Đà Nẵng cuối tuần

Quán quân "Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024"

16:42, 07/09/2024 (GMT+7)

Với đề tài “Chế biến thực phẩm vi sinh học Copepods”, nhóm Copepods gồm các sinh viên đến từ hai trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vừa xuất sắc đạt quán quân “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024” (GBA Young Innovation Award 2024) do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) tổ chức.

Với đề tài “Chế biến thực phẩm vi sinh học Copepods”, nhóm Copepods gồm các sinh viên đến từ hai trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vừa xuất sắc đạt quán quân “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024”. Ảnh: H.L
Với đề tài “Chế biến thực phẩm vi sinh học Copepods”, nhóm Copepods gồm các sinh viên đến từ hai trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vừa xuất sắc đạt quán quân “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024”. Ảnh: H.L

Nhóm Copepods nêu ý tưởng về một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại sản phẩm từ động vật phù du làm thức ăn cho ấu trùng tôm, cá, giúp tăng đáng kể tỷ lệ sống và tăng trưởng của các loài thủy sản. Trương Phạm Phú An, sinh viên lớp QT23, Trung tâm Đào tạo quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế, Trưởng nhóm Copepods cho biết, với ý tưởng kinh doanh liên quan đến hoạt động chế biến, tiêu thụ thực phẩm vi sinh học copepods (hay còn gọi giáp xác chân bèo), nhóm đã dành 3 tháng nghiên cứu, làm việc liên tục để hoàn thiện mô hình sản xuất, kinh doanh, phân tích thị trường, lên kế hoạch tài chính cũng như trình bày ý tưởng trước ban giám khảo. Theo An, copepods - nguồn thức ăn tự nhiên cho ấu trùng tôm, cá - đang trở thành tiêu chuẩn công nghiệp mới của ngành chăn nuôi thủy sản châu Âu.

Tại đây, copepods được xem là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của ấu trùng tôm, cá do có giá trị dinh dưỡng cao. Copepods chứa nhiều acid amin và các acid béo, phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của thủy sinh vật. Ngoài ra, hàm lượng protein, enzyme tiêu hóa và vitamin trong copecods tương đối cao, cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết mà không một loại thức ăn công nghiệp nào có thể thay thế được trong ao nuôi. Chưa kể, loài giáp xác chân chèo này cũng góp phần tăng cường quá trình oxy hóa, giảm khí độc và sự phát triển của tảo dưới đáy ao, qua đó giúp cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi.

Quá trình nghiên cứu, nhóm Copepods nhận thấy loài giáp xác chân bèo được tìm thấy ở hầu hết môi trường nước mặn, ngọt. Chúng có kích cỡ rất nhỏ, từ 0,2-2mm, sinh sống dựa vào động vật phù du, tảo và mùn bả hữu cơ. Với ưu điểm vượt trội về giá trị dinh dưỡng và khả năng cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản, nhóm sinh viên đã tập trung nghiên cứu, phát triển quy trình chế biến thức ăn chăn nuôi từ copepods nhằm tối ưu hóa giá trị sử dụng của chúng.

Trưởng nhóm Trương Phạm Phú An cho biết, công nghệ chế biến được áp dụng sẽ giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của copepods, đồng thời bảo đảm tính ổn định và dễ dàng sử dụng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản.

Theo kế hoạch của Copepods, sản phẩm sẽ được chế biến thành dạng bột hoặc viên, phù hợp các phương pháp cho ăn hiện đại. Những bước chính trong quy trình chế biến bao gồm thu hoạch copepods từ môi trường nước sạch, sau đó xử lý và bảo quản bằng công nghệ lạnh hoặc sấy khô, cuối cùng là đóng gói sản phẩm với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. “Chúng tôi tin tưởng sản phẩm chế biến từ copepods không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao cho ấu trùng tôm, cá mà còn giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường trong ao nuôi, góp phần tạo ra một nền công nghiệp thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường,” An chia sẻ.

Theo các thành viên, việc giành giải quán quân tại “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024” mở ra cơ hội phát triển và mở rộng quy mô dự án trong tương lai. Võ Đức Vinh, sinh viên Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, thành viên nhóm Copepods, cho biết thành công của Copepods giúp các thành viên tự tin hơn trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và tìm kiếm sản phẩm có lợi cho ngành nuôi trồng thủy sản. Theo Vinh, sau cuộc thi, nhóm Copepods sẽ tiếp tục thực hiện kết nối với các nhà đầu tư và đối tác chiến lược để triển khai dự án một cách hiệu quả.

Để trở thành quán quân “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024”, nhóm Copepods đã trải qua ba vòng thi gồm trình bày ý tưởng (giải pháp, mô hình kinh doanh, tiếp thị, lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tài chính, khách hàng mục tiêu), thuyết trình bằng video và cuối cùng là chia sẻ thông tin, ý tưởng trực tiếp với ban giám khảo tại đêm chung kết. Các sản phẩm dự thi được nhóm thể hiện bằng tiếng Anh.

Tại đêm chung kết diễn ra tối 29-8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vi Thanh Tuấn, thành viên Hội đồng GBA - Trưởng dự án Giải thưởng Doanh nghiệp GBA cho biết “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA-2024” thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Đức đối với hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững của sinh viên Việt Nam. Về lâu dài, hoạt động liên kết này sẽ giúp tạo ra giá trị kinh tế, việc làm cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp có cùng mục tiêu phát triển bền vững.

“Chúng tôi hướng tới việc tạo ra những tác động tích cực, thông qua hoạt động cố vấn và khuyến khích tài năng trẻ đổi mới sáng tạo.

Giành giải quán quân, nhóm Copepods sẽ được quỹ CSR của GBA hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và tôi tin rằng đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực nghiên cứu của nhóm sinh viên”, ông Tuấn khẳng định.

HUỲNH LÊ

.