Đà Nẵng cuối tuần

Sách mới, sách hay

20:37, 30/11/2024 (GMT+7)

1. NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Chứng nhân lịch sử" (tập 1), 11-2024, của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Với tình cảm và tâm huyết cho nghề làm báo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nung nấu ý định và bắt tay vào việc viết về chân dung một số nhà báo cách mạng Việt Nam tiêu biểu. "Chứng nhân lịch sử" là tập sách đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng này, trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của tác giả từ những năm 1990 đến nay.

Bằng kinh nghiệm trải đời, trải nghề, sự tâm huyết đối với nghề báo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn khéo léo sáng tạo mỗi bài viết của mình thành một bức ký họa đơn giản về chân dung của các nhà báo thời kỳ đầu của nền báo chí nước nhà. Qua đó “bức tranh” lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng được tái hiện một cách sinh động và đầy lôi cuốn.

Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, “viết về các nhà báo, nhất là những người thuộc các thế hệ tiền bối, là công việc không đơn giản, dễ dàng. Cái khó trước hết là tư liệu, tài liệu, nhất là các bộ sưu tập báo không dễ tìm thấy một cách đầy đủ. Chưa kể, các nhà báo thường sử dụng nhiều bút danh và cộng tác đồng thời với một số tờ báo khác nhau. Khó hơn chính là đánh giá, nhận định về chuyên môn, nghề nghiệp, sự đóng góp của mỗi nhà báo”. Và đúng như tên gọi, cuốn sách sẽ là “chứng nhân” sống mãi với thời gian, là những trang viết hấp dẫn mà bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi nên đọc, không chỉ để biết, để hiểu hơn nghề báo mà còn có thể rút ra những bài học nghề nghiệp, làm giàu có vốn tri thức và quan trọng hơn là truyền đến họ “lửa nghề”, động viên họ bước tiếp trên “cánh đồng chữ nghĩa” đầy nhọc nhằn.

Bạn đọc cả nước, đặc biệt giới báo chí - truyền thông biết đến GS.TS. Tạ Ngọc Tấn với góc độ nhà chính trị, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, và nhà báo kỳ cựu của làng báo chí cách mạng nước ta.

2. “Con thiêng của rừng” (NXB Trẻ, 10-2024) là tác phẩm mới của nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy cảm hứng từ cuộc đời họa sĩ Xu Man. Sách có bối cảnh thập niên 1930, xoay quanh nhân vật chính Siêu Dơng - một cậu bé dân tộc Ba Na. Từ bé, Siêu Dơng chứng kiến cảnh cha mẹ phải làm lụng cho nhà chánh tổng, cả nhà bị đem bán cho tri phủ Môr. Dù bộc lộ năng khiếu hội họa, cậu sớm bị vùi dập tài năng khi làm tôi tớ cho cha con lão Môr. Bước ngoặt là khi Siêu Dơng thấy một "tia sáng chiếu rọi tương lai". Nửa sau, câu chuyện tập trung vào hành trình cậu quyết một lòng đi theo cách mạng.

Cuốn sách dựa trên nhiều nhân vật có thật vào giai đoạn dân tộc chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và tay sai. Nguyên mẫu của Siêu Dơng là họa sĩ Xu Man, sinh năm 1925 tại thị trấn An Khê (Gia Lai). Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông gia nhập lực lượng quân đội, tập kết ra Bắc năm 1954 và được cử đi học văn hóa.

Ông dành thời lượng mô tả chuyển biến trong tâm lý Siêu Dơng. Chàng trai phải đấu tranh nội tâm giữa khao khát được cầm súng đánh giặc và nhiệm vụ đi học trường mỹ thuật, phục vụ đời sống tinh thần của người dân, chiến sĩ. Từ đây, sách gửi gắm thông điệp: Một khi đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời, hãy một lòng một dạ cống hiến đến cùng. Cuốn sách góp phần giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa, lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Trung Trung Đỉnh từng gặp gỡ họa sĩ Xu Man, một nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na, từng được giới văn học nghệ thuật Tây Nguyên gọi là "con thiêng của rừng" và sớm trở thành đôi bạn tâm giao. "Ông là một đốm lửa trong rừng, một nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na, Tây Nguyên nuôi từ thuở lọt lòng... Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cuộc đời", nhà văn nói.

MẪU ĐƠN

.