Đà Nẵng cuối tuần

Trần Quế Sơn với những ca khúc "dâng người"

14:13, 21/09/2024 (GMT+7)

Sự bình dị, chân chất của nhạc sĩ Trần Quế Sơn như bị “bóc trần” qua cách anh đặt tên cho những liveshow ca khúc của mình. Đó là “Tình quê”, “Thôn nữ”, “Cõi quê”, hay sắp tới đây là liveshow “Nhạc dâng người”, dự kiến diễn ra đêm 30-9 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bởi như anh nói, mục đích âm nhạc Trần Quế Sơn là hy vọng có thể giúp ích cho người, cho đời và đó là mục đích duy nhất, xuyên suốt qua nhiều năm.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn.Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Ảnh: NVCC

* Tính nhất quán trong sáng tác ca khúc của Trần Quế Sơn là gì?

- Là cảm xúc chân thành và những “đức” trong văn học như bình dị, hàm xúc, sáng sủa, tế nhị, trong sáng… Nếu để ý, khán giả có thể nhận ra phần lớn ca khúc của tôi phảng phất chất liệu dân ca Việt Nam nhưng mỗi bài là một hình thái thể hiện khác nhau, từ giai điệu, câu chữ đến cách diễn đạt. Ngoài ra, đó còn là đề tài phong phú, tôi hay nghĩ ra các ca từ mới lạ, nhiều ẩn ngữ.

* Chọn chất liệu dân ca cho phần lớn tác phẩm, anh không sợ bản thân đi vào lối mòn?

- Dân ca là gốc rễ của âm nhạc Việt Nam. Tôi luôn muốn đưa chất liệu ấy vào âm nhạc để người nghe cảm nhận được bản sắc dân tộc, hồn quê. Mỗi vùng miền có làn điệu dân ca đặc trưng, như hò Quảng, lý Huế, hát xoan Phú Thọ… Mỗi giai điệu ấy đều mang một câu chuyện riêng, cảm xúc riêng, và khi tôi kết hợp với các yếu tố hiện đại, nó trở thành cái gì đó vừa thân quen, vừa mới mẻ.

* Rất hiếm nhạc sĩ sáng tác hơn 20 ca khúc về quê hương mình, riêng anh thì khác với rất nhiều ca khúc về Quảng Nam, vì sao?

- Quảng Nam không chỉ là quê hương, mà còn là nguồn cảm hứng trong sáng tác của tôi. Vùng đất này có vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và chất chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Khi tôi viết về Quảng Nam, tôi luôn gửi gắm vào đó tình cảm và những kỷ niệm cá nhân. Mọi người có thể cảm nhận được điều đó qua ca khúc: Tình quê, Dùi chiêng, Yêu cái mặn mà, Khúc tự tình phố núi, Em cõng gùi giữa mây, Tình ca Hội An, Hương sắc Hội An, Quế Sơn của tôi ơi, Anh nghe họ nói, Tình ca Cơ tu…

* Trong liveshow “Nhạc dâng người”, Quảng Nam sẽ xuất hiện như thế nào?

- Quảng Nam không chỉ xuất hiện qua ca khúc, mà còn qua không khí, tinh thần dẫn chuyện của Trần Quế Sơn. Tôi muốn khán giả, dù đến từ đâu, cũng có thể cảm nhận sự gần gũi, ấm áp và tình cảm chân thành mà tôi gửi gắm.“Yêu cái mặn mà”, “Khúc tự tình phố núi”, “Dùi chiêng” sẽ là những bản nhạc không thể thiếu, và sẽ trình diễn một số ca khúc mới, mang đến những góc nhìn khác, sâu lắng và mới mẻ hơn về nhiều đề tài đến khán giả cả nước.

* Anh có thể “bật mí” đó là ca khúc gì không?

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Tôi xin nợ Đà Nẵng vài ca khúc
“Tôi đã sáng tác 2 ca khúc về Đà Nẵng là “Chào Đà Nẵng”, “Sắc hương thành phố”, được ca sĩ Trọng Tấn và Tấn Minh thể hiện. Ca khúc “Chào Đà Nẵng” hiện được các ca sĩ Nhà hát Trưng Vương dùng biểu diễn đồng ca tại các sự kiện, lễ hội lớn. Còn ca khúc “Sắc hương thành phố” được nhạc sĩ Đỗ Bảo hòa âm điệu bossa khá lạ lẫm để Tấn Minh hát nhưng tôi chưa phổ biến mạnh trên truyền thông. Là người không chấp nhận một sáng tác hời hợt hay chạy theo số lượng, tôi xin nợ Đà Nẵng vài ca khúc và sẽ sáng tác sớm”.                                      

Chỉ khi nào tôi cảm thấy tác phẩm đủ chín, mới mang nó lên sân khấu. “Màu hoa sơ ngộ” là trường hợp như vậy. Bài hát giàu tình yêu thương và tình người chân thành, kể về một du khách vô tình gặp ánh mắt buồn hoang vắng của người sơn nữ, được tôi sáng tác 8 năm trước nhưng nay mới ra mắt khán giả. Tôi gọi cuộc gặp đó là “duyên”, cuộc gặp không hẹn trước, không mục đích, tình cảm nguyên sơ và thuần khiết như vẻ đẹp của người con gái vùng cao mà tôi gọi là màu hoa.

* Có vẻ anh khá chăm chút câu từ và triết lý nhân sinh?

- “Đúng vậy, tôi luôn coi trọng câu từ trong sáng tác của mình. Mỗi từ ngữ đều mang nhiều ý nghĩa, bởi tôi hy vọng qua câu hát, người nghe cảm nhận được giai điệu và thông điệp tôi gửi gắm. Tôi tin âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn là phương tiện truyền tải triết lý nhân sinh, những giá trị nhân văn sâu xa.
Trong sáng tác, tôi thường đặt tình cảm con người vào trung tâm. Đó có thể là nỗi niềm của người nông dân, là nỗi nhớ, là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, hay những cảm xúc rất đời thường. Tôi hướng đến sự tinh tế, giản dị nhưng có chiều sâu. Điều ấy cũng phản ánh quan niệm sống của tôi: âm nhạc là để dâng hiến, để truyền yêu thương và để lại dấu ấn lâu dài trong lòng người nghe.

* Anh nói triết lý nhân sinh làm tôi liên tưởng đến sự kết nối giữa âm nhạc Trần Quế Sơn với thơ Bùi Giáng, đó có phải là “duyên”?

- Đúng là “duyên” thật. Cái “duyên” đó bắt nguồn từ thầy Thọ, người đã tặng tôi hai tập thơ “Mưa nguồn” “Đêm ngắm trăng” của thi sĩ Bùi Giáng năm 1997. Lúc đó tôi 25 tuổi, còn khá trẻ nhưng không hiểu sao đọc Bùi Giáng là tôi cảm và bị cuốn vào ngay. Đó cũng là lý do tôi sáng tác liên tiếp trên 10 bài hát phổ thơ Bùi Giáng chỉ trong một tuần - được xem kỷ lục với tôi khi đó. Bài hát đầu tiên tôi phổ thơ Bùi Giáng đó là bài “Gót son lấp vùi” phổ từ bài thơ “Em đi” của ông, năm 1997.

* Với anh, đề tài nào trong sáng tác là khó?

- Dễ nhất là ca khúc về tình yêu. Khó hơn là quê hương, đất nước. Và khó hơn nữa là sáng tác có nội dung văn học, triết học. Vì muốn sử dụng ca từ triết học đòi hỏi tôi phải đọc nhiều, chiêm nghiệm nhiều.Và để sử dụng được nó thì người nhạc sĩ phải hiểu, phải cảm, phải nhìn thấu ngôn từ. Như để viết được câu “Chỉ là những phút giây đến vĩnh hằng” trong ca khúc “Anh ngồi nghe mưa”, tôi phải đọc Kinh Kim Cương Lão Trang, tư tưởng Baruch Spinoza để tìm hiểu chữ vĩnh hằng (đạo). Bạn có thể nghe bài hát này để hiểu hơn vì sao tôi dùng câu hát này trong liveshow “Nhạc dâng người”.

* Anh chọn cuộc sống không vợ, không con, có phải muốn dành toàn bộ thời gian cho âm nhạc?

Tôi luôn hy vọng âm nhạc của mình giúp cho mọi người thêm yêu quê, yêu người và nhân từ, độ lượng hơn. Đó là giá trị âm nhạc mà tôi hướng đến và muốn dành thời gian cho nó. Ví như từ nay đến 30-9, ngoài chuẩn bị đêm nhạc “Nhạc dâng người”, tôi sẽ ra mắt 6 MV ca nhạc: Cõng mẹ đi chơi, Anh ngồi nghe mưa, Con rùa, Anh lặn vào trong em, Tình quê, Khi một mình. Tôi muốn mời quý bạn xem liveshow livestream trực tiếp trên kênh Youtube Trần Quế Sơn lúc 20 giờ, ngày 30-9-2024.

* Quê ở Quảng Nam, trưởng thành ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại chọn Đà Nẵng làm nơi chốn đi về hơn 10 năm qua, điều gì tại thành phố này khiến anh muốn gắn bó?

- Tôi yêu Đà Nẵng bởi sự giản dị nhưng hiện đại, yên bình nhưng không buồn tẻ. Hơn 10 năm gắn bó, tôi cảm thấy đây là nơi lý tưởng để tôi tĩnh tâm, tập trung sáng tác và theo đuổi con đường âm nhạc. Đây cũng là nơi tôi có thể dung hòa giữa cuộc sống và nghệ thuật. Tôi đi nhiều nơi, nhưng cảm giác bình yên khi ở Đà Nẵng là điều khó tìm thấy ở bất kỳ thành phố nào khác. Nhiều người bạn Việt kiều của tôi nói: “Đi bốn biển năm châu, chỉ có Đà Nẵng là thành phố họ thích định cư nhất vì nơi đây hội gần đủ những điều đáng để sống”.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

TIỂU YẾN

.