Đà Nẵng cuối tuần
Phụ nữ ra khơi trong thế giới phẳng
Trong buổi tọa đàm về kinh tế sông hồi cuối tháng Chín vừa rồi tại Vĩnh Long, trên con tàu neo giữa dòng Cổ Chiên, chúng tôi hơn 60 người đã ngồi lại bàn về câu chuyện phát triển kinh tế dựa trên những con sông khắp dải đất hình chữ S. Lạ kỳ thay, câu chuyện du lịch sông nước gắn với văn hóa vùng miền lại toàn là cánh phụ nữ tham gia sôi nổi. Hầu hết họ đều là những lãnh đạo trong hoạt động du lịch, làng nghề, xưởng thủ công... miệt mài với khao khát giong buồm ra khơi giữa kỷ nguyên số và thế giới phẳng.
Cung cấp các cơ hội đào tạo cũng như mở rộng nâng cao ngành nghề sẽ là chìa khóa giúp phụ nữ định hướng công việc tốt hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão. Ảnh minh họa |
Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi nhưng đã có gần 20 năm làm nghề du lịch bản địa với hệ thống homestay có thể phục vụ 200 khách một lần và đội tàu 40 chiếc dọc ngang sông nước Cửu Long để đưa khách tham quan bất cứ nơi nào khách muốn. Có khi thủy trình nằm trong tour đã định sẵn, cũng có khi phục vụ theo sự ngẫu hứng của du khách. Chị phát biểu đầy tự tin với kinh nghiệm quán xuyến công ty du lịch nhưng vẫn đau đáu về một tương lai của kinh tế sông nếu chỉ lòng vòng câu chuyện văn hóa, bản sắc, thậm chí chợ nổi, cầu tre, ẩm thực quê giờ đây đã khá nhàm chán với khách du lịch nước ngoài.
Hơn nữa tính kết nối của kinh tế chưa thực sự hòa nhập với công nghệ khiến câu chuyện du lịch sông nước chưa lan tỏa đúng giá trị của nó. Khi được trao bó hoa, chị lặng lẽ xin nhường lại cho một người đàn ông khác, một ông chủ công ty du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần trợ giúp chị về công nghệ để phát triển chuyện làm ăn. Chị cười khẽ khàng bảo phụ nữ thích hoa, thích quà, nhưng thích nhất là sự chung tay để ước mơ thành sự thật.
Phụ nữ làm kinh tế, nhất là thời đại số luôn chịu nhiều thua thiệt bởi công nghệ với họ là điều khó tiếp thu và vận dụng thuần thục. Chị lo sợ một ngày nào đó, những phụ nữ như chị sẽ tụt hậu trong cuộc bơi ra biển lớn. Phía sau chị là một vị phó chủ tịch của hiệp hội nghề truyền thống cũng ngồi lặng lẽ. Tôi quan sát thấy hầu hết những nữ lãnh đạo công ty khác cũng gật gù ra chiều đồng thuận.
Đầu tuần rồi, khi ngồi cùng một người bạn vừa về Việt Nam nhân hội thảo phổ cập công nghệ thông minh cho các vùng sâu vùng xa. Bạn làm cho một viện nghiên cứu khoa học xã hội bên Singapore. Tôi mang câu hỏi phụ nữ sẽ chịu tác động ra sao khi công nghệ thông minh đang dần chiếm lĩnh xã hội?
Người bạn trầm tư đôi chút và kể một nghiên cứu mới từ công ty phân tích nguồn nhân lực Revelio Labs, khi AI đã và đang tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong lực lượng lao động, từ nhà biên kịch đến cố vấn tài chính, thì công nghệ này cũng đang “đe dọa” tới phần lớn công việc do phụ nữ đảm nhiệm. Thậm chí việc khó tiếp cận hoặc không giỏi công nghệ cũng sẽ gây ra sự ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của khá nhiều lãnh đạo nữ hoặc nhân viên nữ. Xưa nay ở lĩnh vực công nghệ, đa phần phái mạnh nắm vững hơn, nhưng nay với một thế giới phẳng, phụ nữ nếu không thay đổi, không tiếp cận hoặc không được hướng dẫn áp dụng là một sự thua thiệt rất lớn.
Trí tuệ nhân tạo là AI do con người hình thành và phát triển. Hakki Ozdenoren, chuyên gia kinh tế tại Revelio Labs cho biết: “Sự phân bổ giới tính theo nghề nghiệp từ xưa đến nay phản ánh những thành kiến đã ăn sâu vào xã hội con người - khi phụ nữ bị gò bó trong những vị trí điển hình như trợ lý hành chính hay thư ký. Vì thế, hiện tại, tác động của AI cũng trở nên sai lệch và đi theo lịch sử đó”.
Một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ, Revelio Labs đã xác định một số công việc có nhiều khả năng sẽ bị thay thế bởi AI. Sau đó, họ xem xét sự phân chia giới tính của những công việc này và phát hiện ra rằng nhiều công việc trong số đó thường do phụ nữ đảm nhiệm. Ví dụ như vị trí thu hồi các khoản tiền của hóa đơn quá hạn, nhân viên tính lương hay thư ký điều hành.
Còn theo Bloomberg, AI có khả năng đảm nhận các công việc có tính chất tuần hoàn lặp lại - công việc được nhiều phụ nữ lựa chọn. Mô hình ChatGPT của OpenAI có thể tìm kiếm, đánh giá và tóm tắt khối lượng lớn văn bản một cách nhanh chóng - những nhiệm vụ mà thông thường các trợ lý, thư ký mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Từ trăn trở của một người phụ nữ muốn áp dụng triệt để công nghệ vào câu chuyện làm kinh tế nhưng có quá nhiều điều chưa được phổ cập. Học ở đâu? Chọn lựa áp dụng ra sao? Và làm sao để bảo đảm cánh phụ nữ không bị đứng ngoài rìa của thế giới phẳng đó là một mối lo âu cấp thiết cho chị em. Thiết nghĩ trong tương lai, việc cung cấp các cơ hội đào tạo cũng như mở rộng nâng cao ngành nghề sẽ là chìa khóa giúp phụ nữ định hướng công việc tốt hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão. Bằng cách đó, chúng ta có thể tận dụng tiềm năng của công nghệ đồng thời phát huy tốt nhất các kỹ năng và chuyên môn cao của phụ nữ.
Người bạn tôi trước khi chia tay để về lại Singapore đã nhắn vội tin nhắn: “Phụ nữ Việt Nam rất cần cù, dạy một lần không hiểu thì dạy 5, 10 lần. Khi họ nắm rõ thì lại vận hành chi tiết rất giỏi. Mang công nghệ đến cho họ. Và họ mang hạnh phúc về nhà”.
TỐNG PHƯỚC BẢO