Đà Nẵng cuối tuần

Cái phao sắt

13:58, 24/08/2024 (GMT+7)

Trời chưa sáng hẳn, chợ đầu mối đã vãn người. Mấy vựa trái cây tan hoang như vừa có một cơn bão đi qua. Dì Tâm sấp ngửa chằng chằng chịt chịt nào tải, nào sọt lên xe để về kịp mở hàng sớm ngày rằm. Chiếc xe máy cà tàng không bửng thế mà cũng đã theo dì hơn chục năm bươn chải mưu sinh khắp thành phố này. Mấy năm gần đây, dì tích đủ vốn mua lại cái sạp ở chợ nên không phải chạy long nhong từ hẻm này sang phố khác giữa mưa giữa nắng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đường còn vắng nên dì chỉ mất ba mươi phút chạy về đến nhà. Nhìn đồng hồ chỉ đúng 5 giờ 30, dì vội lấy thanh gỗ gác trên tường rào làm giá đỡ xe rồi lật đật chạy ra đầu ngõ mua hai phần bánh ướt. Một phần dì để trên mặt bàn phòng khách và kẹp xuống dưới một tờ 500 ngàn cho con trai. Phần còn lại, dì treo trên tay lái, cập rập quay ra chợ.

Dì vừa kéo cửa lên, ông Bình xe ôm từ đâu xuất hiện phụ dì dỡ từng sọt đồ xuống. Hai đôi tay chai sần cứ thế phối hợp nhịp nhàng trong im lặng. Xong xuôi, ông Bình lên xe phóng đi luôn. Dì Tâm lấy chiếc khăn màu trắng cùng một chậu nước để bên cạnh cẩn thận lau sạch từng loại trái cây. Bưởi da xanh Bến Tre, cam xoàn miền Tây, nho Ninh Thuận, măng cụt, mãng cầu... trái nào trái nấy căng lên bóng mẩy, lần lượt được dì trưng lên gọn gàng. Mấy cô bạn hàng bên cạnh hay bảo dì vẽ chuyện, lau sạch rồi đằng nào lát nữa xe cộ qua lại cũng bám đầy bụi. Dì cười bảo bụi thì lại lau. Sạch sẽ mới vừa mắt dì.

Dù vừa sang tuổi 53, mái tóc dì đã muối nhiều hơn tiêu. Tuy vậy, khi búi tóc gọn gàng sau gáy, trông dì vẫn thu hút với khuôn mặt phúc hậu. Cô khách quen tới mở hàng vừa kịp lúc dì bày trái bưởi vào vị trí cuối cùng. Vài phút sau, khách lần lượt kéo đến bu kín sạp. Có mãng cầu ngon không dì? Có nhé, nhưng thắp hương buổi sáng rồi chiều bỏ tủ lạnh luôn nghen, mai ăn bao ngon. Lựa tui mấy trái xoài đi. Rồi rồi. Măng cụt lựa sao vậy dì ơi? Mấy bữa trước con mua trên mạng về không ăn được trái nào...

Cứ vậy, vừa lựa cho người này, cân đồ cho người kia, dì lại tư vấn cho người khác cách chọn măng cụt. Dì bảo lựa trái tròn đều, màu tím đậm hoặc đỏ tía, vỏ nhẵn bóng không sần sùi, không dập nát, cầm nặng tay và cuống còn xanh cứng. Khách nghe vậy chứ cầm quả nào lên cũng thấy đúng y như mô tả của dì. Khách nói dì tự lựa hết rồi còn kêu khách lựa làm gì. Dì cười xuề bảo dì bày cho khách biết để lỡ bữa nào dì không bán thì biết đường lựa ở chỗ khác. Khách nghe thấy lạ liền hỏi dì có bệnh hay sao. Suốt mấy năm dì bán ở chợ này, quanh năm ngoài mồng một, mồng hai Tết, dì chưa nghỉ ngày nào. Dì cười không đáp.

Khoảng 9 giờ thưa khách, dì lôi hộp bánh ướt đã nguội ngắt nguội ngơ. Ăn được phân nửa, con gái dì đỗ xịch xe trước mặt. Không tháo khẩu trang cũng không xuống xe, nó bảo dì lấy cho ký cam xoàn về thắp hương rồi vặn ga đi thẳng chẳng buồn hỏi han dì sáng giờ buôn bán ra sao. Nhìn bóng con gái khuất dần, dì tủi thân, nuốt không nổi phần bánh còn lại. Cô bạn hàng bên thấy vậy nói vào, chị đúng là vô phước. Đã không đỡ đần phụ mẹ còn suốt ngày về báo cô, nay xin cái này mai xin cái khác. Chị tính nai lưng ra hầu chúng nó đến bao giờ? Lúc khỏe không sao, lúc ốm đau liệu chúng nó có chăm chị không? Chị không tự thương mình thì chỉ có chị khổ thôi.

Người ta nói không sai nên dì chỉ biết nuốt cục buồn tủi xuống bụng. Hơn hai mươi năm, dì một mình lăn lộn đủ nghề từ rửa chén, làm ô sin, buôn đồng nát đến tạp vụ để có tiền nuôi con và gửi về cho mẹ ở quê.

Mải gánh gồng, dì phó mặc con cái tự lớn lên. Về sau kinh tế khá dần nhưng tình cảm mẹ con thì chẳng kéo lại được. Dù sớm đã nhận ra nhưng dì cũng không biết phải làm gì. Dẫu vậy, dì vẫn thấy may mắn vì ông trời cho dì sức khỏe để kiếm tiền và con cái dì đã khỏe mạnh lớn lên. Nếu con cái có bệnh tật hay vào tù ra tội thì mình cũng phải nuôi con cả đời mà, ai nỡ bỏ mặc. Đó là cách dì thường biện hộ với người ta.

Gần trưa, dì gửi sạp hàng rồi vội về nhà nấu cơm. Thành phố đang giờ trưa, chẳng mấy người đi lại. Nắng rừng rực như muốn thiêu rụi tất cả. Đám lá cây rũ rượi, héo quắt. Con đường quốc lộ lúc này như biến thành chảo gang trên bếp lửa, dì chọn luồn lách qua các con hẻm tránh nắng.

***

Con trai dì đang nằm bấm điện thoại trên chiếc ghế dài. Nghe tiếng dì, nó ngước lên xin thêm một triệu vì hôm nay sinh nhật bạn gái. Gạt ngang hàng mồ hôi đang rơi lã chã, mặt dì đanh lại. Sự tủi thân từ sáng như chiếc lò xò bị nén bật lên. Lần đầu tiên, dì từ chối con trai bằng một giọng đanh thép: “Sinh viên đại học muốn chiều bạn gái thì tự kiếm tiền. Mẹ lo được cho chị em con và bà ngoại dưới quê là hết sức.” Dứt lời, dì xách bịch thức ăn đi thẳng vào trong, mặc con trai la hét sau lưng.

Lục đục nấu ăn, khi dọn ra, dì đã không còn thấy con ở nhà. Ngoài phòng khách, ti-vi nói oang oang, quạt chạy vù vù. Dì lủi thủi gắp hạt cơm vào miệng, mặt nhăn lại như ăn phải muối. Lúc này, dì vẫn lý trí đến mức chẳng dám ước ông trời cho con cái hiếu thảo bởi vậy thì quá tham lam. Dì tự nhủ ngoài kia, nhiều người còn khổ hơn dì. Có lẽ, số dì chẳng sướng được hơn. Khi bế tắc, người ta vẫn thường nghĩ đến ông trời hay chọn tin vào chốn tâm linh. Sướng do trời phật ban, khổ do số phận định.

Đã lâu lắm rồi, dì không còn nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình khi ai đó dò hỏi. Già rồi, sống vì con thôi chứ yêu đương gì nữa. Dì đáp như phản xạ chứ cần gì phải nghĩ. Nhưng dì cũng không muốn tâm hồn mình ngày càng trơ ra như sỏi đá. Dì thèm những cuộc nói chuyện thực sự. Nhiều lúc, dì nghĩ vẩn vơ nếu không còn tiền, không kiếm được tiền nữa, có khi nào dì bị đuổi ra khỏi nhà, phải đi ăn xin như trên báo đài…

Càng nghĩ, nước mắt dì càng túa ra. Miệng lại càng mặt chát. Con dì chắc không tệ đến vậy đâu. Dì đã hy sinh cả đời cho con cái, sao chúng tệ thế được. Dì nghĩ nhiều thôi. Tự hỏi, dì tự trả lời trấn an bản thân. Rồi dì đứng lên thu dọn bàn ăn như cố cắt ngang dòng suy nghĩ. Chợt mọi thứ trước mắt dì tối sầm lại.

Đầu óc quay cuồng, dì ngã xuống. Người dì bắt đầu cồn cào, nóng ran lên như vừa có lửa cháy vừa có trăm ngàn mũi kim châm từ bên trong. Dì nhắm mắt, duỗi thẳng chân tay nằm im. Trong khoảnh khắc, dì tưởng mình sắp chết. Vậy mà, sàn đá hoa mát lạnh lại làm dì dễ chịu hơn. Một lúc sau, đầu bớt choáng váng, bầu mắt dì động đậy. Mọi thứ dần hiện ra mờ ảo.

Nửa tháng trở lại đây, dì thấy mình yếu đi, thường xuyên bị choáng và tức ngực, khó thở nhưng lần này là đáng sợ nhất... Ấn điện thoại, dì quyết định gọi con trai về đưa đi viện. Tút tút tút. Dì chuyển sang gọi cho con gái. Nghe tiếng bắt máy, dì chưa kịp mở miệng thì nghe ở đầu bên kia:

- Con đang bận nhé. Tút tút tút.

Gọi lại con trai vài lần nữa cũng không có kết quả, dì đành tìm số ông Bình.

***
- Người nhà bà Tâm có đây không?

-  Dạ có.

Ông Bình lật đật chạy lại chỗ cô y tá lấy kết quả xét nghiệm sau đó đưa dì Tâm trở về phòng bác sĩ. Dù dì bảo dì tự đi được, ông vẫn cố chấp đỡ hờ cho yên tâm. Trong lúc chờ đến lượt, cả dì Tâm và ông Bình đều bận nghĩ về những chuyện khác nhau. Chân tay ông Bình rung liên hồi, mắt dán chặt vào chiếc cửa phòng bác sĩ. Thẳm sâu, ông sợ dì Tâm sẽ mắc căn bệnh ung thư đã cướp đi vợ ông nhiều năm trước. Từ lúc vào viện, mặt ông tái đi như thể ông mới là người bệnh. Trái lại, dì Tâm bình tĩnh đến lạ. Dì đưa mắt sang những bệnh nhân xung quanh thấy ai cũng đi cùng hoặc con hoặc vợ chồng rồi dì lén nhìn ông Bình.

Sắp có kết quả mà chưa đứa nào xuất hiện dù trước đó, ông Bình đã gọi chửi tụi nó một chập. Lúc ấy mệt quá, dì đâu có sức cản. Ông là ai mà quát tháo con dì? Dì giận ông. Nhưng rồi thấy ông lo lắng, dì lại động lòng. Cũng tại dì cả. Tại ông thương dì mà dì không dám nhận. Không nhận mà cứ phiền ông hoài.
Toàn bộ cơ thể dì chùng xuống như con rối vải ngoài giờ biểu diễn. Dì nhìn xa xăm, cái nhìn đưa dì về những ngày xưa cũ.

Không hiểu sao dì lại nghĩ tới mẹ, tới những lời mẹ hay nói, khi nào con ổn, mẹ mới yên tâm. Mỗi lần nghe mẹ nói vậy, dì đều gắt lên. Dì thấy phiền phức vì mẹ lúc nào cũng kiếm được thứ để lo chuyện của dì. Dì giật mình nhận ra mình đã trở thành mẹ từ bao giờ? Cả dì và mẹ đều luôn nhìn vào con để sống, để neo vào những lúc chơi vơi. Cha mất bỏ lại hai mẹ con dì bơ vơ giữa cuộc đời khi dì sáu tuổi. Tiếng nức nở và cái ôm của mẹ mỗi đêm cùng điệp khúc mẹ vì con mà sống, mẹ chỉ còn con thôi dần khiến dì thấy khó chịu, khiến dì tự chán ghét bản thân, khiến dì muốn vùng vẫy thoát khỏi mẹ. Mỗi lần dì cãi mẹ, mẹ lại lôi mớ điệp khúc kia ra để khóc. Những lần đầu, dì thấy có lỗi. Sau dần, dì mặc kệ. Cuối cùng, dì chống đối. Dì không học như ý mẹ. Dì lấy người mẹ không ưng. Dì theo người ta lên thành phố. Mẹ từ dì. Dì chẳng bận lòng. Dì nghĩ như vậy lại hay. Mẹ có thể quên dì đi mà tự sống cuộc đời của mẹ, tự tìm hạnh phúc của mẹ. Dì phải làm vậy thì cả dì và mẹ mới sống tiếp được, sống cho ra sống.

Vậy mà, cuộc đời oan nghiệt lại để dì đi vào vết xe đổ của mẹ dì năm xưa? Sai rồi. Dì thấy mình sai rồi. Bao năm qua, dì như con thiêu thân lao vào vòng xoáy tiền bạc, dì chưa từng một ngày sống cho riêng mình. Dì khước từ hạnh phúc tìm đến mình để tập trung kiếm tiền lo cho con cái. Thế nhưng sau tất cả, thứ dì nhận được chỉ là những thờ ơ. Thứ con cái thực sự cần, dì chưa từng đáp ứng. Một cái ôm, sự vỗ về, động viên, lắng nghe… của một người mẹ, dì chưa từng cho các con kể từ ngày chồng dì bỏ đi theo người khác. Dì chỉ biết cho các con tiền và bảo các con phải học thật giỏi. Chính con cái đã trở thành chiếc phao cho dì bám víu giữa biển nước mênh mông, vô định mà dì càng giãy đạp, cái phao càng bị nhấn chìm; dì cố giữ chặt, cái phao càng trôi khỏi tay sau mỗi đợt sóng.

Hóa ra, tất cả đều đang bị cuốn vào một vòng lặp số phận. Trong phút chốc, đống tạp chất đặc quánh chứa đầy trong đầu dì bỗng trở nên loãng ra khiến dì thấy nhẹ tênh. Dì ngộ ra khi dì tự bơi, tự nổi trên mặt nước thì dì không cần bám đời mình vào cái phao nữa và cái phao mới có thể tự trôi. Cả dì và các con đều cần sống cuộc đời của riêng mình như cách dì đã lựa chọn rời xa mẹ năm xưa. Dì đi thì dượng mới đến được với mẹ. Mẹ hạnh phúc, dì mới thôi ruồng rẫy bản thân.

Dì giật mình bởi cái lay của ông Bình bên cạnh. Bác sĩ gọi. Dì nhìn ông gật đầu, cười nhẹ rồi đưa tay vịn ông để đứng dậy.

***

Suốt đường về, ông lải nhải mãi chuyện dì tham công tiếc việc để bị lao lực. Dì nổi cọc la ông chưa già đã lèm bèm. Ông im re vì sợ dì giận mà không nhìn thấy ở sau lưng, miệng dì khẽ cong lên một nụ cười dịu dàng. Nụ cười thực sự đã bị dì bỏ quên giữa bão giông cuộc đời, nay mới trở lại rạng ngời như màu nắng.

- Lát ông chở tôi vào chợ xem hàng họ thế nào rồi mua con cá về nấu canh chua ăn cho ngon miệng. Tối ông qua ăn luôn đỡ phải cơm nước gì cho vất vả. Đằng nào ông cũng ở một mình.

- Tuân lệnh.

Được lời như mở tấm lòng, miệng khẽ mỉm mà trong lòng ông phơi phới. Hai má dì Tâm cũng rực lên trong nắng. Dì ngỡ ngàng sao hoàng hôn hôm nay lạ quá. Những tia sáng tím đỏ cam loang lổ giữa nền trời đẹp như một bức tranh.

ĐAN NGỌC

.