Đà Nẵng cuối tuần
Những nẻo về văn hóa Huế
“Cây Hoàng mai trước nhà là mã văn hóa của Huế. Quét mã đó là đăng nhập vào Huế”. Tôi thích cách giới thiệu ấn tượng về cái “mã văn hóa” ấy của nhà báo - tác giả Minh Tự. Thì ra, đọc sách cũng là một cách “đăng nhập” vào vùng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc Huế, vào thế giới ngôn từ của nhà văn. Đây là lần thứ hai tôi đọc “Trước nhà có cây Hoàng mai” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024), cuốn sách gồm 36 bài viết về Huế của một người Huế từng có hơn mười năm phiêu bạt làm báo ở Đà Lạt, Đà Nẵng rồi về lại với xứ “phong rêu kiêu sa”.
Huế trong những trang viết của anh Minh Tự, nhờ thế mà được nhìn và soi chiếu từ cảm xúc của nhiều góc độ cận cảnh đến viễn cảnh và tâm cảnh. Đăng nhập vào “Trước nhà có cây Hoàng mai”, người đọc sẽ bắt gặp vô số đường dẫn về nét đẹp phong phú vùng văn hóa cố đô, mà trầm tích của nó vẫn luôn là thử thách lớn đối với con người. Đó là vườn An Hiên đẹp như một bài thơ - nơi trú ngụ của tâm hồn Huế.
Người đọc từng thảng thốt khi “bước đến” khu vườn bà Lan Hữu trong tuyệt phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thêm lần nữa nhận ra rằng, tác giả Minh Tự đã lý giải về kiến trúc vườn Huế, “tạo ra cốt để mà chơi”, mà sống theo điệu Huế, rất Huế. Chuyện ngôi nhà rường, chuyện cây Hoàng mai trước nhà... đã trở thành dáng vẻ đặc trưng “chẳng nơi nào có được”. Nếp sống bình lặng, kiểu cách rất phong lưu ấy, tôi nghĩ rằng, chỉ có thể là Huế.
Hoàng mai là loài cây không phải của riêng Huế. Cả miền Trung đều có. Miền Nam cũng thế. Nhưng yêu Hoàng mai, quý Hoàng mai và tôn thờ Hoàng mai như một loài linh hoa thì chỉ có thể là người Huế. Bên cạnh đó, những bài viết say đắm về Hoàng mai còn mang nỗi ngậm ngùi khi số lão mai ở Huế cứ lặng lẽ vơi đi, vơi đi... Tôi cũng ước ao như tác giả: một con đường nào đó của Huế, mùa xuân sẽ rực rỡ riêng sắc Hoàng mai, như loài Vương giả chi hoa chỉ thuộc về Đại Nội.
Một “đường dẫn” khác về một nẻo văn hóa Huế là ẩm thực Huế. Có thể nói, gắn bó và trở lại Huế rất nhiều lần, nhưng chưa khi nào tôi đã cơn thèm món Huế. Thì đây, “phố phường ẩm thực” được bày ra: phố Hến, phố Bèo-Nậm-Lọc, phố Bún hay những gánh hàng rong trên chuyến đò ngang sông Hương, bún bò Huế, mè xửng... Người Huế vốn cầu kỳ, chỉn chu, tỉ mỉ nên nấu ăn bằng cả tâm hồn. Bởi vậy, món nào cũng đậm đà ý vị và độc đáo níu lòng du khách. Mà phải về Huế, lê la dọc phố phường, phải “ăn theo lối Huế”, cái kiểu “nghèo mà vẫn sang” (Trần Kiêm Đoàn) mới thưởng thức trọn vẹn cái phong vị Huế. Dù mỗi lần trở về Huế, tôi mang một tâm trạng, một cảm xúc không lặp lại. Mà cũng đúng thôi, dòng Hương vẫn nguyên nét dịu dàng đấy nhưng thời gian vẫn lạnh lùng chảy trôi theo từng khoảnh khắc...
Là tác giả của hàng loạt phóng sự dài kỳ hấp dẫn trên Báo Tuổi Trẻ, nên anh Minh Tự khá chắc tay và nhuần nhuyễn trong cách “thuật - tả - bình” của thể loại phóng sự. Một nẻo về xứ Huế trong “Trước nhà có cây Hoàng Mai”, là những trang viết công phu về nghề thêu, nghề làm nón, thú sưu tầm tiền cổ và “gương mặt Huế” về đêm, trong một phiên chợ khuya, hay đêm hoàng cung lung linh huyền ảo. Huế vừa thẳm sâu trong từng nét đẹp văn hóa, vừa “tự làm mới mình” trong nhịp điệu của nhiều mùa lễ hội.
Nhiều lớp trầm tích văn hóa khác được khai mở như: di sản làng cổ Phước Tích, mưa Huế, nếp sống Huế, những đam mê đặc biệt của người Huế như vị bác sĩ tai mũi họng soạn... từ điển tiếng Huế (Bùi Minh Đức), hay những người thầy miệt mài nghiên cứu Huế và “sống chết với sách” cũng là những câu chuyện thú vị mà tác giả muốn dẫn dắt người đọc đến với xứ mộng mơ.
Tôi hữu duyên được đọc sách của nhiều người Huế viết về Huế. Một Nguyễn Thị Duyên Sanh với những ngày tháng cũ đằm sâu trong “Loanh quanh xứ nhớ”. Một Nguyên Du với những khảo cứu công phu mà cũng rất giàu cảm xúc về đất và người xứ Huế. Một Phi Tân với những tản văn hiền hậu, mộc mạc về cây trái, món ăn và chuyện về làng quê ngoại ô thành Huế. Một Nguyễn Khoa Diệu Hà với giọng Huế chay, hiền lành, nhỏ nhẹ, thủ thỉ (chữ của Trần Thùy Mai) về xứ mưa không buồn... Đa số họ là những nhà báo viết văn và tha thiết yêu quê hương, khát khao níu giữ những giá trị văn hóa độc đáo ở cố đô. Những ghi chép của nhà báo Minh Tự về xứ sở “phong rêu kiêu sa” góp thêm vào kho sách về Huế nguồn tư liệu quý giá, giúp người đọc ở xa thêm nhớ, ở Huế thì yêu hơn, trân trọng và trách nhiệm hơn với di sản văn hóa của một vùng đất đặc biệt trên bản đồ đất nước.
Đắm mình trong những trang sách của người Huế yêu Huế không phải “bằng tinh thần cực đoan đáng yêu” (Vĩnh Quyền) như thường thấy, “Trước nhà có cây Hoàng mai” của Minh Tự đem đến cho người đọc cảm nhận chân thật về Huế; để được “đăng nhập” vào “mã văn hóa Huế”, rồi rẽ vào vô số đường dẫn về quá khứ, về hiện tại, của xứ sở “phong rêu kiêu sa”.
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN