Đà Nẵng cuối tuần

Đàn nước "quay về" với người Xơ Đăng

16:50, 13/09/2024 (GMT+7)

Núi thiêng Ngọc Linh cung cấp nguồn nước dồi dào cho đồng bào Xơ Đăng trong sinh hoạt hằng ngày, trong trồng lúa, chăn nuôi gia súc, đảm bảo cái ăn cái mặc, sự tồn tại, phát triển của con người và sáng tạo nên các giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc. Một sáng tạo văn hóa đặc sắc của đồng bào Xơ Đăng ở quần sơn Ngọc Linh (thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) là đàn nước hay còn gọi là đàn suối.

Nguồn nước và máng nước là hai bộ phận quan trọng tạo ra sự sống còn của hệ thống đàn nước.
Nguồn nước và máng nước là hai bộ phận quan trọng tạo ra sự sống còn của hệ thống đàn nước. Ảnh: T.V

Vật liệu chế tác đàn nước gồm đá, gỗ, nứa, lồ ô và các loại thân dây leo trong rừng như song mây. Đây là một nhạc cụ kết hợp nhiều bộ phận, nhờ kỹ thuật lắp ráp, liên kết với nhau để trở thành một “dàn nhạc”. Nguyên tắc chuyển động của đàn nước là “tự động hóa” nhờ vào sức nước, không có sự tác động trực tiếp của con người. Bộ phận quan trọng nhất làm nên sự chuyển động của “dàn nhạc” chính là sợi dây rừng dài, rắn chắc. Cùng với nó là hai thanh tre lớn đặt song song nhau dọc theo sợi dây rừng có vai trò liên kết với các ống tre nằm ngang dọc, các ống nứa đặc ruột hay loại ống nứa được khoét gọt để tạo âm thanh. Sợi dây rừng được nối từ máng nước đặt dưới lòng suối đến vị trí đặt đàn nước. Một đầu dây được mắc vào hòn đá lớn, đầu dây kia mắc vào máng nước.

Để lợi dụng sức nước từ khe núi hay từ dòng thác đổ xuống, đồng bào bố trí máng nước ngay phía bên dưới để hứng. Khi máng nước đầy, sợi dây kéo chùng xuống làm cho máng nước chuyển dời khỏi thác nước. Lúc đó, máng nước nghiêng xuống, đổ hết nước ra bên ngoài, trọng lượng hòn đá ở đầu kia lại kéo dây chùng xuống, làm sợi dây chuyển động kéo máng nước trở về vị trí cũ. Nhờ sự chuyển động đó mà các thanh tre nứa va chạm vào nhau tạo âm thanh nhạc điệu. Ngoài các ống nứa chạm vào cây nứa nằm ngang tạo ra âm thanh chủ lực còn có sự phụ họa của những âm điệu phát ra từ phiến đá. Người ta gắn hai cái dùi sắt vào hai thanh tre, mỗi chu kỳ chuyển động sẽ làm cho cái dùi sắt gõ vào khánh đá phát làm ra âm thanh lãnh lót, ngân vang như tiếng chiêng.

Các già làng Xơ Đăng cho biết, quy mô của đàn nước tùy thuộc vào người chế tác. Muốn nhiều âm thanh thì người chế tác chỉ cần nối những cây nứa dài ra, có thể đến vài ba chục mét. Mỗi chùm ống nứa là một âm thanh, cung bậc khác nhau, cùng cất lên một điệu nhạc trong trẻo hòa âm cùng với tiếng gió reo trên cành lá, tiếng chim hót, tiếng thác tuôn, suối chảy giữa đại ngàn. Âm thanh của tiếng đàn nước lại có tác dụng canh giữ thú rừng phá hoại lúa, hoa màu đang chờ thu hoạch, người nghe vui tai càng thêm niềm hứng thú, bớt mệt nhọc khi lao động trên nương rẫy.

Vì lẽ đó nên đàn suối không nằm riêng lẻ mà thường bố trí vừa ở đầu ngọn nước từ trên cao đổ xuống vừa gần đám ruộng bậc thang hay một đám rẫy. Khi lúa ngô mới trồng thì tiếng đàn nước làm cho vui tai, con người cảm thấy bớt quạnh vắng giữa núi rừng. Lúc ngô ra trái, lúa oằn bông thì cần tiếng đàn nước cất lên liên tục hơn. Đây là lúc đồng bào hay điều chỉnh, sửa sang từng bộ phận, thay hệ thống dây liên kết, máng nước, thay ống nứa cũ bị hư để cho âm thanh đàn nước được vang vọng hơn.

Trước đây, ở đâu có nóc, có ruộng nương của đồng bào Xơ Đăng thì ở đó có đàn nước. Về sau, do nhiều nguyên nhân nên đàn nước dần vắng bóng ở vùng núi Ngọc Linh. Thấy được giá trị của loại nhạc cụ này, một số nơi đã mời nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng phục chế, phục dựng để trưng bày, giới thiệu một nét đặc sắc văn hóa tộc người vùng cao xứ Quảng.

Chàng trai Xơ Đăng làng Kon Pin bên dàn đàn nước. Ảnh: T.V
Chàng trai Xơ Đăng làng Kon Pin bên dàn đàn nước. Ảnh: T.V

Bảo tàng Đà Nẵng đã làm mô hình đàn nước thu nhỏ để trưng bày tại phòng trưng bày về các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng. Huyện Nam Trà My đã phục dựng bộ đàn nước tại khuôn viên cơ quan hành chính của huyện. Đặc biệt, ban tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh năm 2019 đã phục dựng và trưng bày dàn đàn nước của dân tộc Xơ Đăng để phục vụ khách tham quan.

Ngoài bộ đàn nước ở Bảo tàng Đà Nẵng đang phát huy tác dụng vì sử dụng như một hiện vật bảo tàng, còn những nơi khác việc phục dựng đàn nước chưa mang lại hiệu quả, thậm chí là lãng phí. Những dàn đàn nước phục dựng không đúng môi trường nhanh chóng bị hư hỏng vì vật liệu chủ yếu bằng tre nứa nên không bền, nguồn nước cũng không đủ để duy trì sự hoạt động liên tục như cách thức bà con dân tộc làm ở trên núi.

Cứ tưởng tiếng đàn xưa đã lịm tắt. May mắn thay, trong vụ lúa hè thu vừa qua, đàn nước của người Xơ Đăng đã “quay về” nơi xuất phát của mình. Tại làng Kon Pin, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, nơi có những thửa ruộng bậc thang lớn nhất và đẹp nhất ở vùng cao xứ Quảng, bà con đã phục dựng lại dàn đàn nước nguyên gốc của dân tộc. Một dàn đàn nước hoàn chỉnh được bố trí ngay bên ngọn nước, các chi tiết, bộ phận len lỏi vào giữa đám lúa đang trĩu bông. Nó cũng nằm kề bên con đường bê-tông dẫn vào làng nên ai cũng có thể nghe thấy, nhất là du khách.

Tiếng đàn nước của làng Kon Pin hòa điệu nhạc êm ái trong tiếng cồng chiêng ăn mừng lúa mới và bài dân ca đối đáp Ting ting trữ tình của dân tộc Xơ Đăng. Vậy là đàn nước của đồng bào được phát huy đúng công năng, gợi mở hướng bảo tồn văn hóa bền vững từ môi trường, khung cảnh và nhịp sống của núi rừng, bản làng.

TẤN VỊNH 

.