Đà Nẵng cuối tuần
Khai thác hiệu quả không gian bãi biển
“Lấp đầy” bãi biển bằng những sự kiện, hoạt động văn hóa hay sản phẩm du lịch là hướng đi hiệu quả của thành phố Đà Nẵng nhằm khai thác tối đa tiềm năng biển cũng như xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện và lễ hội”.
Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng (Enjoy Da Nang) 2024 là sự kiện nổi bật trên không gian bãi biển du lịch Đà Nẵng. Ảnh: X.S |
Không gian bãi biển
Đến Đà Nẵng du lịch hè, gia đình chị Mai Thị Mai Hương (Hà Nội) chọn lịch trình tham quan bán đảo Sơn Trà, biển Mỹ Khê, danh thắng Ngũ Hành Sơn, thưởng thức hải sản, ngắm cầu Rồng phun lửa và xem show “Symphony of River”... Tại đây, đôi vợ chồng trẻ dành phần lớn thời gian trải nghiệm những dịch vụ trên bãi biển, đặc biệt là hòa mình vào không khí lễ hội "Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng năm 2024" tại Công viên Biển Đông. Chị chia sẻ, đây không phải lần đầu gia đình đến Đà Nẵng, nhưng vẫn chọn quay trở lại mỗi dịp hè vì "thích sự sôi động của thành phố và các hoạt động, sự kiện du lịch ven sông Hàn, ven biển".
Những sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch dọc bãi biển Mỹ Khê khởi động từ đầu mùa hè, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đơn cử, sau khi lễ hội "Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng năm 2024" vừa khép lại, du khách tiếp tục thưởng thức màn trình diễn “Drone show Bầu trời” tại khu vực Công viên Biển Đông. Tại đây, một Đà Nẵng năng động được tái hiện tinh tế qua loạt máy bay không người lái. Màn trình diễn ấn tượng này tiếp nối sự thành công của lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng (Enjoy Da Nang) 2024, lễ hội Bóng đá Brazil - Việt Nam 2024, Vinfast Iron Man 70.3 Vietnam, Danang International Marathon 2024, “Đường hoa biển Đà Nẵng 2024” hay liveshow Mỹ Tâm “My Soul 1981”…
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, bên cạnh công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, chúng tôi chú trọng nâng cấp dịch vụ, sự kiện, hoạt động du lịch. Đặc biệt là tổ chức nhiều sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch… nhằm tạo trải nghiệm thú vị cho du khách trên các bãi biển của Đà Nẵng, qua đó xây dựng và quảng bá thương hiệu “thành phố sự kiện và lễ hội”.
Cũng theo ông Hải, bên cạnh cung đường đẹp Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa chạy dọc các bãi biển thuộc địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, cung đường biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 15km cũng ôm trọn eo biển qua quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Vài năm trở lại đây, để kéo giãn du khách, các địa phương, doanh nghiệp và Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã "bắt tay" phối hợp để xây dựng công viên biển Hà Khê (quận Thanh Khê), khu du lịch sinh thái Nam Ô, khu phức hợp Mikazuki Hotel & Spa Resort hay quảng trường kết hợp đỗ xe cuối đường Nguyễn Tất Thành, đường Nguyễn An Ninh (quận Liên Chiểu)…
Trong 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ với các sự kiện liên tục được tổ chức; công tác phát triển các sản phẩm du lịch được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, thành phố đón hơn 6,6 triệu lượt du khách đến lưu trú, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu đạt 4.343,7 tỷ đồng, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển
Ở góc độ người làm dịch vụ, ông Phạm Anh Việt, quản lý khu Tổ hợp Mân Thái Beach - Chợ Cá Gỗ (quận Sơn Trà) nhìn nhận: “Các bãi biển ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được khai thác và phát triển khá tốt, đặc biệt trong 2-3 năm trở lại đây. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, ngành du lịch, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã thổi làn gió mới cho các bãi biển, tạo sự thay đổi tích cực trong 2 năm hậu Covid-19. Nếu theo khung điểm 10 thì những bãi biển trên ở mức 7-8 điểm. Tuy nhiên khu bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành chỉ đạt mức 3-4 điểm khi còn thiếu nhiều hoạt động, sự kiện và cần được đầu tư, cải thiện”.
Hiện trạng trên cũng được quận Liên Chiểu đề cập trong nỗ lực phát triển kinh tế - du lịch trên bãi biển. Một số khu vực, cảnh quan ven biển tại Liên Chiểu chưa được đầu tư, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều. Trong khi đó, việc phát triển dịch vụ tại khu vực bãi biển từ bắc cầu Nam Ô tới đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc) còn nhiều vướng mắc trong công tác quy hoạch. Đến nay, quận đã có văn bản đề nghị Sở Du lịch bổ sung vào dự thảo phương án quản lý, khai thác các hoạt động và dịch vụ tại tuyến biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành.
Đồng thời, tích cực triển khai, đưa vào khai thác các sản phẩm thuộc Đề án du lịch cộng đồng Nam Ô và tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân… Địa phương kỳ vọng, khi dự án hoàn thành, du khách đến Liên Chiểu sẽ được trải nghiệm ngắm bình minh và hoàng hôn từ thuyền thúng trên vịnh Nam Ô, tắm biển, tìm hiểu các di tích, làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực và chèo súp trên không gian biển thơ mộng dưới chân đèo Hải Vân.
Liên quan đến câu chuyện “lấp đầy” không gian biển, ông Phạm Anh Việt cho rằng cần xem xét cải thiện cơ sở hạ tầng như đường đi bộ, hệ thống ánh sáng, nhà vệ sinh công cộng, khu vực đỗ xe và bảo đảm các tiện ích ghế nằm, ô dù, các dịch vụ tắm biển. Cùng với đó là tập trung bảo vệ môi trường, tăng cường quảng bá, sáng tạo, đổi mới loại hình hoạt động để làm phong phú các trải nghiệm cho khách. Những khía cạnh này được Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng ghi nhận, qua thử nghiệm chiếu phim ngoài trời, vật lý trị liệu trên bãi biển và tổ chức chương trình âm nhạc ngoài trời… tại bãi biển Mỹ An.
“Hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực biển đường Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tất Thành. Sau khi được thành phố phê duyệt, đơn vị sẽ chắt lọc, nhân rộng mô hình thích hợp và lấp đầy những khoảng trống trên bãi biển hiện nay”, ông Phan Minh Hải nhấn mạnh.
XUÂN SƠN