Đà Nẵng cuối tuần

Củi hứa hôn của người Ve

16:47, 04/10/2024 (GMT+7)

Hiện nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, lễ ăn cưới có thể linh đình hơn xưa nhưng người Ve vẫn lưu giữ phong tục củi hứa hôn như là thông điệp tình yêu vô giá trong lễ cưới mà không có sính lễ nào có thể thay được.

Nhà gái lên rừng chặt củi hứa hôn (ảnh trái) và nghi thức lễ cưới tại nhà trai. Ảnh: A.T
Nhà gái lên rừng chặt củi hứa hôn (ảnh trái) và nghi thức lễ cưới tại nhà trai. Ảnh: A.T

Người Ve là bộ phận quan trọng cấu thành dân tộc Giẻ-Triêng, cư trú tập trung tại địa bàn miền núi hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trải qua thời gian, người Ve đã sáng tạo nên một nền văn hóa đặc sắc với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Một trong những phong tục đặc sắc đó là lễ cưới với nhiều nghi lễ độc đáo, riêng biệt.

Trước đây, theo tục lệ các cô gái người Ve phải chuẩn bị từ 100 đến 300 bó củi để làm của hồi môn khi về nhà chồng nhưng hiện nay nhà gái chỉ cần chuẩn bị 10 đến 15 bó củi tượng trưng để cô gái cõng về nhà chồng trong ngày cưới. Việc làm này được đưa vào nội dung hương ước của buôn làng, qua đó vừa giữ được tập tục văn hóa của dân tộc, vừa bảo đảm không chặt củi phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cây rừng…

Thông thường, đôi trai gái người Ve yêu nhau luôn được bố mẹ chấp thuận. Sau thời gian tìm hiểu khoảng một tháng, nếu đôi trai gái ưng thuận nhau thì hai bên gia đình sẽ chuẩn bị lễ cưới mà không tiết lộ cho người ngoài biết. Họ quan niệm lễ cưới được tổ chức càng bất ngờ bao nhiêu thì sau đó cuộc hôn nhân càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Già làng Hiên Hôn (người dân tộc Ve, 62 tuổi, ở thôn 56A, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Khi trai gái người Ve cảm mến nhau qua những điệu hát đối đáp thì nhà trai, nhà gái mới bắt đầu gặp mặt để lo cưới hỏi cho đôi lứa. Nhưng trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì có các nghi lễ phụ khác như: lễ đính hôn, lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng... Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái người Ve thường được diễn ra vào tháng Mười và tháng Mười Một hằng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, lương thực thực phẩm đủ đầy, người dân trong làng nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi”.

Tục cưới xin của người Ve chứa đựng những sự độc đáo và khác biệt so với các dân tộc khác, đặc biệt là những bó củi hứa hôn. Khi bước qua tuổi 15, các cô gái bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi hứa hôn để đủ điều kiện lấy chồng. Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho con gái cách nhận biết và sắp xếp bó củi hứa hôn sao cho đẹp và gọn gàng. Loại củi được người Ve chuộng nhất đó là cây xà nu (vì dễ bắt lửa) và cây dẻ (vì lâu tàn). Người Ve cho rằng, chỉ cần quan sát bó củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về.

Sáng ngày diễn ra lễ cưới, họ hàng nhà gái cõng củi sang nhà trai do cô dâu dẫn đầu. Số lượng củi nhiều hay ít tùy theo số lượng người thân bên nhà chồng. Củi được nhà chồng chia cho người thân thích trong họ, giữ lại một phần để khi nào nhà có việc mới đem ra chụm lửa, nhóm bếp. Chuyển củi xong, đôi trai gái cùng bố mẹ, họ hàng vào trong nhà đã có sẵn rượu, lợn, gà, gùi đựng đồ… để làm lễ, do người mai mối điều hành.

Lợn bên nhà trai do nhà gái chọc tiết. Họ hàng có mặt, người đứng sau đặt tay lên lưng áo người chọc tiết lợn, cứ vậy, người sau đặt tay lên áo người trước nối thành hàng dài để cùng cầu nguyện cho đôi vợ chồng trẻ và chính bản thân mình được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ… Sau đó, nhà trai làm thịt lợn nấu nướng cùng các loại thực phẩm khác, rồi đem rượu, cơm lam ra cùng ăn uống.

Sau khi ăn uống xong, ngoài việc nhà trai đem tặng nhà gái một đùi sau của con lợn, gạo, muối, ớt, bầu rượu… Tất cả được bỏ vào gùi để nhà gái mang về. Người mai mối lại làm tiếp chủ lễ Tặng lễ vật. Đôi trai gái cùng bố mẹ đứng trước cái gùi đựng trang phục đã được cô gái chuẩn bị trước, họ hàng nhà gái lấy ra một chiếc váy đẹp nhất cho cô dâu mặc, sau đó mọi người lấy rượu trong ghè ra ống hoặc vỏ bầu mời nhau bằng lời hát, mời qua mời lại.

Nhà trai sẽ chuẩn bị những thứ như: gùi, cuốc, rìu, rựa, ná… trước khi mang những thứ đó sang nhà gái. Người cha căn dặn chú rể từ cách mài rựa cho sắc, cách lên dây ná cho căng… để chú rể sẵn sàng cho cuộc sống tự lập. Sau khi nghỉ một ngày, họ hàng nhà trai cùng những người mai mối sang nhà gái, mọi lễ thức lại diễn ra như bên nhà trai. Nhà trai chọc tiết lợn bên nhà gái… mọi người lại ăn uống, hát đối đáp giao duyên chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bền lâu. Cứ như thế cuộc vui kéo dài tới chiều tối thì chiêng trống nổi lên.

Khi âm vang của tiếng trống chiêng trầm hùng và tiếng kèn Đinh tút réo rắt vang vọng khắp núi rừng thì cô dâu chú rể cùng những chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống đứng thành vòng tròn bắt đầu nhảy múa những điệu múa truyền thống của người Ve. Khi rượu cần đủ ngấm, những bước nhảy ngất ngây trong tiếng trống chiêng, tiếng kèn thì tâm hồn mỗi người tham dự lễ cưới càng thêm cởi mở. Con người, thiên nhiên, đất trời càng xích lại gần nhau, gắn bó với nhau và dường như họ muốn cỏ cây, muông thú, đất trời cùng say chung với mình, cùng vui chung với mình…

Lễ cưới của người Ve là một phong tục tốt đẹp thể hiện sự khác biệt và rõ nét bản sắc văn hóa của tộc người. Hiện nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, lễ ăn cưới có thể linh đình hơn xưa nhưng người Ve vẫn lưu giữ phong tục củi hứa hôn như là thông điệp tình yêu vô giá trong lễ cưới mà không có sính lễ nào có thể thay được.

AN TRƯỜNG

.