Đà Nẵng cuối tuần

Tổ chim sau bóng khế

14:25, 21/09/2024 (GMT+7)

Khu chung cư im ắng, buổi ban trưa mọi người tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị đi làm giờ chiều. Gió cũng thổi nhè nhẹ thôi, vậy mà từ đâu những tiếng phành phạch lớn xuất hiện khiến Quỳnh giật mình. Bồ câu, là bồ câu. Đôi bồ câu mập mạp, nãy giờ bay dò từ nóc dãy chung cư bên kia. Rồi chúng tung cánh đáp sang bên này, trên mái che nhà hàng xóm Quỳnh. Đôi bồ câu thận trọng, mãi mới chịu đáp xuống sân.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thấy chúng, bầy chim sẻ đang mê mải mổ gạo vội vã bay tung lên như ai thảy một mớ hoa nâu lên không trung. Chỉ có vài chú chim cu bạo dạn ở lại, cũng tránh ra xa chút, chầm chậm mổ gạo vương rìa.

Quỳnh trìu mến nhìn đôi bồ câu, đôi tay cô bất động, cô cũng không nhớ mình đang làm gì. Mọi chuyện để sau cũng được. Giữa thành phố chật chội, nhất là khu chung cư ít cây cối này, có chim chóc khiến người ta thấy lòng mình mềm mại hơn. Lại còn là chim bồ câu. Biểu tượng hòa bình đó. Chúng càng khiến người ta muốn ngắm nghía, và khiến người ta thấy đôi mày mình giãn ra.

Mấy hôm sau có thêm vài con bồ câu tìm đến. Những con chim ngây ngô chưa biết cách bay vào mảnh sân có rào khóa kín như đôi câu kia. Một con ốm và nhỏ, chui tọt vừa chắn song hàng rào, vui vẻ tới mổ gạo. Con còn lại thấy bạn được ăn quýnh quáng lên, cố sức chui theo con đường của bạn nhưng không vừa nổi. Vậy mới nói, đâu phải thấy người khác làm gì mình bắt chước làm theo là được đâu. Phải lượng sức mình - Quỳnh không nhớ ai đó đã nói với cô câu này, nhiều lần. Cho đến khi đôi chim câu xuất hiện, đáp nhẹ nhàng từ nóc bên kia sang mái bên này rồi đảo tròn xuống sân, con chim ban nãy mới học được đường vào phù hợp.

- Mấy con chim dễ thương quá bác ha! - Lúc đưa mắt sang bên, xuyên qua rào chắn giữa hai nhà, Quỳnh thấy bác hàng xóm cũng đang đứng nhìn đám bồ câu.

Bác đưa ngón tay lên môi làm động tác suỵt khẽ khiến Quỳnh ngại ngùng. Chọn tông giọng vừa đủ nghe mà không làm chim giật mình, bác thủ thỉ:

- Mấy con này hay ăn ở khu sau. Chỗ đó cây cối nhiều mà sân thì thoáng, ông Phú cũng rải gạo cho chim nhiều. Hy vọng tụi này khoái sân bác rồi ghé hoài. - Bác cười, rạng rỡ như người vừa hạ đá khỏi vai, vừa như đứa trẻ hồi hộp mở gói quà sinh nhật - Mặc dù tụi nó ăn gấp mấy lần đám chim sẻ, chim cu!

Quỳnh khẽ cười theo. Cô cũng mong đám bồ câu sẽ ghé thăm hoài. Có chúng, bầu không khí như sinh động thêm. Giống cái lúc cây trà đỏ bạn cô tặng nở bông lứa đầu. Cảm giác ấy khó diễn tả lắm.

Hy vọng bồ câu sẽ ghé thường xuyên. Hy vọng vậy.

Quỳnh chạm mắt anh ở cổng nhà. Anh gật đầu chào cô, vội đi như khi đến. Cánh cửa cổng còn mở toang, chắc anh biết cô sẽ về sớm nên chừa sẵn. Cánh cửa mà khi nãy còn khóa kín khiến con trai Quỳnh bối rối.

Quỳnh dẫn xe vào sân, chầm chậm khóa cổng. Cô lắc lắc đầu, xua đi đôi mắt điềm nhiên của anh. Cũng không có gì để nghĩ ngợi nhiều. Thằng Thiên con trai Quỳnh bỏ quên chìa khóa cổng trong nhà, nó gọi anh cầu cứu. Nhìn chiếc thang còn dựng bên rào, mấy chậu cây xô đổ, cô biết chuyện xảy ra như thế nào.

Hẳn là Thiên đã gọi cho anh. Anh qua bác hàng xóm mượn thang, leo rào để mở cửa lấy chìa khóa cổng. Chìa khóa cổng của anh đâu? À, anh đã trả lại cho Quỳnh rồi. Anh không xuyên qua rào như con bồ câu trắng nọ được. Anh phải bay đường vòng bằng thang, đáp xuống, rồi lại bay đi…

- Con qua đem thang cất cho bác hàng xóm nha mẹ! - Thiên đi ngang qua Quỳnh, gương mặt còn ướt đẫm mồ hôi.

- Ừ con đi đi. - Cô gật đầu, nhưng rồi cô bước nhanh đến níu vai con - Thôi con mượn bác cái thang đem qua nhà mình luôn nha, mẹ cần dùng.

Dù chưa hiểu ý muốn của mẹ, Thiên vẫn ngoan ngoãn dạ ran.

Quỳnh chẳng hiểu sao đôi má lại nóng bừng. Cô đoán nó đang ửng đỏ. Cảm giác cứ như lần đầu cô tự tay làm quà tặng một người quan trọng.

Không có gì đâu, tổ chim thôi mà - Quỳnh tự nói với mình. Là một tổ chim thôi, bằng gỗ có ba cửa ra vào, cô nhờ nhân viên lắp dưới mái hiên, phía sau bóng cây khế kiểng. Cô nghĩ chỗ đó vừa mát mẻ vừa an toàn, cây khế che bớt nắng mưa và những ánh nhìn tò mò. Với cái tổ này, cô mong những con bồ câu sẽ ghé thường hơn. Chúng chỉ cần mổ gạo bên sân cạnh kề, rồi qua tổ bên đây nghỉ ngơi. Với những con chim, không phải như vậy là đủ rồi sao.

Quỳnh hồi hộp chờ ai đó phát hiện cái tổ chim. Không biết có ai cười không. Chim chẳng phải của cô, cô cũng không phải người cho ăn, cô chỉ muốn giữ chúng ở lại. Những con bồ câu có lẽ không hiểu điều đó. Chúng ít tới hơn. Chúng đã nhận ra cái tổ chưa, hay chúng rời đi trước khi kịp thấy.

- Mấy nay mưa nhiều, bồ câu không đáp con ha. Làm như tụi nó ngại mưa, hễ thấy trời chuyển đen là mất tích. Bác hàng xóm như biết suy nghĩ của Quỳnh, bác thủng thẳng trả lời.

Có lẽ vậy. Quỳnh nhớ đọc đâu đó, bồ câu định hướng bằng mùi và mặt trời. Mây mưa khiến chúng dễ lạc lối. Hay đơn giản chúng chỉ trở về nhà thôi. Mảnh sân này chỉ là chỗ ghé tạm.

- Mà dạo này bác không thấy thằng Nghĩa? - Bác hàng xóm hỏi, giọng bác thật sự quan tâm chứ không phải tọc mạch. Phần ấm áp trong giọng bác như ngầm hỏi “có chuyện gì không ổn sao con”.

-  Dạ, ảnh bận nên đi công tác hoài thôi bác, mới thăng chức mà! - Quỳnh cố cười.

Cô làm như mình còn việc bận, nhanh chóng lui vào khép cửa. Xuyên qua kính cửa, cô nhìn ra chỗ tổ chim. Ở vị trí này, cái tổ trống không bị những cành khế che lấp mất chỉ còn một cửa. Điều đó càng khiến cô cảm thấy xót xa hơn. Giá mà đôi chim câu chịu ở lại.

Thuận, con gái lớn của Quỳnh về nhà. Nó đi học xa, hễ tranh thủ được nghỉ là về. Lần này, nó ít nói, không lăng xăng cười đùa như trước. Chắc nó nhận ra không khí gia đình là lạ. Phần lớn thời gian nó ra sân chơi với con mèo hàng xóm. Nó kiếm đâu ra cái cần câu mèo, hai đứa chơi đùa hí hửng cả buổi. Đầu cần câu có cái lục lạc và lông vũ, mỗi lần Thu vung vẩy con mèo lại chạy theo chụp bắt. Nhìn vui mắt, nghe vui tai.

Con mèo ấy không phải của bác hàng xóm. Nó thuộc về chủ căn chung cư dãy đầu. Nhưng nó thích ở bên này hơn. Mỗi ngày, từ sáng khi cửa nhà nó mở, con mèo thoăn thoắt chạy qua nhà bác ấy nằm chờ sẵn. Có lẽ nó mến vì bác hay cho ăn. Thêm Thu nữa nó càng quấn quít. Con mèo còn nhỏ xíu, mê ăn mê chơi, ở đây phải là chăng thiên đường của nó. Con người cũng vậy thôi, ai chẳng muốn ăn no và có người bên cạnh vui cùng. Có chăng người ta bị cuốn vào những mục đích vụn vặt khác, để rồi quên đi những hạnh phúc đơn giản.

- Hay là con đừng chơi với con mèo nữa! - Quỳnh nói khi đang ngồi nhìn con gái vẽ.

Thuận tròn mắt nhìn cô. Đôi mắt nó chen lẫn uất ức và khó hiểu. Quỳnh không biết phải nói sao. Cô đành kể những gì cô nghĩ. Chuyện là dạo này cô coi mấy video ngắn trên mạng, họ nói chó mèo hoang nguy hiểm lắm, truyền đủ thứ bệnh. Biết đâu…

- Nó có phải là mèo hoang đâu mẹ! Mẹ tin mấy cái video đó quá thành ra cái gì mẹ cũng sợ.

Thu gom cọ và màu, cuốn giấy lại không vẽ nữa. Chợt nó ngừng tay, ngẩng lên nhìn Quỳnh với đôi mắt ứa nước.

- Mẹ còn giấu điều gì nữa phải không?

Quỳnh giật thót. Phải rồi, cô chưa nói hết. Cô đã thấy con mèo rình mấy con chim sẻ. Nó còn rình bồ câu nữa. Dù con mèo vụng về, nhưng biết đâu được vì nó mà những con chim sợ hãi không đáp xuống mấy nay.

- Người ghét chó mèo là ba, đâu phải mẹ! - Thu bỏ vào phòng, nói mà không ngoái lại.

Quỳnh chẩng hẩng, ngồi im như cái cây mùa rụng lá. Vài sợi tóc bay bay, dạo này cô rụng tóc nhiều.

Nhìn ra sân, con mèo nhỏ nằm cuộn tròn trong chiếc hộp không, chờ người ra chơi cùng. Đôi mắt nó khép hờ, thi thoảng mở to rồi díu lại, như đang chống chọi cơn buồn ngủ. Mặc kệ bầy chim gần đó chíu chít, mặt nó hướng vào nhà, chờ Thu ra chơi với cái cần câu lông vũ kêu leng keng.

Quỳnh thấy con mèo cũng giống mình.

Bác hàng xóm qua mượn lại cái thang để cắt bớt nhánh xoài. Sân bác rợp mát nhờ hai cây lớn: xoài mọc cạnh rào Quỳnh và cây si bên đối diện. Cũng cần tỉa luôn cây si, bác nói.

- Mình nhìn từ dưới này lên thấy bầu trời rộng lớn, chứ đám chim chóc nhìn xuống thấy mảnh sân này hẹp hòi. Nhất là bồ câu, sải cánh rộng, tụi nó ngại đáp xuống. Bác tỉa bớt, trống trải là tụi nó lại về cho coi!

- Bác cười cảm ơn khi Quỳnh kêu con trai ra phụ thu gom cành lá.

Những tán cây co lại, mảnh sân nhiều nắng hơn. Con mèo nhỏ vươn vai nằm ườn tắm nắng, mặc kệ tụi chim sẻ mổ gạo lích chích. Nó như cười thầm với Quỳnh, tôi đây no đủ mà thèm lũ chim ấy. Suy nghĩ đó làm cô bật cười, cô cười thầm lại nó, cái tướng mày vụng về gần chết chắc bắt nổi chim. Quỳnh buột miệng cười thành tiếng. Thu đứng gần trợn mắt nhìn cô khó hiểu. Quỳnh vội tránh đi, thấy gò má lại nóng lên.

Bồ câu tới thật. Không gian rộng rãi đã cho chúng đường đi mới. Chỉ cần đáp ngoài cổng thám thính, vút qua rào là vô sân gọn gàng. Có điều chúng vẫn không đếm xỉa gì cái tổ chim.

Quỳnh thử đứng ngoài cổng hàng xóm nhìn vô, đám lá khế ken dày không thấy nổi cái tổ. Chà, có khi cô cũng cần tỉa bớt chúng. Như tỉa những suy nghĩ rối rắm của mình.

Mượn thang bác hàng xóm, cô bắt tay vô tỉa luôn mấy cành khế. Lần đầu tiên cô làm việc leo trèo kiểu này. Khó quá. Cái thang lắc lư, may là Thu chạy ra vịn kịp. Từng cành từng cành được đôi tay run run của Quỳnh cắt xuống.

Khi đó, bác hàng xóm mới thấy cái tổ chim, lúc đứng cạnh bờ rào. Nhện đã kịp giăng tơ lên nó.

Bác bật cười giòn giã, chỉ vào cái tổ:

- Con làm nhà cho bồ câu hả? Nhỏ quá con ơi. Con bồ câu lớn mà. Cỡ đó chỉ vừa chim cu.

Thì chim cu cũng được, Quỳnh lúng búng tự bào chữa trong lòng.

Bác lại nói, chim cu thì không thích tổ trên cao, nên mới kêu là cu đất.

Vậy à, Quỳnh không biết. Cô thấy bàn tay mình mất cảm giác. Mọi thứ mất cảm giác. Cô chỉ nghĩ về cái tổ trống không. Hóa ra ý tốt chưa chắc đã được cần đến. Mình bao đồng quá rồi. Chắc phải dẹp nó đi.

Lảo đảo leo xuống thang, Quỳnh kêu Thu chạy vào lấy mấy viên thuốc nhức đầu. Khi bóng con nhỏ vụt đi, như chờ có vậy, bác hàng xóm cất tiếng nhanh:

- Mấy đứa nhỏ lo cho con lắm. Thi thoảng cứ tâm sự thẳng thắn với tụi nó. Coi vậy chớ con nít bây giờ cũng muốn được tôn trọng, được tham gia ý kiến. Tụi nó cũng biết nghĩ lắm chớ bộ.

Quỳnh nghe tiếng bác hàng xóm gọi giật. Cô hớt hải chạy ra. Bác chỉ về phía cái tổ. Quỳnh tái mặt, cô nghĩ hay là thấy tổ trống rắn bò vô làm nhà.

Nhưng không, một loài khác. Đôi sóc hoang đang chuyền cành khế mang những hạt dại vào tổ, hệt như người ta chuyển nhà mới. Như cái hồi Quỳnh cùng Nghĩa dọn về đi, mừng quýnh khi có cái tổ riêng hạnh phúc.

Nhìn đôi sóc quấn quít nhau, trái tim Quỳnh thổn thức. Ban đầu, nó co lại vì ký ức, sau đó chảy thành nước mắt. Sau đó là cảm giác ấm áp từ hai bàn tay chảy lên. Thu với Thiên, không biết từ khi nào, bước tới nắm lấy tay cô. Đôi mắt tụi nhỏ chăm chú nhìn đôi sóc trong căn nhà mới, ánh lên niềm vui.

- Thu, Thiên, mẹ có chuyện muốn nói với hai đứa - Hít một hơi thật sâu, Quỳnh nghĩ đã đến lúc rồi.

- Mọi chuyện ổn chứ con? - Bác hàng xóm rót trà ra ly, đặt xuống trước mặt Quỳnh.

-  Con cảm ơn - Quỳnh hớp một ngụm trà ấm, lòng dạ dịu êm - Hóa ra chuyện không tệ như con nghĩ, bác ơi.

Quỳnh đã mệt mỏi với những nỗi lo đến từ suy nghĩ của mình. Cô nghĩ đến mọi tình huống tệ nhất. Cô không biết phải nói sao cho tụi nhỏ hiểu chuyện của người lớn. Rằng Quỳnh và Nghĩa đã ly thân lâu rồi, sắp tới sẽ tiến hành thủ tục ly dị.

Cô đã nghĩ mọi chuyện sẽ khủng khiếp lắm. Nhưng không. Tụi nhỏ đón nhận tin ấy rất bình tĩnh. Hai đứa còn cười nữa, chúng thở phào khi nói, cuối cùng mẹ cũng chịu kể với tụi con. Hóa ra hai đứa biết từ lâu rồi. Không thể nào không biết. Chúng tôn trọng quyết định của người lớn. Chúng vui khi được tôn trọng - được nghe sự thật - thay vì bị giấu giếm. Ba mẹ con ôm nhau thật chặt, cùng cảm ơn nhau. Gia đình Quỳnh vẫn ở cạnh nhau, trên một hành trình mới.

- Con để cái tổ cho sóc ở - Quỳnh nói khi nghe tiếng bồ câu đập cánh - Còn những con bồ câu, chúng nên tự do, phải không bác?

Bác hàng xóm không nói gì. Cả bác và Quỳnh nhìn ra khoảng sân yên bình, nơi có mấy con chim tranh nhau mổ gạo. Ở sân nhà, hai đứa con cô đang chơi với mèo. Tiếng lục lạc kêu nghe vui tai quá.

PHÁT DƯƠNG

.