Đà Nẵng cuối tuần
Sức sống bảo tàng tư nhân
Trong dòng chảy bảo tồn di sản văn hóa, không thể thiếu sự đóng góp của nhiều cá nhân thông qua các hoạt động sưu tầm, lưu giữ cổ vật cũng như phát triển bảo tàng tư nhân. Đầu tư vào bảo tàng tư nhân là “cuộc chơi” không chú trọng về lợi ích kinh tế nhưng giúp đem lại giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao cho cộng đồng.
Những ngôi nhà cổ nằm xen lẫn giữa những hàng cây xanh là điểm nhấn ở Bảo tàng Đồng Đình. Ảnh: K.H |
Làm thế nào để phát triển bảo tàng tư nhân, giúp lan tỏa những giá trị đẹp đang là bài toán khó đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn người đầu tư.
Thú vị và đặc sắc
Tới không gian Bảo tàng Đồng Đình, nằm trên tuyến đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà) để thấy rõ tư duy hình thành và quản lý một bảo tàng tư nhân có chiều sâu văn hóa, xứng đáng với danh xưng “bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng”.
Nằm trên ngọn đồi, ẩn mình tựa vào thiên nhiên giữa núi rừng, Bảo tàng Đồng Đình có thiết kế và trưng bày đậm chất lưu trữ những giá trị văn hóa xa xưa. Giữa không gian xanh mát, gần gũi thiên nhiên, khung cảnh yên bình của bảo tàng gợi lên xúc cảm của một khu vườn ký ức.
Hồ Ngọc Quỳnh Trâm, Quản lý Bảo tàng Đồng Đình tiếp đón chúng tôi với nụ cười gần gũi. Câu chuyện về Bảo tàng Đồng Đình mở ra khi tôi tò mò về tên gọi Đồng Đình và được Trâm giải đáp rằng, tên gọi của bảo tàng đặt theo tên của một loài cây - cây đồng đình - giống cây thuộc họ cau, mọc chủ yếu ở khu vực rừng Sơn Trà, là điểm nhấn của cảnh quan sinh thái nơi đây.
Trâm dẫn chúng tôi men theo những đoạn đường nhỏ, khúc khuỷu, được lát bằng những viên đá cuội có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, chỉ vừa đủ hai người đi. Nằm xen lẫn dưới những vòm cây tỏa bóng mát là những ngôi nhà cổ với hàng trăm cổ vật được người chủ sưu tầm từ nhiều vùng miền của đất nước, được gìn giữ và bảo quản cẩn thận, gồm các dòng chum, gốm cổ…
Qua chia sẻ của Trâm, chúng tôi được biết, để làm mới và tăng thêm sức hút cho bảo tàng, thời gian gần đây, Bảo tàng Đồng Đình hoàn thiện các phòng thưởng thức trà chiều. Trà được lấy từ nhiều vùng trồng chè nổi tiếng trên cả nước, thông qua bàn tay pha chế điêu luyện của các trà nương (được mời từ Hội An ra) để mời khách. Lượng khách đến bảo tàng ngày càng đông cũng bởi sản phẩm mới này.
Ở sát vách nơi phố thị nhưng với tư duy và sự tinh tế trong thiết kế của người chủ, Bảo tàng Đồng Đình không phô phang mà vẫn giữ được nét thuần chân của một công trình nằm xen lẫn giữa tự nhiên, đồi núi.
Nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế âm, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được xem là bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, hiện đang lưu giữ, trưng bày khoảng hơn 500 hiện vật cổ về Phật Giáo, bổ sung qua 3 đời trụ trì, trong đó có nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.
Sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đã tạo thêm điểm nhấn du lịch độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn, mới lạ cho du khách khi đến với Đà Nẵng.
Phát triển bảo tàng tư nhân - chuyện không của riêng ai
Trong dòng chảy của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của cha ông, không thể thiếu sự đóng góp của nhiều cá nhân thông qua các hoạt động sưu tầm, lưu giữ cổ vật cũng như phát triển bảo tàng tư nhân.
Điều đáng quý là hầu hết các bảo tàng đều xuất phát từ những bộ sưu tập tư nhân. Những cá nhân, gia đình khi lập ra bảo tàng tư nhân hầu như không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu mà mong muốn góp phần lưu giữ những ký ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Là bảo tàng do tư nhân đầu tư, nhưng trong số đó có không ít bảo tàng quy mô lớn, chỉn chu, hiện vật có giá trị cao, có thể sánh ngang với bảo tàng công lập như Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Có những bảo tàng thu phí rất ít ỏi, thu không bù chi (Bảo tàng Đồng Đình thu phí 30.000 đồng/người) có những bảo tàng hoàn toàn miễn phí cho khách tham quan chỉ với mục đích lan tỏa những giá trị đẹp đẽ.
Tuy nhiên, cùng với tâm huyết vì tình yêu với di sản, họ cũng luôn mong muốn tình yêu ấy không bị mài mòn bởi gánh nặng cơm áo. Vì thế, ngoài nỗ lực tự thân thì sự hỗ trợ hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như hành lang pháp lý hanh thông là vấn đề vô cùng quan trọng. Và không ít bảo tàng mong muốn phát triển lâu dài, hiện vẫn loay hoay với bài toán làm thế nào để phát triển.
“Làm bảo tàng trăm thứ khó, thực tế, những năm qua, có không ít bảo tàng tư nhân mở ra, vốn đầu tư lớn nhưng rồi lỗ nặng nề, đó là chia sẻ chung của những người làm bảo tàng tư nhân mà tôi được biết”, Quỳnh Trâm chia sẻ. Một trong những hướng đi hiệu quả của bảo tàng nói chung và bảo tàng tư nhân nói riêng là liên kết du lịch nhằm tìm ra những lối đi mới, vừa độc đáo, lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, vừa phải thu hút khách, thương mại hóa thì mới mong duy trì lâu dài.
Suốt chiều dài lịch sử, các bảo tàng vẫn luôn là nơi hội tụ của di sản lịch sử, nghệ thuật. Là nơi lưu giữ, sưu tập và tổng hợp các giá trị di sản để trưng bày, truyền tải thông tin lịch sử, bản sắc dân tộc, lòng yêu nước đến với công chúng.
Các bảo tàng tư nhân còn đảm trách thêm nhiều nhiệm vụ tốt đẹp như kích cầu du lịch, giải quyết công ăn việc làm, tạo dựng thêm một điểm đến đẹp cho mỗi vùng đất, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa... Chính vì những giá trị ấy, càng cần có sự hỗ trợ, động viên để cho ra đời ngày càng nhiều bảo tàng tư nhân chất lượng.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho rằng, xác định hệ thống bảo tàng ngoài công lập là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội, những năm qua Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân ra đời, nâng cao chất lượng hoạt động như: đưa bảo tàng vào các tour tuyến du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tờ gấp giới thiệu các bảo tàng…
Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân và du khách.
KHÁNH HÒA