Đà Nẵng cuối tuần
Sự giống nhau giữa Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương
Nếu Nguyễn Du là “Đại thi hào dân tộc” thì Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm” (theo cách gọi của nhà thơ Xuân Diệu). Hai người đều được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đều giỏi Hán Nôm. Đi sâu tìm hiểu Thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều ta sẽ thấy nhận thấy những điểm tương đồng đến khó tin.
Tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương và truyện Kiều ta sẽ thấy nhận thấy những điểm tương đồng đến khó tin. Đây chính là sự tương đồng về cảm quan nghệ thuật, về triết lý nhân sinh, về ý thức tư tưởng của hai thiên tài thi ca vượt tầm thời gian, đi trước thời đại. |
Sử dụng đại từ nhân xưng “tôi”
Theo nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh, thời phong kiến “cá nhân, cái bản sắc của cá nhân bị chìm đắm như giọt nước trong biển cả”. Vì vậy, các tác phẩm văn học Trung đại rất khó lòng tìm thấy chữ “tôi” theo nghĩa đại từ nhân xưng. Chữ tôi với nghĩa đại từ nhân xưng chỉ sinh sôi, nảy nở trong các trào lưu văn học thời 1930-1945, khi mà luồng gió từ phương Tây thổi ào ạt vào nước ta. Nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh hình dung: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này - quan niệm cá nhân” (Thi nhân Việt Nam). Cái “ngày thứ nhất” đó, chính là ngày trên thi đàn Việt Nam xuất hiện hai ngôi sao chói sáng: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Trong 88 bài thơ chữ Nôm tương truyền là của Hồ Xuân Hương, có một chữ “tôi” là đại từ nhân xưng. Đấy là chữ “tôi” ở bài “Ốc nhồi”: "Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi/ Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi". Nếu bài thơ Ốc nhồi của Hồ Xuân Hương được viết trước Truyện Kiều thì chữ “tôi” này có thể là chữ “tôi” theo nghĩa đại từ nhân xưng xuất hiện lần đầu tiên trên thi đàn Việt Nam. Mới xuất hiện nhưng nó không hề “bỡ ngỡ” chút nào, bởi Hồ Xuân Hương đã đưa nó vào tác phẩm văn chương một cách hết sức tự nhiên, như lời ăn tiếng nói thường ngày. Còn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thì có đến 25 chữ “tôi” được dùng theo nghĩa đại từ nhân xưng - một con số khá ấn tượng! Chữ “tôi” xuất hiện lần thứ nhất nằm ở dòng 704, lúc nàng Kiều ngồi dưới ngọn đèn khuya, thổn thức nghĩ đến chàng Kim: "Trời Liêu non nước bao xa/ Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi".
Với việc xưng "tôi", nàng Kiều đã trở thành nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Kiều của Việt Nam chứ không còn là nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc nữa. Nhà thơ đã để cho Thúy Kiều ý thức một cách sâu sắc về trách nhiệm cá nhân của mình đối với người yêu. Đây là sự gặp gỡ thú vị giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du. Trong khi đó, dò tìm bản dịch Chinh phụ ngâm và tác phẩm Cung oán ngâm khúc (xuất hiện cùng thời) không hề có một chữ “tôi” đại từ nhân xưng nào.
Bức tranh phụ nữ khỏa thân
Ta hãy lặng ngắm Hồ Xuân Hương phác họa bức tranh “Thiếu nữ ngủ ngày”: "Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong".
Đúng là một vẻ đẹp thần tiên. Tất cả hãy còn trinh nguyên! Đôi gò bồng đảo và một lạch đào nguyên đẹp như thế ai mà không muốn nhìn, muốn ngắm. Vì thế nên chàng quân tử mới “dùng dằng”. Hồ Xuân Hương rất hiểu tâm trạng của chàng. Đó là nụ cười của một người đàn bà từng trải, quá thấu hiểu bản tính của giới mày râu.
Cũng như Hồ Xuân Hương, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có hai câu đặc tả bức tranh phụ nữ khỏa thân: "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên". Theo nhà thơ Xuân Diệu: “Giữa chế độ phong kiến Á Đông đè xuống tinh thần, thể xác con người lại giả dối che đậy lên hàng tạ quần áo thì Nguyễn Du đã giải thoát cho mọi người được chiêm ngưỡng, thán phục cái tòa thiên nhiên tuyệt mĩ của tạo vật là thân thể lành đẹp của con người...” (Ba thi hào dân tộc). Trong khi đó, dò tìm bản dịch Chinh phụ ngâm và tác phẩm Cung oán ngâm khúc không hề thấy một bức tranh phụ nữ khỏa thân nào cả.
Một việc làm hết sức táo bạo
Trong thời phong kiến, văn học viết (bác học) ở nước ta gần như tối kỵ về "Chuyện ấy" - là chuyện khó nói. Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương rất hiểu điều đó. Việc Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du nói nhiều về “chuyện ấy” có thể xem là một việc làm hết sức táo bạo. Ta hãy nhìn xem Hồ Xuân Hương tả cảnh “Đánh đu”: "Trai co gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song/ Chơi xuân đã biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không". Giống Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du cũng không ngần ngại nói về “chuyện ấy”. Ai cũng biết Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn. Nàng xuất thân trong một gia đình rất nền nếp nên đã xấp xỉ đến tuổi “cập kê” mà vẫn “tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Những éo le cuộc đời buộc nàng nhiều phen đối diện với “chuyện ấy”.
Trong Truyện Kiều, nàng Kiều là người phải nói về “chuyện ấy” nhiều nhất. Mỗi khi nàng nói với Kim Trọng hay nghĩ về Kim Trọng liên quan đến “chuyện ấy”, Nguyễn Du chọn cho nàng những cách nói, cách nghĩ khác nhau. Chẳng hạn lúc Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Kiều nhẹ nhàng thuyết phục chàng Kim: "Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi...". Trong đêm động phòng “tình nhân lại gặp tình nhân”, Nguyễn Du lại để cho nàng Kiều nhắc đến “chuyện ấy” với một tâm trạng hết sức đau xót: "Còn nhiều ân ái chan chan/ Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi...". Đó là những cách nói hết sức tế nhị.
Khảo sát chữ “tôi” đại từ nhân xưng, bức tranh phụ nữ khỏa thân, viết về "chuyện ấy", ta thấy giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ Xuân Hương có những điểm giống nhau đến kỳ lạ. Đây chính là sự tương đồng về cảm quan nghệ thuật, về triết lý nhân sinh, về ý thức tư tưởng của hai thiên tài thi ca vượt tầm thời gian, đi trước thời đại.
MAI VĂN HOAN