Đà Nẵng cuối tuần

Ngắt kết nối để kết nối

08:01, 18/08/2024 (GMT+7)

1. Tôi với chồng rủ nhau đi cà phê. Mang tiếng hẹn hò nhưng thật ra là dời nơi sử dụng điện thoại khi mỗi đứa vui với thế giới riêng trong chiếc “smartphone”. Dăm chiếc bàn bên cạnh cũng tình trạng tương tự, dù là nhóm bạn hay gia đình. Không nhiều tiếng chuyện trò, thay vào đó là những đôi tay thoăn thoắt gõ chữ trên màn hình. Chúng tôi đã có những ngày buồn như thế!

Quãng thời gian dài ở Sài Gòn, bạn tôi xem điện thoại như bạn cùng nhà để xua tan nỗi cô đơn khi ăn một mình. Bạn bảo, tiếng nói xôn xao đem đến cảm giác giống bữa cơm gia đình. Nhưng đến lúc có chồng, bạn vẫn giữ thói quen vừa ăn vừa xem một cái gì đó. Mâm cơm thêm người, thêm luôn… một chiếc điện thoại. Chồng một sở thích, vợ một say mê, những bữa cơm ngày càng vơi tiếng nói, dày tiếng loa. Chúng tôi đã có những ngày buồn như thế!

Thời gian này, cháu tôi không còn bám lấy tôi ríu rít hỏi ngàn câu tại sao hay cù rủ tham gia những trò nhắng nhít như trước đây. Cậu nhóc tám tuổi có niềm vui mới: iPad. Không còn sự hò reo khi chú ghé nhà, không còn những cái ôm quấn quýt mè nheo, không còn chạy nhảy khắp nhà để bị mắng, cháu “ngoan ngoãn” chìm đắm trong không gian riêng. Sau chuỗi ngày thoải mái vì có thể thảnh thơi làm việc riêng, anh chị bắt đầu lo lắng sốt vó khi ngày càng xa cách con. Chúng tôi đã có những ngày buồn như thế!

Công nghệ giúp chúng ta tiếp cận các kiến thức mới, kết nối bạn bè bốn bề, thêm nhiều lựa chọn giải trí nhưng cũng khiến chúng ta mất kết nối với đời sống thực. Sự gắn kết của các mối quan hệ dần trở nên lỏng lẻo hơn, mà thiết bị số là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Nhiều gia đình kết nối với nhau bằng cách nhắn tin hoặc gọi điện nhiều hơn là nói chuyện trực tiếp. Nhiều người rơi vào trạng thái cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Nguy hiểm hơn, nhiều tai nạn thương tâm dẫn đến chết người liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động một cách thái quá đã xảy ra: thầy giáo mải dùng điện thoại, không phát hiện học sinh đuối nước dưới bể bơi (Hà Nội, năm 2023); tài xế xe tải vừa điều khiển xe vừa dùng điện thoại khiến gia đình 3 người tử vong (Nghệ An, năm 2017); tài xế xe buýt thường xuyên dùng điện thoại trong lúc tham gia giao thông khiến 3 người chết, nhiều học sinh bị thương (Gia Lai, năm 2017)… Chúng ta đã có những ngày buồn như thế!

2. Chúng tôi nhận thức được tình trạng của bản thân: nghiện điện thoại. Chúng tôi nhận thức được tác hại của việc lạm dụng smartphone: làm giảm sự tập trung, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây tổn thương thị giác, làm sai lệch đồng hồ sinh học, phá hỏng các mối quan hệ, lười suy nghĩ… Nhưng chúng tôi rất khó khăn trong việc cai nghiện điện thoại, hay có thể là chưa có sự quyết tâm đến cùng. Nhưng khó không có nghĩa là không được. Chúng tôi rủ rê nhau cùng cân bằng giữa đời thực và đời ảo, học cách sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh.

Nhóm bắt đầu xây dựng thói quen từ những hành động nhỏ: giảm thời lượng sử dụng mỗi ngày và tăng dần theo thời gian; lên danh sách kế hoạch mỗi ngày; có hình phạt phù hợp với mỗi cá nhân khi sử dụng điện thoại lúc ăn uống, đi chơi, sau khi thức dậy 30 phút… Chúng tôi duy trì “những ngày Chủ nhật không thiết bị số” bằng cách hẹn nhau đi cắm trại, picnic vào cuối tuần để những đứa trẻ có bạn cùng vận động ngoài trời thay cho iPad; để những người lớn nói chuyện trực tiếp thay vì vùi đầu vào điện thoại… Chúng tôi rủ nhau sẵn sàng “ngắt kết nối internet để kết nối cảm xúc” với việc viết nhật ký, viết thư tay thay cho những email khô khốc…

Những ngày đầu trôi qua chẳng mấy dễ dàng khi chúng tôi cùng chung cảm xúc bứt rứt, cáu gắt khi thiếu đi “vật bất ly thân”. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần, chúng tôi đã cải thiện đáng kể tình trạng “ăn điện thoại, ngủ smartphone” và hạnh phúc khi có cơ hội tìm lại những điều đã bỏ lỡ, những người đã tạm xa…

“Ngắt kết nối để kết nối”, mong mỗi chúng ta đều có thể sử dụng công nghệ đúng mục đích và cảm nhận niềm vui ở đời sống thực!

DIÊN VỸ

.