Đà Nẵng cuối tuần
Kỷ niệm thời "Tôi đi học"
1. Đêm Thanh Tịnh
Số phận đưa đẩy khiến chúng tôi may mắn gặp được nhà thơ Thanh Tịnh, tác giả áng văn bất hũ “Tôi đi học” tại Hà Nội cuối năm 1985.
Nhà văn Thanh Tịnh và và thủ bút áng văn bất hũ “Tôi đi học”... Ảnh: Tư liệu |
Tháng 12-1985, chúng tôi là “những người viết trẻ” cả 3 miền đang được gọi ra Hà Nội để dự hội nghị lần thứ 3 tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động, nhưng ăn nghỉ lại tập trung tại cơ quan Tổng Cục Chính trị ở Cửa Bắc hoàng thành. Đêm chúng tôi đang ngồi buồn tê tái sau khi nghe thông báo nhà thơ Xuân Diệu vừa đột ngột qua đời vào buổi sáng trước đó. Anh chị em đang ngồi đốt thuốc lá và gặm nhấm nỗi buồn trước một thần tượng, thì đột nhiên cửa phòng mở toang, một người đàn ông mặc áo khoác, đầu đội mũ caspi bước vào, tự giới thiệu: Tớ là Thanh Tịnh, chào các bạn miền Nam nhé! Tớ cũng đang rất buồn nên muốn đến gặp các bạn để nói chuyện cho khuây!
Chúng tôi cùng đứng lên chào trịnh trọng, vì ai cũng biết tên ông. Mấy bạn gái rót nước và mang bánh ra mời ông thật trang trọng.
Nhà thơ Thanh Tịnh bắt đầu câu chuyện của ông, như là ông chưa từng được nói. Ông kể cho chúng tôi, từ sự nghiệp viết ca dao ủng hộ công cuộc xây dựng ở miền Bắc đến việc ông viết báo những năm sau 1954, rồi kể sang chuyện đi nước ngoài, đi làm hướng dẫn du lịch cho các đại biểu từ Đông Âu. “Bây giờ là hòa bình rồi, các bạn thế nào cũng sẽ đi du lịch như bọn tớ!”. Nhà văn Thanh Tịnh lại kể kinh nghiệm đi du lịch. “Đi du lịch không cần phải đi nhiều, nhưng cần biết một ngoại ngữ. Đến nơi chỉ cần đi thăm mấy cái bảo tàng, đi mua sắm và tìm hiểu các hoạt động ở các chợ của người ta. Chợ là văn hóa đấy, các bạn ạ!”. Chỉ cần ba việc ấy thôi. Ông lại dẫn chuyện ông vừa đi Campuchia về, thăm Đế Thiên - Đế Thích, đi chợ nổi trên sông rồi gặp bộ đội Việt Nam, toàn anh em người miền Nam.
Nhà văn Thanh Tịnh kể đến đó thì lấy khăn lau nước mắt. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, thì ông kể tiếp: "Tớ đến Biển Hồ giao lưu với anh em bộ đội, trong lúc giao lưu một chiến sĩ bỗng đứng lên đọc: Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Lòng tôi lại hoang mang nhờ đến buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi sáng sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dắt đi trên con đường ngoằn ngoèo… Con đường này tôi đã đi qua lắm lần, nhưng hôm nay bỗng dưng thấy lạ. Hôm nay tôi đi học!...”.
Các bạn thấy vì sao chỉ mới nhớ lại đoạn văn anh bộ đội vừa đọc, tuy có chỗ chưa đúng lắm mà tôi đã rớm lệ không?
Trong lúc chúng tôi yên lặng, nhà văn Thanh Tịnh giọng bỗng trầm xuống:
“Giữa một không khí chiến trận, chết chóc đang rình rập ấy, mà hồi ức về tuổi học trò lại nổi lên. Không cảm động sao được! Vì đó là một giai đoạn đẹp nhất của đời người, của mỗi chúng ta. Tôi lại càng cảm động vì được biết ở miền Nam những năm sau 1945 người ta vẫn lấy văn tôi để dạy cho học trò…”.
Đêm ấy, tác giả “Tôi đi học” đã để lại trong ký ức chúng tôi hình ảnh của một nhà văn đằm thắm, uyên bác và đầy lưu luyến. Ông như xua tan trong chúng tôi nỗi buồn mất mát trước sự ra đi bất ngờ của nhà thơ Xuân Diệu!
2. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Phượng
Năm học 1959-1960 tôi thi đậu vào Trường tiểu học công lập Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn). Khi ấy, trường chỉ mới có mấy lớp tiểu học. Thầy Nguyễn Phượng là hiệu trưởng, người làng Bồ Mưng, chưa có vợ. Các thầy cô khác đến từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Điện Bàn, đa số đều học sư phạm được điều về và chưa lập gia đình. Có các cô chiều dạy xong thì đón xe đò ra Đà Nẵng. Có thầy đi xe đạp về nhà ở nông thôn. Một cô quê ở xa lại mướn nhà trong làng ở trọ.
Bọn học trò ở quê tuổi tác chênh nhau đến 3-4 tuổi là thường, do thời gian trước đó thường học với các thầy giáo làng ở trường tư. Vì vậy có học trò đã đứng cao bằng đầu các cô giáo. Tính nết học trò thì vô chừng, có anh siêng năng, ngoan ngoãn, có chàng nghịch phá, vô kỷ luật.
Nhưng thầy hiệu trưởng Nguyễn Phượng rất nghiêm khắc nên không khí học tập sớm được ổn định. Bên cạnh phòng giáo viên còn có một thư khố, có nhiều loại sách vở được nhà nước tài trợ, như sách giáo khoa các lớp. Có một kho sách gọi là “Sách Hồng” gồm các loại truyện cổ tích, truyện thiếu nhi của các tác giả thuộc nhóm Tự lực Văn Đoàn. Chúng tôi thường trốn ở lại trường để mượn sách đọc, vì sách không cho mượn về, ngoài trừ vài loại sách báo viện trợ.
Trong mỗi phòng học, bao giờ cũng là tấm bảng đen cỡ lớn. Phía trên cùng ghi một câu “cách ngôn” kiểu “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”, hay “Anh em như thể tay chân…” mà tất cả học trò khi vào lớp đều phải đọc thuộc. Phía góc trái thường có một ô vuông ghi sĩ số (tổng số học sinh mỗi lớp), khiếm diện (số vắng mặt) và số có mặt để thầy giáo kiểm tra. Tôi vào năm đầu gọi là lớp 5, tức lớp 1 bây giờ với sĩ số khoảng 50 người.
Khi đến lớp thường có một hồi trống và 3 dùi thì học sinh xếp hàng phía trước, sau đó có hiệu lệnh của giáo viên thì lần lượt vào ghế ngồi theo thứ tự. Giữa buổi thường có 3 tiếng trống để ra chơi độ 15 phút. Sau đó lại có 3 tiếng trống khác gọi vào lớp để học tiếp…
Tôi có một kỷ niệm về 3 tiếng trống này: Hôm đó tôi ngủ trễ, ở nhà vừa nghe 3 tiếng trống hết giờ ra chơi, tôi cứ tưởng là 3 dùi sau một hồi vào lớp, nên vội vàng lấy vở chạy đến trường. Thì ra lúc ấy các bạn đang xếp hàng vào lớp sau giờ ra chơi. Cả lớp nhìn tôi cười ồ ra vẻ chế giễu. Trong lúc tôi chưa hiểu ra việc gì thì thầy Nguyễn Phượng ra hiệu yên lặng. Thầy gọi tôi lên trước hàng, xoa đầu biểu dương. Tôi còn nhớ: “Chúng ta phải biểu dương trò Quảng (tên tôi lúc đó), không nên cười! Trò biết rằng đã trễ học, nhưng nhờ có lòng ham học nên đã cố gắng đến lớp! Các em cũng nên noi gương trò ấy!”.
Thầy Phượng với một tinh thần sư phạm đã chia sẻ thấu đáo một hoàn cảnh của tôi như vậy và đã kéo tôi đến lớp học. Thật là một cái ơn quá lớn! Nếu không có lời thầy, chẳng biết tôi có còn được đến lớp và học tập cho đến sau này!
3. Thầy Ngô Hào dạy môn Lý - Hóa
Thời kỳ trung học đệ nhất cấp (Đệ Tứ tức lớp 9 ngày nay) tôi và Đặng Xuân Hùng (sau là bác sĩ, T.S tai - mũi - họng, đã nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh) là những học sinh trung bình vì ham chơi, suốt ngày kéo nhau đi đánh bóng bàn, bida. Nhưng đến các năm lớp 10, 11 mới ý thức việc học, cũng như bị áp lực bởi chiến tranh lúc bấy giờ. Thầy Ngô Hào dạy môn Lý - Hóa Trường Phan Châu Trinh, thấu hiểu sự lo lắng của chúng tôi và cả gia đình. Ông đã chủ động tìm đến nhà hỏi han và mỗi tuần 3 buổi đến tận nhà giúp đỡ. Trước hết là phải học thuộc giáo khoa. Thầy kèm chúng tôi, nếu dò giáo khoa không thuộc thì bắt học cho thuộc mới thôi. Sau đó mới cho làm bài tập. Có hôm thầy kèm đến tối mới rời nhà tôi. Cha mẹ tôi có hôm bỏ bì thư gửi tiền thầy, thầy đã từ chối, hoặc nhận chút ít tiền xăng xe. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của thầy mà kết quả là cả tôi và Hùng đều đậu cao các kỳ thi tú tài, đặc biệt các môn Lý - Hóa đều đạt điểm thuộc loại cao nhất!
Sau năm 1975, thầy Ngô Hào chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh dạy học và lập gia đình. Bạn tôi là bác sĩ Hùng đã tiếp tay lo lắng, trả ơn thầy!
Những ân nhân và những vị thầy khả kính của chúng tôi giờ đã về thế giới bên kia, nhưng tất cả họ để là những tấm gương mà chúng tôi mãi soi vào để noi theo. Nếu không có những người thấy đáng kính, bây giờ chưa biết chúng tôi sẽ ra sao? Trước mùa khai trường năm học mới, xin ghi lại những kỷ niệm đã qua 50-60 năm trước, như sự tỏ bày chút lòng thành kính!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG