Đà Nẵng cuối tuần

Thi thố…

14:28, 21/09/2024 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh mong muốn con trẻ tham gia tranh tài ở các cuộc thi từ văn hóa cho đến năng khiếu. Hơn hết, phụ huynh cần hiểu rõ con trẻ chạy đua trên các cuộc thi được gì và mất gì, để sớm cân bằng giữa học tập, thi thố cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết.

Anh Diệp cho rằng cân bằng việc tham gia thi đấu bóng rổ và học tập của con giúp anh và con có thời gian cùng nhau đạp xe hay thả mình dưới dòng nước bơi lợi và ra biển ngắm hoàng hôn… Với anh, đó là kỷ niệm vô giá mà không giải thưởng nào mua được. TRONG ẢNH: Con trai anh Diệp (bên trái) đang tập luyện bóng rổ. Ảnh: H.V
Anh Diệp cho rằng cân bằng việc tham gia thi đấu bóng rổ và học tập của con giúp anh và con có thời gian cùng nhau đạp xe hay thả mình dưới dòng nước bơi lợi và ra biển ngắm hoàng hôn… Với anh, đó là kỷ niệm vô giá mà không giải thưởng nào mua được. TRONG ẢNH: Con trai anh Diệp (bên trái) đang tập luyện bóng rổ. Ảnh: H.V

1. Trở về nhà sau 4 ngày tham gia thi đấu giải bóng rổ ở Thái Lan, anh Nguyễn Văn Diệp (44 tuổi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) biết con Nguyễn Nhật Thành (14 tuổi) vui vì chiến thắng, song là người ba, anh vẫn xót khi thấy con phải vắt kiệt sức trên sàn đấu. Anh Diệp chia sẻ, lên 9, anh nhận ra con có niềm đam mê môn bóng rổ. Vì vậy, anh cho con đi học bộ môn này và tham gia thi đấu chuyên nghiệp ở các cuộc thi lớn.

Sau gần 5 năm rèn luyện, Thành đoạt nhiều huy chương ở các giải thể thao lớn nhỏ trong thành phố và cả nước. Anh Diệp thổ lộ, qua thời gian, anh nhận thấy chơi bóng rổ giải trí khác với chơi bóng rổ tham gia thi đấu. Hiểu rằng, chơi bóng rổ giúp hạn chế chơi game, xem tivi, mạng xã hội nhưng việc sa đà chạy đua trên các sân chơi khiến con mệt lả, đôi khi không có thời gian cho việc học. Anh cảm nhận rằng, ở tuổi này con cần ưu tiên điều gì cho tương lai, đó chính là việc học và phát triển các kỹ năng cần có.

“Trong tuần học văn hóa, cuối tuần tham gia thi đấu tập luyện, đôi lúc, tôi thấy tội cho con. Tôi biết rằng, niềm đam mê thì không nên cấm cản nhưng con cũng cần có thời gian quan sát thế giới bên ngoài. Nghĩ vậy, tôi chọn lọc bớt các giải đấu cần thiết và giao kèo với con, học văn hóa vẫn là ưu tiên hàng đầu, nếu không học tốt sẽ giảm việc tham gia thi đấu”, anh Diệp bày tỏ và nói rằng, ý thức điều này, thời gian sau việc chơi bóng rổ và học tập của con thuận lợi, cân bằng hơn. Anh và con có thời gian cùng nhau đạp xe vào cuối tuần, thả mình dưới dòng nước để bơi lội hay mỗi buổi chiều tà ra biển ngắm hoàng hôn dần buông xuống nơi đường chân trời… Với anh, đó là kỷ niệm vô giá mà không giải thưởng nào mua được.

2. Cũng có con gái P.M.K (12 tuổi) là chiến thần “gà chọi” môn toán, chị N.T.N.T (34 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) rất tự hào và hãnh diện về con. Chị T. cho biết, K. con gái hiếu động nhưng khi học Toán K. lại tập trung và say mê. Vì vậy, chị hướng con học Toán tại các trung tâm toán tư duy. Lên tiểu học K. bắt đầu tham gia các cuộc thi toán tại trung tâm nơi con học. Để đạt hiệu quả cao, K. phải bỏ công sức giải toán cả ngày lẫn đêm.

Chị nói rằng, trước đây, chị có xu hướng chạy đua thành tích nên mong muốn con rèn luyện và tham gia các cuộc thi, để làm đẹp “học bạ”. Tuy nhiên, đôi lần nhìn con với cặp mắt trũng sâu dưới lớp kính cận ngày càng dày cùng khả năng giao tiếp kém. Thậm chí, con vẫn chưa biết làm một số việc nhà đơn giản… nên chị chựng lại đôi nhịp để hiểu và dành thời gian cho con trước khi quá muộn.

“Là người mẹ, tôi luôn mong con học giỏi nhưng như thế là bất công nếu con không được tự do khám phá mọi thứ xung quanh. Không chỉ riêng việc học hay tham gia các kỳ thi mà tôi muốn con biết rằng, hạt gạo từ đâu ra, cách thổi cơm, cách trồng, chăm sóc cây… và vô vàn những kiến thức khác hơn là rong ruổi ở các cuộc thi khiến con thiếu đi các kỹ năng sống. Nói như thế, không có nghĩa con đứng ngoài sân chơi kiến thức văn hóa mà cái cần nhất, tôi phải cân bằng các yếu tố để giúp con phát triển trí tuệ lẫn tinh thần”, chị T. bộc bạch.

3. Chị T. tâm sự, về lâu dài, nếu những đứa trẻ lớn lên, thiếu kỹ năng sống thông thường, không biết cách giao tiếp hay phản xạ tình huống kém… sẽ khiến con tự ti, khó hòa nhập và tự nhốt bản thân trong thế giới của riêng mình. Suy đi tính lại, con mất nhiều hơn là nhận lại. Chính vì vậy, giúp con có nền tảng phát triển, chị cùng chồng ngồi lại sắp xếp, định hướng, dành thời gian trang bị cho con những giá trị tinh thần. Bây giờ, ngoài giờ học, chị cùng con quét nhà, thổi cơm, cách cắm hoa hay phụ mẹ làm các loại bánh… và biết chia sẻ cảm nhận mọi điểu xung quanh mà trước kia những điều này con chưa có.

Từ lâu, không chỉ con trẻ mà ngay cả người lớn, việc đánh giá năng lực được định đoạt qua những cuộc thi. Bởi lẽ đó, nhiều phụ huynh hướng con theo thành tích tại các cuộc thi nhỏ lớn khác nhau, từ văn hóa đến môn năng khiếu. Đến khi con mệt nhoài, mất nhiều thời gian, phụ huynh nhận ra rằng việc con sống đúng với lứa tuổi là điều quan trọng hơn. Không phủ nhận, việc con trẻ tham gia các cuộc thi văn hóa hay phát triển khả năng ở các môn năng khiếu là cách tốt nhất nhằm định vị năng lực, khả năng tư duy giữa số đông. Tuy nhiên, việc con tham gia cuộc cuộc thi sẽ dành nhiều thời gian cho việc luyện tập. Lẽ đó, con mất đi cơ hội giao lưu với bạn bè, không có thời gian cho sở thích cá nhân, gia đình hoặc các hoạt động vui chơi giải trí khác.

Thiết nghĩ, phụ huynh cần hiểu và gần gũi hơn với con, không nên đặt nặng thành tích qua cuộc thi thố, hãy để con trẻ được phát triển năng lực đúng với sở thích, nhu cầu, đó là điều tốt nhất. Bởi không thước đo nào phân định việc con trẻ tham gia cuộc thi này sẽ giỏi hơn cuộc thi khác. Đồng thời, phụ huynh cần dung hòa giữa kiến thức trên sách vở và đời sống thực tại, đó là hành trang vô giá giúp con vững bước trên chặng đường tương lai.

HUỲNH VŨ

.