Đà Nẵng cuối tuần

Nhớ lại những ngày đi học

16:48, 14/09/2024 (GMT+7)

Mỗi mùa khai trường, tôi thấy mình bỗng nhỏ xíu lại qua dòng ký ức “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) miên man chảy tràn cảm xúc. Dù chẳng có ngày khai trường nào, tôi và các anh chị em được ba mẹ đưa đến lớp trong nỗi ngượng ngập, hoang mang. Con nhà nông, ba mẹ lam lũ với bao việc đồng áng, các con cứ tự đến trường, từ trường làng đến trường xã, trường huyện. Còn đường đi học của lũ trẻ nhà quê, mùa mưa thì lấm lem nhầy nhụa bùn đất; mùa nắng thì lởm chởm sỏi, đá, bụi. Ai ai cũng như nhau nên chẳng có gì là đặc biệt. Tóc đứa nào cũng vương màu mực lóng lánh. Áo quần thì mặc gì cũng được, miễn là không rách. Sách thì chỉ có cuốn Toán với Tập đọc. Vở thì chỉ có vở học và vở tập dùng để làm toán và viết chính tả. Tiếng trẻ ê a đánh vần hoặc đồng thanh đọc thơ đã thành miền kỷ niệm của ngôi trường làng ngày xưa. “Trường em mái ngói đỏ hồng/ Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh...”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm 1982, anh Tư tôi đỗ vào lớp 10 trường huyện, cả làng đi chợ huyện chưa có ai sắm nổi chiếc xe đạp. Anh Tư tôi cứ đi bộ theo mấy bà gánh chuối gánh khoai đi chợ bán mà đến trường. Có khi nửa đêm gà gáy hoảng, tưởng trời sắp sáng nên mẹ kêu anh dậy đi học. Đi bộ 7km đến trung tâm huyện, trời vẫn còn tối. Thế rồi ba tôi chắt bóp mua được cái đồng hồ lên dây của Liên Xô. Có chuông đồng hồ reng reng báo thức, anh tôi chủ động thời gian đi học. Tôi nhớ ba ghi lên trên tường ngày nhà tôi có người bạn mới: “Đồng hồ - 2-11-1982”.

Nhưng phải hết kỳ I năm học ấy, tuổi học trò anh tôi mới sang trang bằng chiếc xe đạp khung đơn hiệu Đà Nẵng màu tím. Ba tôi đã đổi bốn ký hồ tiêu - đặc sản quê nhà - lấy chiếc xe đạp cho anh đi học. Không thể diễn tả nổi niềm sung sướng pha lẫn kiêu hãnh của anh tôi. Có lẽ chiếc xe đạp ấy là tài sản lớn nhất của gia đình. Và nó là “bảo vật” tuổi học trò của cả bốn anh em tôi trên hành trình đi học dưới huyện.

Những đứa học trò thuở ấy vừa là những tay lái lụa trên cung đường toàn đèo dốc: dốc Ông Quỳnh, đèo cây Gạo, dốc Đình, dốc Ông Bưởi, dốc bờ sông...; vừa là thợ sửa xe cừ khôi: xe bị “trật cóc”, ổ líp quay re re mà đạp không chạy, thế là lấy cục đá đập đập vào, đạp chạy tiếp. Rồi may triên, vá xe, thay cục gôn phanh trước phanh sau, cục gôn bằng su chỉ bằng ngón tay cái mà dùng để thắng là biết... mong manh như thế nào rồi. Nhưng đám học trò quê tôi chẳng có ai xổ dốc thả phanh mà tai nạn nặng cả. Có lần, anh trai tôi chạy xe o o vào đống rơm giữa đường, tông trúng cục đá ai chơi kháy. Thế là ngã u trán. Mà đau đớn hơn là cây bút máy Hồng Hà bị bể mất phần nắp. Không sao, “chiến tích” Hồng Hà ấy cũng truyền lại đến anh kề, rồi tôi và đứa em út.

Đó là phương tiện đi học. Còn “sách vở thân yêu” thì thiếu trước hụt sau. Anh em chúng tôi học chung chương trình một bộ sách. Và sách thì đầu năm mỗi lớp được thư viện trường phát cho cỡ 3-4 bộ. Thế là chia ra rồi đổi nhau học. Đứa có sách Toán thì không có Sinh; có Văn thì không có Địa... Riêng tôi thường được cuốn “Phụ lục trích giảng Văn học” - cuốn sách chỉ để tham khảo chứ không có trong chương trình chính khóa. Qua bao nhiêu đời học sinh, càng về sau, sách càng ố cũ, rách bìa, thiếu trang. Nhưng dù nhận cuốn sách nào, chúng tôi cũng đem về đọc hết qua một lượt, đóng sửa và bao bọc lại, làm mới cho sách. Niềm khát sách, khát chữ ngày xưa khiến lũ học trò đều ghiền đọc sách. Chúng tôi đọc tất cả loại sách báo, miễn là có chữ. Sách truyện thì chuyền nhau đọc cả trường. Tôi đã thuộc nhiều bài thơ, cáo, hịch nhờ học trước cùng các anh của mình.

Điều đặc biệt của anh em chúng tôi là trước ngày khai giảng, ai cũng được ba dẫn đi mua vở hoặc tập giấy. Sau đó ba dùng giấy báo hoặc giấy xi măng bao vở, chúng tôi tự thiết kế nhãn và dán vào bất cứ góc vở hoặc sách tùy thích. Những năm 80 của thế kỷ trước, được đi học là niềm hạnh phúc lớn lao nên khó khăn về phương tiện, điều kiện sách vở được xem là điều bình thường. Tôi không nhớ rõ mức học phí thời ấy, nhưng hình như là không có hoặc rất ít. Đa số các bạn nghỉ học vì gia đình khó khăn cần lao động và học đúp không lên lớp, chứ không phải vì học phí.

Những mùa thu đi qua đời tôi. Những ngôi trường đi qua đời tôi. Và ngôi trường từ đó tôi đi rồi quay trở lại với vai trò người truyền lửa tri thức. Dường như việc gắn bó với mái trường, với tuổi học trò đã khiến tôi quên mất thời gian không bến không bờ, quên mất tóc mình đã pha sương. Tôi như gặp lại thanh xuân của mình mỗi mùa khai trường trong tà áo trắng thơ ngây. Tôi mơ màng trông theo vẻ duyên dáng nữ sinh “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Ôm nghiêng tập vở/Tóc dài tà áo vờn bay” (Phạm Thiên Thư) những ngày đến lớp.

Vậy đó, nhìn những mùa thu đi rồi mơ màng xao xuyến với thu, tôi thấy mùa dịu dàng này đâu chỉ là những tàn phai. Đưa mắt theo đám lá đủ sắc màu đang làm duyên với gió, tôi nhận ra mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mọi chiếc lá đều là những bông hoa (A.Camus).

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN 

.