Đà Nẵng cuối tuần

SỨC SỐNG MỚI CHO BẢO TÀNG

Để bảo tàng trở thành điểm... phải đến

07:54, 17/08/2024 (GMT+7)

Để du khách đưa bảo tàng vào điểm đến không thể thiếu trong chuyến khám phá vùng đất địa phương thì việc giáo dục học sinh cũng như tạo nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho du khách rất quan trọng. Bên cạnh đó, các bảo tàng phải nỗ lực làm mới từ cách bài trí không gian mở, không tạo khoảng cách qua những tấm kính vô hình đến việc tổ chức thường xuyêncác hoạt động mới, ý nghĩa.

Để trở thành điểm đến trong chuyến hành trình khám phá của du khách, các bảo tàng trên địa bàn từng ngày, từng giờ nỗ lực làm mới mình qua nhiều chương trình đặc sắc.  Trong ảnh: Các em học sinh tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V
Để trở thành điểm đến trong chuyến hành trình khám phá của du khách, các bảo tàng trên địa bàn từng ngày, từng giờ nỗ lực làm mới mình qua nhiều chương trình đặc sắc. TRONG ẢNH: Các em học sinh tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V

Tạo nhu cầu hưởng thụ

Đà Nẵng hội tụ hệ thống bảo tàng đa dạng, phong phú, hầu hết nằm ở vị trí trung tâm, địa điểm gần nhau nên việc di chuyển thuận lợi nhưng việc để du khách tìm đến bảo tàng vẫn là lời giải cần quan tâm nhiều hơn nữa.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng là nơi hội tụ đa dạng thiết chế văn hóa, nên mọi hoạt động, trải nghiệm phải phục vụ tốt nhất nhu cầu thưởng thức cho người xem. Chưa đề cập du khách quốc tế mà để người dân địa phương đến bảo tàng cũng là điều quan trọng bởi họ chính là những đại sứ quảng bá văn hóa. Họ được hưởng thụ điều gì hay và ý nghĩa từ văn hóa thì họ sẽ lan tỏa điều đó đến với nhiều người hơn.

“Tôi nghĩ, đối tượng cần hướng đến là các bậc phụ huynh bởi họ là người giáo dục con em. Tạo nhu cầu cho số đông phụ huynh thì việc đưa con em đến bảo tàng là điều dễ dàng. Lực lượng này sẽ là nòng cốt lưu truyền văn hóa mai sau. Đồng thời, con người làm bảo tàng phải mạnh dạn thay đổi, không bị gò bó vào văn bản, phòng kính. Song song, để khai thác những thuận lợi mà Đà Nẵng đang sở hữu thì rất cần quyết sách, định hướng từ lãnh đạo thành phố nhằm xây dựng thương hiệu, quảng bá di sản mang tính định hướng, hiệu quả hơn”, ông Thiện khẳng định.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố lại cho rằng, chúng ta không thể ép người dân, du khách đến bảo tàng. Để thật sự yêu thích tìm đến bảo tàng thì yếu tố tiên quyết là giáo dục và tạo nhu cầu thưởng thức văn hóa, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên. Bởi có nhu cầu thì việc tìm đến bảo tàng là điều tất yếu.

Ngoài ra, cần 4 yếu tố, thứ nhất, đáp ứng nhu cầu và khi yêu cầu được thỏa mãn thì họ sẽ tìm đến bảo tàng. Thứ hai, các chính sách, chế độ thu phí cần tính toán hợp lý, ví như để thu hút khách đến với bảo tàng vào những dịp lễ, sự kiện của thành phố có thể giảm giá… Thứ ba, bảo tàng phải luôn tạo cái mới, nếu không làm được thì tính hấp dẫn sẽ hạn chế. Thứ tư, cần phối hợp giữa ngành văn hóa, bảo tàng với ngành du lịch cũng như kết nối chặt chẽ các tour du lịch, xem bảo tàng là điểm đến không thể thiếu và theo sát việc thực thi. Điều quan trọng là nguồn nhân lực và yêu cầu những con người làm bảo tàng phải am hiểu, sâu sát, thành thạo kỹ năng. Song song, nhà trường cần kết hợp cùng bảo tàng, thông qua những tiết học văn hóa, lịch sử phải biến lớp học trở thành bảo tàng bởi việc hình thành nền giáo dục tốt cho các mầm non tương lai đất nước sẽ góp phần gìn giữ văn hóa sau này.

“Tôi từng đưa ra quan điểm, giá như Bảo tàng Điêu khắc Chăm khai thác tổ chức tour tham quan vào ban đêm bởi ở đó vừa là sự thăng hoa của nghệ thuật vừa là sự thăng hoa của tâm linh, hình ảnh các vị thần trong truyền thuyết văn hóa Chămpa. Trong không khí vắng lặng với ánh sáng vừa đủ, 1 nhóm từ 5-7 người, giá tiền có thể gấp 2, 3 thì chắc chắn du khách sẽ hưởng thụ những khoảnh khắc tuyệt vời của hòn ngọc Châu Á”, ông Bùi Văn Tiếng gợi ý.

Làm mới bảo tàng từng ngày

Là người có 30 năm làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách Pháp đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Nguyễn Trương Nguyễn (58 tuổi) chia sẻ, để có thể thu hút khách, trước hết, bảo tàng phải có điểm nhấn không gian và kiến trúc ấn tượng, sau đến là yếu tố hiện vật trưng bày, cách tiếp cận hiện vật.

Với ông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm được điều đó bởi cách thức trưng bày cũng như tiếp cận hiện vật không khoảng cách và bảo tàng đã kết nối, ứng dụng công nghệ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin.

Nhằm thu hút và tăng tỷ lệ khách tham quan quay lại bảo tàng, bà Hà Thị Huyền Anh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho hay, hiện nay, bảo tàng thực hiện chỉnh lý không gian trưng bày bộ ảnh tư liệu “Kết nối di sản văn hóa Chăm vùng Nam Trung Bộ” và không gian trưng bày ảnh khảo cổ học Đồng Dương. Song song, bảo tàng trưng bày bức tượng thần Ganesha E5 (gốc) thay thế phiên bản tại phòng trưng bày Mỹ Sơn.

Hiện vật gốc được trưng bày ngay vị trí trung tâm phòng Mỹ Sơn, giúp du khách tham quan thưởng thức một trong những bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, bảo tàng thực hiện mở cửa kho đặc biệt vào ngày mùng 1 và 15 (Âm lịch) hằng tháng nhằm tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia - Bồ tát Tara/Laskmindra Lokesvara. “Bên cạnh không gian cố định, bảo tàng tăng cường tổ chức các sự kiện và trưng bày chuyên đề liên quan đến văn hóa Chăm, xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm (múa truyền thống, hát dân ca) và không gian trình diễn các hoạt động đặc trưng cho làng nghề truyền thống của người Chăm nhằm tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho khách tham quan tìm hiểu như quy trình làm gốm Bàu Trúc truyền thống của người Chăm…

Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm hoạt động giáo dục đến đa dạng đối tượng và cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm phụ trợ tạo sự thân thiện, thoải mái cho du khách”, bà Anh chia sẻ.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, Bảo tàng Đà Nẵng được thay đổi không gian tham quan vừa tĩnh vừa động, không còn thu hẹp trong những vách ngăn, phòng trưng bày. Nhờ đó giúp tăng tính trải nghiệm. Cơ sở vật chất nơi đây chứa đựng đầy đủ các giá trị tinh thần, xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện, làm sống lại hiện vật để mỗi hiện vật là một câu chuyện.

Bên cạnh đó, bảo tàng thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục và tổ chức trải nghiệm cho du khách với nghề làm mắm, hát bả trạo, nghề dệt chiếu… Bảo tàng còn  xây dựng các tư liệu lịch sử trực tuyến "độc, lạ"với mong muốn tạo sự tò mò, tăng tính khám phá để du khách tìm đến bảo tàng xem người thật, việc thật.

Trong hành trình khám phá đến vùng đất mới, thì bảo tàng và thư viện luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Nếu đặt chân đến nước Pháp thì phải đến Viện bảo tàng nghệ thuật và di tích lịch sử Louvre hay đến Tây Ban Nha thì phải ngắm Bảo tàng Guggenheim Bilbao, còn nếu đến Italia thì phải thăm bảo tàng Uffizi Gallery...

Thiết nghĩ, để Đà Nẵng có điều mặc định tương tự thì rất cần sự thay đổi về giáo dục con trẻ tại các trường học, làm mới không gian bảo tàng cũng như các quyết sách đúng đắn từ lãnh đạo, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch.

Giá như Bảo tàng Điêu khắc Chăm khai thác tổ chức tour tham quan vào ban đêm bởi ở đó vừa là sự thăng hoa của nghệ thuật vừa là sự thăng hoa của tâm linh với hình ảnh các vị thần trong truyền thuyết văn hóa Chămpa. Trong không khí vắng lặng với ánh sáng vừa đủ, 1 nhóm từ 5-7 người, giá tiền có thể gấp 2, 3 thì chắc chắn du khách sẽ hưởng thụ những khoảnh khắc tuyệt vời của hòn ngọc châu Á”. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố.

HUỲNH TƯỜNG VY

.