Đà Nẵng cuối tuần
Tăng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành lịch sử
Hơn 500 sinh viên, giảng viên bộ môn Việt Nam học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tham gia Tuần lễ doanh nghiệp lần thứ 3 mở ra góc nhìn mới trong hoạt động kết nối doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ sinh viên ngành lịch sử tiếp cận thị trường lao động tiềm năng.
Tham gia Tuần lễ doanh nghiệp là dịp để sinh viên ngành lịch sử tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh: H.L |
Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên ngành Việt Nam học, Khoa Lịch sử cho biết, tham gia Tuần lễ doanh nghiệp giúp em hình dung rõ hơn cơ hội việc làm trong tương lai. Cụ thể, sau khi ra trường, em có thể nộp hồ sơ xin việc tại các cơ sở giáo dục, bảo tàng, cơ quan quản lý di tích hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú… Theo Hà, qua hoạt động giao lưu trực tiếp với doanh nghiệp, em nhận ra rằng ngoài kiến thức chuyên ngành thì kỹ năng mềm cộng khả năng ngoại ngữ chính là chìa khóa giúp sinh viên có thể hòa nhập, thích nghi với môi trường làm việc đa dạng, có tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, Hà khá ấn tượng với phần chia sẻ từ các chuyên gia ngành du lịch, văn hóa. “Các diễn giả không chỉ đề cập đến nhu cầu nhân lực đang gia tăng trong các lĩnh vực quản lý di sản, nghiên cứu văn hóa, phát triển du lịch bền vững, mà còn khuyến khích sinh viên tận dụng lợi thế kiến thức chuyên ngành để tạo nên dấu ấn cá nhân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc”, Hà nói.
Tuần lễ doanh nghiệp do Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kết hợp tổ bộ môn Việt Nam học và Liên chi hội Lịch sử tổ chức từ ngày 4 đến 10-11, với nhiều hoạt động bổ ích như hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nghề nghiệp, tham quan, học tập tại doanh nghiệp… cho sinh viên ngành Việt Nam học nói riêng và Khoa Lịch sử nói chung.
TS. Trương Trung Phương, Trưởng khoa Lịch sử cho hay, đây là cơ hội để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với các mô hình hoạt động doanh nghiệp, từ đó có cái nhìn thực tế về môi trường làm việc trong các ngành nghề liên quan. “Những buổi tham quan, học tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên nắm rõ quy trình làm việc, yêu cầu kỹ năng cũng như văn hóa doanh nghiệp, từ đó định hướng tốt hơn con đường nghề nghiệp sau này”, TS. Phương khẳng định.
Sau 3 lần tổ chức, Tuần lễ doanh nghiệp trở thành diễn đàn kết nối sinh viên khoa Lịch sử với nhà tuyển dụng, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận những ứng viên phù hợp nhu cầu phát triển. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lê, Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác quốc tế BES khẳng định kiến thức lịch sử, văn hóa, di sản của sinh viên ngành lịch sử là nền tảng quan trọng thúc đẩy du lịch bền vững và có trách nhiệm. Đồng thời, đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng.
Theo bà Lê, sinh viên ngành lịch sử có khả năng tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Khi kết hợp kiến thức chuyên môn với kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí trong các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hay quản lý các dự án văn hóa liên quan đến du lịch.
TS. Trương Trung Phương khẳng định, với tín hiệu tích cực từ chương trình, khoa Lịch sử sẽ tiếp tục phối hợp doanh nghiệp mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động Tuần lễ doanh nghiệp, giúp sinh viên trang bị kỹ năng thực tế, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong các ngành nghề liên quan đến lịch sử, di sản, văn hóa và du lịch tại địa phương.
HUỲNH LÊ