộc này”, chị Summer Le chia sẻ.
Ngoài nguyên liệu đơn giản và quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày, chị tìm kiếm những nguyên liệu khiến mình thích thú như rễ chuối. Có thể nói, những nỗ lực của Summer Le và cộng sự không chỉ mang lại thành công cho Nén mà đã góp phần nâng cao vị thế ẩm thực Đà Nẵng. Theo nữ đầu bếp, sự bền vững thật sự phải đến từ bên trong. Vì thế, giải thưởng ngôi sao xanh Michelin vừa giúp nhà hàng trở thành điểm đến được yêu thích, vừa giúp chị tự tin với những câu chuyện ẩm thực truyền cảm hứng xanh, sạch và an toàn. Đó cũng chính là vẻ đẹp của nông nghiệp xanh và từ đó chúng ta sẽ biết trân trọng những nguyên liệu đơn giản, gần gũi để nấu ăn mỗi ngày.
Trong khi đó, nhà hàng La Maison 1888 thuộc khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Peninsula Resort cũng là một trong ba nhà hàng tại Việt Nam nhận một sao Michelin năm 2024. Việc xếp hạng này dựa trên 5 tiêu chuẩn khắt khe của Michelin, gồm chất lượng sản phẩm, tài nghệ nấu ăn, sự hài hòa hương vị, cá tính của đầu bếp và sự nhất quán của món ăn theo thời gian.
Ông Seif Hamdy, Tổng Giám đốc InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cho biết, để ẩm thực Đà Nẵng vươn tầm ra thế giới, gần hai năm trước, khu resort đã hợp tác với bếp trưởng nổi tiếng người Pháp Pierre Gagnaire, được giới chuyên môn đánh giá là người không đi theo những khuôn mẫu chế biến thông thường mà nghiêng về sự kết hợp các nguyên liệu khác nhau. Sự mới mẻ đó đã giúp La Maison 1888 sớm định hình bảng thực đơn món Pháp có sự kết hợp giữa nguyên liệu và hương vị địa phương.
Tại nhà hàng, sò điệp được nướng theo công thức Hokkaido, trong khi đó những con ốc biển luộc được cuốn trong ống mì Cannelloni của Ý. Bên cạnh đó, các món ăn chế biến từ gan ngỗng, trứng cá tầm, thăn bò Wagyu hay nấm truffle đen… cũng góp phần đưa địa chỉ này trở thành “nhà hàng có chất lượng món ăn ngon, xứng đáng để dừng chân thưởng thức”, theo nhận xét của Michelin.
Nâng tầm thương hiệu ẩm thực
Hành trình đưa Đà Nẵng trở thành “bếp ăn của thế giới” không thể thiếu vai trò của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ ngành ẩm thực phát triển. Điều này cũng được ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ tại cuộc thi Đầu bếp tài năng Đà Nẵng - Danang Chef Talent Competition diễn ra cuối năm 2023 với chủ đề “Món ăn Đà Nẵng hội nhập thế giới”.
Theo ông Quỳnh, hiện các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng rất có ý thức trong việc nâng cao chất lượng món ăn theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng. Thời gian qua, Hội Khách sạn Đà Nẵng phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi đầu bếp với tiêu chí chấm điểm dựa trên những nguyên tắc của ngành ẩm thực thế giới. Ông Quỳnh cho rằng, để trở thành “bếp ăn của thế giới”, các đầu bếp cần nắm rõ nguyên tắc kết hợp nguyên liệu nhập khẩu với hương liệu địa phương để món ăn không quá khác biệt nhưng đặc biệt và đáng nhớ. Chưa kể, các cuộc thi đầu bếp tài năng sẽ là nơi thử thách kỹ năng, tay nghề, đồng thời giúp đầu bếp học hỏi, kết nối và trau dồi kinh nghiệm làm nghề từ những chuyên gia hàng đầu.
Là một trong 16 cơ sở ăn uống trên địa bàn thành phố nhận giải thưởng Bib Gourmand dành cho “nhà hàng, quán ăn có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng” của Michelin, chị Phạm Thị Tuyết, chủ thương hiệu Nu Đồ Kitchen khẳng định chất lượng, sự tươi mới trên tinh thần bảo tồn văn hóa truyền thống trong từng món ăn đã giúp nhà hàng nhận về giải thưởng cao quý này. Theo chị, khi đến một đất nước, ngoài việc tìm quán ăn ngon, giá cả phù hợp, thì trên hết điều du khách mong muốn là kết nối văn hóa, con người, phong tục tập quán thông qua món ăn họ thưởng thức. Đó cũng là lý do chị quan tâm đến yếu tố hương vị và sự tươi mới trong từng món ăn. Ví như, cũng tô mì Quảng, nhưng ở Nu Đồ Kitchen sẽ có thêm mùi thơm nhẹ của hồi và quế theo hướng “cách tân ẩm thực” để tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng.
Điều thú vị mà chị Tuyết mang đến cho món mì xứ Quảng là dám bước ra khỏi vùng an toàn về công thức và nguyên liệu. Chị đã mạnh dạn thử nghiệm thêm hồi, quế và bỏ một số loại rau sống mà khách nước ngoài không thích như diếp cá, thậm chí cá, gà đều phải lọc hết xương rồi phi lê.
Sự chuyển mình của Đà Nẵng từ điểm du lịch nổi tiếng với cảnh quan xinh đẹp sang một trung tâm ẩm thực quốc tế vẫn còn là hành trình dài với nhiều nỗ lực. Là thành viên ban tổ chức nhiều cuộc thi đầu bếp tài năng, ông Nguyễn Đức Quỳnh khẳng định, các đầu bếp không ngừng khám phá và sáng tạo nhằm mang đến những trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho du khách. Các nhà hàng ở Đà Nẵng hiện thu hút mạnh mẽ khách nước ngoài nhờ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và đổi mới không ngừng. Từ món ăn đường phố đến nhà hàng cao cấp, sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới đã tạo nên dấu ấn riêng cho ẩm thực Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các sự kiện quốc tế góp phần quan trọng đưa Đà Nẵng lên bản đồ ẩm thực, từ đó trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích ẩm thực và khám phá các nền văn hóa ẩm thực khác nhau trên thế giới.
Năm 2024, Đà Nẵng có 36 cơ sở ẩm thực được Michelin Guide vinh danh. Trong đó có 16 cơ sở nằm trong danh sách Bib Gourmand, 19 nhà hàng/quán ăn nằm trong danh sách Michelin Selected, 1 nhà hàng đạt 1 sao Michelin và một nhà hàng đạt ngôi sao xanh Michelin (Michelin Green Star). Đây cũng là nguồn cảm hứng để các nhà hàng, cơ sở ăn uống trên địa bàn thành phố tiếp tục hoàn thiện dịch vụ để trong tương lai có cơ hội trở thành địa chỉ hiện diện trong danh sách. |
TIỂU YẾN