Đà Nẵng cuối tuần

DU LỊCH VÀ ĐẶC TRƯNG VÙNG

Tiềm năng du lịch vùng

13:46, 24/08/2024 (GMT+7)

Bằng cách khai thác tiềm năng riêng biệt giữa các vùng, ngành du lịch Đà Nẵng từng bước tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng, phong phú, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Sự kết hợp hài hòa giữa du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện, trải nghiệm thiên nhiên, khám phá văn hóa đã giúp địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, thú vị và khác biệt.

Việc khai thác thế mạnh du lịch từng địa phương sẽ giúp Đà Nẵng sớm hình thành chuỗi liên kết vùng chất lượng, bền vững. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ tu hát phục vụ du khách tại Làng Toom Sara, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y
Việc khai thác thế mạnh du lịch từng địa phương sẽ giúp Đà Nẵng sớm hình thành chuỗi liên kết vùng chất lượng, bền vững. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ tu hát phục vụ du khách tại Làng Toom Sara, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y

Nhận diện, phát huy thế mạnh vùng

Phát triển du lịch dựa vào đặc trưng vùng là chiến lược quan trọng giúp ngành du lịch thành phố khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Theo ý kiến một số chuyên gia, mỗi vùng đều có giá trị với những nét độc đáo riêng. Nếu bờ biển kéo dài từ Nam Ô đến giáp thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) được xem là “trái tim” của ngành du lịch Đà Nẵng thì khu vực phía Tây thành phố lại thu hút bởi quan cảnh sông núi, đồng quê xinh đẹp hiền hòa.

Trong khi đó, ở khu vực trung tâm, những ngôi chợ truyền thống, những trung tâm mua sắm, những bảo tàng, khu vui chơi giải trí cũng như vẻ đẹp dòng sông Hàn mang đến cho du khách trải nghiệm phong phú và đa dạng về cuộc sống, con người Đà Nẵng. Nếu được liên kết, sẽ tạo ra chuỗi trải nghiệm liền mạch, từ giây phút thư giãn bên bờ biển lúc bình minh đến chuyến đi khám phá thiên nhiên và cuối cùng là tận hưởng văn hóa, ẩm thực tại các khu chợ, trung tâm mua sắm. Sản phẩm du lịch ở mỗi vùng sẽ bổ sung cho nhau, giúp hành trình của du khách trở nên đa dạng và trọn vẹn.

Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng du lịch phía Tây Bắc thành phố, Đà Nẵng chủ trương quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch ven cung đường biển Nguyễn Tất Thành như đưa vào hoạt động một số bãi tắm công cộng Thanh Khê, Liên Chiểu, Nam Xuân Thiều, Bắc Xuân Thiều, Phú Lộc... Những bãi tắm này vừa làm phong phú thêm điểm đến du lịch biển Đà Nẵng, vừa tạo cơ hội cho người dân địa phương và du khách có thêm không gian giải trí, thư giãn. Đồng thời, thành phố cũng chấp thuận để doanh nghiệp Nhật Bản nâng cấp khu du lịch Xuân Thiều lên tiêu chuẩn 5 sao, biến nơi đây thành điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, việc hình thành khu Công viên sinh thái và quảng trường ghềnh Nam Ô cũng hứa hẹn kéo giãn lượng khách tập trung ở biển Mỹ Khê sang biển Nguyễn Tất Thành và ghềnh đá Nam Ô.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, việc đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ tại khu vực này là bước đi quan trọng và cần thiết để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bởi lẽ, khu vực Tây Bắc không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, với các làng nghề truyền thống và trải nghiệm ẩm thực đặc sắc ven sông Cu Đê. “Khi hạ tầng, dịch vụ được đầu tư đúng mức, du khách sẽ có thêm lựa chọn, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra việc làm cho người dân”, ông Dũng nói.

Bên cạnh thế mạnh du lịch biển, du lịch sự kiện, đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang” và các dự án du lịch sinh thái, cộng đồng được tích cực triển khai thời gian qua tại huyện Hòa Vang cũng thể hiện sự quyết tâm của thành phố trong mục tiêu hình thành chuỗi du lịch liên tuyến.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hòa Vang cho biết, du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững là định hướng phát triển kinh tế lâu dài ở địa phương. Vì vậy, Hòa Vang đang tích cực triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi, quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái tự nhiên và hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang.

Ông Dũng đơn cử, sau gần một năm hoạt động, 9 mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn như Banarita Glamping Farm, An Phú Farm, Vườn Nho thung lũng Nam Yên… đạt doanh thu từ vài trăm đến vài tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng, các điểm du lịch sinh thái ở xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh đón 1.000-2.000 khách du lịch, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa địa phương.

Tăng cường kết nối các vùng du lịch

Một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch là tạo sự kết nối hài hòa giữa các vùng du lịch khác nhau trên địa bàn thành phố. Việc kết nối này không chỉ tạo ra hệ sinh thái du lịch đồng bộ, mở rộng mà còn giúp địa phương tận dụng tối đa tài nguyên du lịch hiện có. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích, những năm qua, Đà Nẵng đã tạo được vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, cả về tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng giao thông, môi trường lẫn chất lượng dịch vụ. Điều này cũng thể hiện tư duy đột phá của lãnh đạo địa phương và những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, việc liên kết vùng hiện nay vẫn còn khá rời rạc và chưa hình thành những tour, tuyến chất lượng, có sức hút.

Ở góc độ khai thác lữ hành, nhiều công ty mong muốn địa phương cần tạo được sự đột phá về liên kết vùng núi - sông - biển - nông thôn, thông qua hình thành sản phẩm du lịch chung, liên tuyến. Đồng thời, cần tập trung vào nâng cao chất lượng trải nghiệm như đa dạng trò chơi biển, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, ẩm thực, hội thảo, sự kiện, hướng đến khai thác nhiều dòng khách khác nhau.

Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho rằng, hệ thống giao thông thuận tiện và hiện đại sẽ là nền tảng quan trọng để kết nối các điểm du lịch trong thành phố. Chưa kể, việc xây dựng chương trình quảng bá chung và tạo ra các gói dịch vụ du lịch liên kết giữa các vùng sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm một cách toàn diện, từ đó kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng khả năng chi tiêu. “Việc hình thành hệ sinh thái thuận lợi bao gồm sản phẩm du lịch, phương tiện đi lại, lưu trú, dịch vụ vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, tự nhiên của Đà Nẵng”, ông Xoang phân tích.

Bên cạnh đó, để tạo nên tuyến du lịch liên vùng mạnh mẽ, Đà Nẵng đã “bắt tay” với tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng vùng theo hướng xanh, bền vững. Ông Cao Trí Dũng nhìn nhận, một sản phẩm du lịch liên kết giữa biển (Đà Nẵng), di sản văn hóa (Cố đô Huế) và kiến trúc đô thị cổ (thành phố Hội An) sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc quảng bá từng địa phương riêng lẻ. Thay vì chỉ tham quan một điểm, du khách quốc tế dễ dàng di chuyển giữa các địa phương để trải nghiệm nhiều loại hình du lịch khác nhau. Sự hợp tác liên vùng giúp các địa phương tận dụng tốt hơn nguồn lực, dịch vụ phụ trợ, tăng cường cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, nó cũng giúp phân bổ lợi ích kinh tế đồng đều hơn giữa các địa phương, tránh tình trạng quá tải du lịch ở một điểm và thiếu thốn ở điểm khác.

Trong định hướng phát triển, đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Với chiến lược phát triển rõ ràng, nhiều ý kiến bày tỏ niềm tin tương lai ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục tỏa sáng. Mà ở đó, sự kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, trải nghiệm… theo hướng khai thác thế mạnh đặc trưng vùng sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và những tiềm năng chưa được khai thác sẽ là cơ hội để Đà Nẵng có thêm những sản phẩm du lịch mới đa dạng và phong phú hơn.

TIỂU YẾN

.