Đà Nẵng cuối tuần
Lễ cúng thần Núi của dân tộc Cơ tu
Dân tộc Cơ tu có nhiều lễ hội truyền thống như lễ Kết nghĩa, lễ Mừng mùa, lễ Cúng đất lập làng, lễ Cúng thần Núi... Trong hệ thống lễ hội cộng đồng này, lễ Cúng thần Núi (Tấc Ka Coong hay Puy Dàng xứ) là lễ hội lớn. Đây là lễ thức phản ánh rõ nét tín ngưỡng đa thần của đồng bào Cơ tu.
Các chàng trai khiêng giàn đặt lễ vật làm bằng thổ cẩm có hoa văn đẹp. Ảnh: T.V |
Dân tộc Cơ tu tin rằng có nhiều vị thần cai quản, chi phối cuộc sống của dân làng như: thần Núi, thần Rừng, thần Sông, thần Suối… Đó là những vị phúc thần đã ban tặng cho đồng bào cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe, bình an, sung túc, mùa màng bội thu. Bước vào lễ Cúng thần Núi, đầu tiên, già làng tổ chức cuộc họp có sự tham gia đông đủ của các gia đình, tộc họ để bàn bạc về cách thức, quy mô, lễ vật, thời gian, số lượng và thành phần khách được mời.
Trước khi vào lễ chính, đồng bào tiến hành nhiều nghi lễ nhỏ như lễ Tẩy rửa, lễ Cúng sạch, lễ Xin đất... lễ Tẩy rửa, như tên gọi, là tẩy sạch những điều nhơ bẩn, ô uế do con cháu trong làng cố ý hay vô tình gây ra. Bởi theo quan niệm của người Cơ tu, nếu không làm nghi lễ này thì làng bản không được thanh sạch, lễ hội chính sẽ không thành công vì thần không chấp nhận. Lễ Cúng sạch là nghi lễ mà các già làng cùng các trưởng họ dâng mâm cúng cỗ sạch cho Dàng, thần linh thưởng thức, làm cho các vị thần vui lòng mát dạ. Lễ Xin đất là nghi lễ xin thần linh cho phép sử dụng một khoảng đất tại sân chung của làng để chôn cây nêu bằng tre và cột hiến tế (xơnur).
Với đồng bào Cơ tu, cây nêu và cột hiến tế là hiện vật quan trọng bậc nhất trong các lễ hội, là cầu nối giữa làng bản với các vị thần linh. Nơi đây sẽ là “lễ đài” chính của lễ Cúng thần Núi, thầy cúng và người tham gia thực hành các nghi thức linh thiêng, thực hành nghi lễ hiến sinh (đâm trâu), đọc lời khấn nguyện mời các vị thần về chứng kiến và thụ hưởng những lễ vật của làng dâng cúng.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng diễn ra xung quanh cột lễ. Việc làm cây nêu tốn nhiều thời gian, công sức. Họ chọn những người có kinh nghiệm và khéo tay tham gia tạo tác, trang trí cây nêu đúng theo kiểu mẫu của người Cơ tu. Nó là công trình nghệ thuật tập thể với nhiều chi tiết trang trí và điêu khắc gỗ độc đáo và sinh động. Khi cây nêu hoàn tất, các vị già làng và các trưởng tộc tiến hành nghi lễ Chôn cây nêu (Choh cọ). Mọi người khấn nguyện các vị thần phù hộ, cầu mong cho cây nêu luôn vững chãi, không nghiêng ngả, gãy đổ khi buộc trâu, cho lễ hội được thành công tốt đẹp.
Sau khi chôn gốc cây nêu, mọi người tiến hành lễ Buộc trâu (Toong Ti rị ây cọ) và lễ Ăn trâu (Đăh Tơ rý). Trong chuỗi hoạt động của lễ Ăn trâu có nghi thức đâm trâu, trước kia đây là nghi lễ bắt buộc; ngày nay nó đã được cải hóa. Con trâu hiến sinh được thay bằng mô hình rơm rạ, gỗ hay chất liệu khác, hoặc cho người đóng giả để không gây hình ảnh phản cảm. Đây là thời điểm linh thiêng nhất của lễ hội. Mọi người với trang phục truyền thống chỉnh tề, rực rỡ cùng nhau lần lượt bước vào khoảng sân trước nhà làng tạo thành đội hình múa điệu tung tung - da dá, diễn tấu trống chiêng xung quanh cây nêu. Điệu múa da dá của người phụ nữ với đôi tay hướng lên trời cầu xin và đón nhận sự che chở của thần linh cho bản làng yên vui, tránh gặp phong ba bão táp, dịch bệnh. Tạ ơn thần Rừng đã ban cho cây gỗ, tre nứa làm nhà, đất đai làm nương rẫy. Tạ ơn thần Sông, thần Suối đã ban tặng dòng nước ngọt lành, tôm cá thơm ngon...
Đồng thời với điệu múa nghi lễ linh thiêng và sôi động nói trên là nghi thức Cúng chín (Tấc đu chen) dâng mâm cỗ cho các vị thần linh. Các già làng tuyển chọn những cô gái, chàng trai đẹp người, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng tham gia các nghi thức rước và dâng lễ vật. Các chàng trai khỏe mạnh cùng nhau khiêng cái giàn/bàn (Pa ra) đặt lễ vật được trang trí bằng những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn đẹp mắt, bốn góc có gắn cây mía giương ngọn lên trên. Các cô gái bê khay đan bằng mây tre đựng bánh trái, hoa quả lần lượt đặt vào giàn với sự cung kính, cẩn trọng.
Một số mâm cỗ khác cũng được bày ra trên giàn cúng với nhiều món đặc sản được chế biến từ những phần ngon nhất của các con vật được hiến tế như: trâu, bò, heo, gà, dê... cùng với các món cơm lam, a koat (bánh sừng trâu), a zưh (bánh làm bằng xôi nếp giã nhuyễn trộn mè đen), Chơrluung (bánh gói lá dong bỏ vào ống nứa nướng chín)... được làm từ những hạt nếp nương thơm dẽo. Lễ vật dâng cúng đủ đầy để các thần linh thụ hưởng, chung vui cùng với dân làng...
Già làng làm chủ lễ đọc lời khấn: “Ơ Dàng! Đây là mâm cỗ đầy đủ món ăn thức uống thơm ngon..., con cháu đã bày sẵn trên bàn Pa ra cao ráo, sạch sẽ, xin mời thần Núi, thần Rừng, thần Sông, Suối... đến thưởng thức. Tạ ơn các vị thần đã ban cho con cháu, dân làng cuộc sống bình yên, no đủ, cho con cháu trưởng thành, nên người. Cầu xin các vị thần tiếp tục che chở và ban cho con cháu, dân làng sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc”.
Lễ hội Cúng Thần núi của dân tộc Cơ tu thể hiện cung cách ứng xử nhân văn sâu sắc giữa con người với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. Họ luôn biết ơn mẹ thiên nhiên, mẹ rừng và mãi gắn bó, chan hòa với vạn vật, với thế giới siêu nhiên, nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
TẤN VỊNH