Đà Nẵng cuối tuần
Sáng tạo và tươi mới
Hơn một tháng tham gia Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng từ ngày 14-6 đến 20-7, 48 em có năng khiếu văn học đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố tạo nên bất ngờ. 112 tác phẩm truyện, thơ, bút ký, tản văn của các em phần lớn mang dáng dấp của những tác phẩm văn học thực sự từ cách tìm tòi đề tài đến sự sáng tạo xuyên suốt trong kết cấu, ngôn từ nghệ thuật và nội dung.
Các em có năng khiếu văn học đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trong thành phố tham gia Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng từ 14-6 đến 20-7. Ảnh: N.K.H |
Các tác phẩm vừa phong phú, sôi động, đa chiều, đa dạng, mang được hơi thở cuộc sống đúng với thế giới cảm xúc hồn nhiên của các em. Nhiều tác phẩm gần như đạt đến sự hoàn chỉnh và có sức lan tỏa chân thực, mạnh mẽ với nhịp điệu tiết tấu dồn dập như muốn bung vỡ cảm xúc, thông điệp gởi gắm… Không gian, thời gian, các thủ pháp nghệ thuật không chỉ nằm ở thế giới trẻ thơ và tuổi học trò mà còn được các em say mê tìm kiếm, mở rộng nhiều chiều. Hiện thực cuộc sống với những vấn đề chung từ tình yêu đất nước, biển đảo, quê hương phố làng, gia đình, tình bạn tuổi học trò, tình yêu đầu đời… được đa số các em thể hiện chân thực, đầy xúc cảm.
Bên cạnh đó, những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện tại, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lứa tuổi như sự học và việc làm, thân phận của trẻ em có hoàn cảnh không may, quan hệ cha mẹ và con cái… cũng được các em quan tâm tìm hiểu. Rất nhiều truyện ngắn được sáng tác với sự tiếp cận đề tài nghiêm túc, sáng tạo, mở ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ với những phong cách cấu tứ và ngôn ngữ vừa hồn nhiên trong sáng vừa mới mẻ, cuốn hút.
“Đời bám biển” của Đỗ Hoàng Bảo Thy (Lớp 8/1, Trường THCS Trần Quý Cáp, Cẩm Lệ) chọn đề tài gần gũi gắn với vùng biển quê hương Thọ Quang, kể câu chuyện giản dị về chàng trai tốt nghiệp đại học vẫn quyết chí nối nghiệp đi biển của cha ông bởi “trong trái tim tôi biển là nhà, là sự sống, là hơi thở và là cả cuộc đời”. “Mẹ con thằng Hùng” của Lê Hồng Anh (Lớp 10C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) là câu chuyện có tính thời sự về sự kỳ thị, ác cảm, thành kiến phi lý gây nên sự ghét bỏ không đáng có giữa con người trong xã hội hiện nay. May thay tình mẹ con, sự hy sinh vị tha cao cả đã đem lại sự thấu hiểu, chia sẻ nhau giữa những người có tố chất thiện lương. Đây thực sự là những trang văn gần gũi thực tế cuộc sống, hằng ngày vẫn diễn ra sôi động bên các em, được các em nắm bắt và biểu đạt bằng truyện để gởi gắm những thông điệp chân thực.
Điều đáng ghi nhận ở 112 tác phẩm này là nhiều tác giả chú tâm đề cập và thể hiện sinh động những vấn đề rộng mở hơn, kết hợp khá tinh tế hiện thực tự nhiên với những điều hư cấu bay bổng của trí tưởng tượng và ý thức hướng đến những ý tưởng khái quát, triết lý đáng suy ngẫm. Truyện ngắn “Hồ điệp” của em Đặng Công Minh (Lớp 9/2, Trường THCS Phan Bội Châu, Sơn Trà) truyền đi thông điệp về thân phận con người và sự khao khát vươn đến hạnh phúc, tình yêu, vẻ đẹp hoàn hảo cả về hình thức lẫn nội dung với kết luận trung dung khá bất ngờ mà… có lý: “Thôi thì hãy cứ như bông hoa hướng dương, hướng về phía mặt trời, rồi sẽ có lúc vẻ đẹp của chính mình được người khác đón nhận”.
“... Truyện kể rất tự nhiên, cách triển khai vấn đề tốt, không một chi tiết thừa. Mọi hình ảnh đều phục vụ cho mục đích của tác giả. Thông điệp sâu sắc. Tác phẩm này là một lát cắt của đời sống hiện tại, không chỉ thể hiện gương mặt và tiếng nói của thời đại mà còn là lời nhắc nhở với người lớn về việc mình cũng từng là trẻ con. Kết truyện độc đáo”. Đây là lời nhận định của nhà văn Lê Thị Lệ Hằng, thành viên Hội đồng thẩm định ngay khi vừa đọc truyện ngắn “Bức tranh vẽ về tương lai” của Nguyễn Thị Gia Hân (Lớp 8/9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Liên Chiểu). Lời nhắn cuối truyện của Gia Hân thay cho ước nguyện chung của tuổi học trò thế hệ mình: mong muốn được người lớn thấu hiểu. “Tôi đã vẽ lại một bữa tranh. Có tôi - đang mặc một bộ vest với thân hình cao lớn và nhớ về tôi - một cậu nhóc tinh nghịch. Phải, tôi sẽ là tôi, tôi sẽ sống đúng như cách tôi đã trưởng thành thành người lớn và không quên tôi đã từng là một đứa trẻ”.
Sau khi đọc những trang văn, những dòng thơ xúc động và có sức lan tỏa của các bạn trẻ trong trại hè sáng tác, tôi có niềm tin rằng, nếu còn theo đuổi ước mơ, khi lớn lên còn tiếp tục gắn bó với con đường văn chương, các bạn trẻ có triển vọng của thành phố hôm nay sẽ cùng nhau kiến tạo nên “Bức tranh vẽ về tương lai” của văn học Đà Nẵng và cả nước. Con đường văn chương mở ra cho các em là con đường hạnh phúc nhưng nhọc nhằn, dấn thân vào là phải hy sinh, học hỏi và kiên trì nỗ lực hết mình mới mong có được sự thành công...
NGUYỄN KIM HUY