Đà Nẵng cuối tuần
"Rong chơi" cùng Lê Hữu Tỉnh
Hiếm lắm, đã qua tuổi thất thập nhưng nhà giáo, tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh vẫn còn mải chơi với các thú: xê dịch, ẩm thực, điền viên rồi cả sưu tầm cổ vật, viết lách, đọc sách.... Cuộc chơi cũng lắm công phu, đọc tùy bút, tản văn “Rong chơi miền vui thú” (NXB Văn học, 2024) để nhẩn nha, ngẫm ngợi những lúc thư thả.
Nhà giáo, tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh cùng tác phẩm mới nhất của mình. Ảnh: T.H |
Lê Hữu Tỉnh sinh năm 1952, nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và 2, nguyên Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nên hẳn phải có cả “bồ chữ” nhưng ông không lạm dụng chúng. Với tập sách này, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng một người thầy mẫu mực trong việc chọn lọc, sắp xếp chữ nghĩa. Thế nên văn ông trong sáng, ngôn từ quy phạm, thi thoảng có chỗ ông ngưng lại diễn giải tận tường như nghiệp dĩ.
Đọc tùy bút, tản văn của Lê Hữu Tỉnh, chúng ta dễ nhận thấy sự trải đời và bao dung đẫm trong con chữ: “Có cái thú lành mạnh, tích cực và cái thú tầm thường, tiêu cực. Nhưng ranh giới ở đây quá đỗi mong manh, tùy vào góc nhìn của nhân thế. Ví như cái "thú tổ tôm"! Có người bảo đó là trò chơi trí tuệ lành mạnh, cao sang. Lại có người dè bỉu coi đây là trò cờ bạc ăn thua sát phạt cần lên án. Thật không dễ phân định đúng sai, hay dở”.
Cũng cần nói thêm, dưới góc nhìn của tôi, trải đời không phải tính theo số tuổi trụi trần mà là sự chiêm nghiệm, đúc rút, thậm chí phán đoán, dự đoán được cả những tình huống liên quan trong bộn bề cuộc sống. Là người “thích đủ thứ” nhưng khi viết về cái thú nào, tác giả cũng am tường và tâm huyết theo kiểu rút ruột. Chẳng hạn như viết về rượu: “Cầm chai rượu lên, rút cái nút chai cuộn bằng lá chuối khô, hương rượu ở miệng chai thoảng thơm tỏa ra. Rót thứ rượu trong vắt, tinh khiết, sánh đặc... ra từng chén nhỏ. Hương rượu càng tỏa ra nồng nàn ngào ngạt. Khứu giác đánh thức vị giác, vị giác đánh thức cảm hứng dạt dào được thưởng thức những gì gọi là tinh hoa, tinh túy của lúa gạo cỏ nội hương đồng...”.
Trong thú điền viên, chắt lọc thông tin qua con chữ, tác giả là người cuồng si với thiên nhiên nên mới kiên nhẫn đồng hành suốt vòng đời của cây trái, rồi thầm cảm ơn: “Đó là liều thuốc tinh thần, liều thuốc dưỡng sinh vô giá đối với người hưu…”. "Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”. Nói về thú xê dịch, tác giả đã trích dẫn 2 câu thơ của Huy Cận để làm nền cho dụng ý tung tẩy và đúc kết thấu đáo: “Vì vậy, du lịch đó đây "Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt" để đổi gió, để tự làm mới cảm xúc của mình, làm giàu tâm hồn mình, phong phú hóa đời sống của mình... là một nhu cầu tự nhiên của con người”.
Nhờ cái thú xê dịch và thăng hoa với đất với người in dấu bước chân mà ông đã có các áng văn lý thú như: Mênh mang Y Tý đại ngàn, Phiêu du Bắc Hà - miền cao nguyên trắng, Ngỡ ngàng… Phú Quốc, Từ mũi Sa Vỹ ngẫm ngợi, Lạ lùng danh thắng Cửu Trại Câu, Hoa Lư - Tràng An: Một vùng non nước…
Mới đây, khi biết tôi đang đi trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), ông hào hứng sẻ chia về một miền đất nặng nợ: “Thật thú vị. Tôi có 15 năm (1976-1991) dạy khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Vì vậy, có thể xem tôi là “thổ công” của đất Xuân Hòa, Đại Lải đấy. Lúc đó, thỉnh thoảng có vào Đại Lải kiếm củi, quét lá về đun bếp. Tôi viết tất cả trong bài “Rưng rưng năm tháng Xuân Hòa”. Để rồi đọc đến bài viết đó, tôi phần nào cảm thấu tấm lòng của người thầy đối với nhiều thế hệ sinh viên đã trải qua thời khốn khó dở khóc dở cười, để còn nhắc nhớ và rưng rưng với 11 trang ký ức đặm đầy.
Với hơn 260 trang sách đầy đặn, người đọc dễ cảm nhận dù "Rong chơi miền vui thú" có phiêu bồng thì ông vẫn nắm níu con chữ trở về với khuôn phép, theo kiểu người thả diều cầm dây để điều khiển vậy. Có một chi tiết nhỏ nhoi thôi, nhưng đọng lại ấn tượng khiến tôi trân quý tập sách hơn, đó là từng câu chữ chỉn chu, chính tả sạch sẽ đúng điệu của một giảng viên lão thành nghiêm cẩn.
Rất nhiều người biết ông là một nhà giáo, nhà quản lý, nhà văn và khi đọc “Rong chơi miền vui thú”, lại thấy mồn một người biết “tìm niềm vui trong công việc trồng trọt, bắt sâu tỉa lá, thưởng thức thành quả lao động do mình tạo ra” rồi rành rẽ quy trình trồng trọt khiến tôi bất giác nghi vấn, có khi nào Lê Hữu Tỉnh “đèo bòng” thêm một chức danh là nông dân chính hiệu. Điều nghi vấn này đã được làm rõ, thuyết phục trong các tác phẩm “Người hưu làm vườn”, “Mảnh vườn ban công tầng 24 - Vườn trong mây” rất sinh động.
Đọc “Rong chơi miền vui thú”, tôi khẳng định rằng, nhà giáo Lê Hữu Tỉnh là người sống kỹ, sống chậm. Từ ông, thêm một lần xác tín cho quan điểm “văn là người” đầy thanh tao và cao quý. Còn theo như tác giả Lê Hữu Tỉnh tự thú, nhờ có các thú vui kia nên đã “làm giàu tâm hồn, xúc cảm của con người, tạo nên những khoảnh khắc thảnh thơi an yên vui sống, lãng quên những ưu tư sầu muộn, gác lại những toan tính mưu sinh thường nhật, giải tỏa những áp lực công việc nặng nề bức bối luôn bủa vây, đè nặng tâm trí con người”.
Suy cho cùng, đời người cũng chỉ là một cuộc rong chơi, để rồi cát bụi lại hoàn cát bụi. Bởi thế, xin mượn những câu văn chiêm nghiệm của người thầy “cổ lai hy” Lê Hữu Tỉnh để kết lại bài viết này: “Thú, vui thú... là vị muối làm cho cuộc sống đỡ nhạt. Thú, vui thú... làm cho cuộc sống thêm phong phú hương vị và đa dạng sắc màu”.
LÊ HẢI KỲ