Đà Nẵng cuối tuần
Mùa dưa hấu Gò Nổi
Những ngày nắng ráo của xứ sở miền Trung sắp qua đi, nhường chỗ cho mưa gió, lụt lội, đây cũng là khoảng thời gian sau cùng của mùa thu hoạch dưa thứ hai ở đồng biền Gò Nổi. Ghé thăm biền đất Gò Nổi hôm nay, mắt tôi trải rộng cùng không gian ngút ngàn của bắp, đậu, lúa, dưa… và xen kẽ là màu đỏ của những triền ớt đang chín như một đường viền xinh đẹp của tấm thảm xanh. Con sông Thu Bồn ngày đêm miệt mài chảy và âm thầm bồi đắp phù sa cho những vụ mùa đơm hoa kết trái.
Nông dân thu hoạch dưa hấu. Ảnh: ST |
Bước vào một ruộng dưa, nhìn người nông dân đang lúi húi thu hoạch, những nụ cười ẩn sau vành nón trắng lấp lóa, lòng tôi cũng quyện hòa cùng niềm vui bình dị, chân chất của quê hương. Để có một mùa màng bội thu, người nông dân phải vất vả sớm hôm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đành rằng nghề trồng trọt hiện nay đã được sự hỗ trợ đắc lực của máy móc.
Còn nhớ cách đây 40 năm, gia đình tôi từng sở hữu cả hecta đất để trồng giống dưa to trái tròn, vỏ láng mịn màu xanh đậm. Việc trồng cây non và chăm sóc, bón phân, phun thuốc, tưới tiêu đều một tay cha chu toàn. Dưa hấu là loại thân dây leo bò trên mặt đất, thích đất cát phù sa. Mỗi mùa dưa có trái, cha tôi thường theo dõi, kỹ càng, bấm bớt số trái non, chỉ để mỗi dây vài trái to tròn, da căng có lông tơ mịn màng, bám đều. Người cắm thẻ đều đặn cho từng trái để thu hoạch khi dưa vừa chín tới, khi đó xẻ trái dưa ra ruột có màu đỏ tươi, mọng nước. Vất vả tăng bội phần khi dưa vào mùa thu hoạch, đàn ông trong nhà phải thay nhau ra ngủ ngoài chòi để canh giữ, đề phòng thanh niên làng khác đến hái trộm hoặc phá phách.
Những trò chơi con trẻ được vận dụng linh hoạt vào việc gác trộm, mỗi nhà làm một chùm dây lon treo quanh ruộng, có kẻ đột nhập trong đêm, tức thì chùm lon sẽ kêu long cong báo cho chủ biết, và từ các chòi canh, chủ ruộng dưa lên tiếng hoặc gõ thùng thiếc gọi nhau đuổi trộm. Đành rằng, đêm hôm nếu ai cần trái dưa thì người trồng sẵn sàng hái tặng nhưng bọn trai choai lại thích trò mạo hiểm, ăn trộm vặt để trêu tức người trồng. Đêm hôm chúng thách đố ra mò mẫm hái cả chục trái mới được một trái vừa ý, còn những trái chưa chín ruột mới hồng hồng thì vứt bỏ đầy ruộng. Bao công sức người trồng, chăm bẵm; chúng coi như không có. Thế mới thấy, một quả dưa thấm bao giọt mồ hôi nước mắt của người nông dân năm xưa.
Về Gò Nổi trong mùa hái dưa hiện tại, chỉ có vài hộ nông dân còn thủy chung với nghề và đã thay giống dưa tròn bằng loại dưa thuôn, nhỏ, mỗi trái chỉ cỡ 3-4kg. Trên con đường lát bê-tông chạy ra biền, chỉ lác đác vài chiếc xe bò đang chậm chạp kéo dưa về chợ. Quả dưa hôm nay, giá thành quá rẻ vì nhiều nơi trồng, lại không đúng vào ngày rằm, mồng một nên nhu cầu tiêu thụ không cao. Thương cho nhà nông quê tôi dầm dãi nắng sương chăm bẵm, lại thêm nỗi thon thót lo dưa sắp chín gặp cơn mưa dông chiều. Làm sao để người nông dân không bỏ làng bỏ đất, công sức họ bỏ ra được đền bù thỏa đáng, cho nụ cười luôn thường trực trên môi người gieo trồng, mãi là câu hỏi cần có lời giải đáp từ các cấp, các ngành liên quan.
NGUYỄN THỦY