Đà Nẵng cuối tuần

Trong ngần kỷ niệm khung trời dành riêng hoa sứ và em

15:59, 09/11/2024 (GMT+7)

Gia tài thơ của Mai Thìn qua hơn 30 năm sáng tác đọng trong lòng độc giả, bạn bè cùng trang lứa thời sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 nhiều hơn cả là bài thơ Hoa sứ và em. Nhận định như vậy bởi, bài thơ được nhiều người nhớ nhất, nhận xét là bài thơ hay nhất! Họ nhớ đến, khen rằng hay có lẽ bởi “câu chuyện thơ” trong Hoa sứ và em thuộc về họ, được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ mộc mạc, gần gũi với “kiến văn” sinh viên ngoại ngữ.

Nhà thơ Mai Thìn (tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng) và một số tác phẩm đã xuất bản. Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Mai Thìn (tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng) và một số tác phẩm đã xuất bản. Ảnh: Tư liệu

Tôi không chủ quan với nhận xét như vậy, vì cùng là đồng môn với Mai Văn Thìn (tên thật của nhà thơ Mai Thìn) nên phần nào cảm-hiểu-thấu vẻ đẹp trong ngần trong không gian thơ, hình ảnh thơ; đi qua thời gian, không gian ấy, hình ảnh ấy hằn lên kỷ niệm đẹp một thời mà Hoa sứ và em góp lời nói hộ.
Xin được nhắc nhớ, bối cảnh kinh tế nước nhà nhiệm kỳ đầu công cuộc đổi mới (Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI) rất khó khăn. Cơ sở vật chất ngôi trường mà chúng tôi theo học không được khang trang, trên nền diện tích hẹp nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Tôi nhớ như in “không gian xanh” sân trường ngoài cây điệp vàng đi vào truyện ngắn “Chuyện tình dưới bóng cây điệp vàng” của nhà văn, dịch giả Sơn Thới (tên thật Nguyễn Văn Tâm, sinh viên khoa Tiếng Nga trước chúng tôi) còn có 3 cây hoa đại (hoa sứ) trồng thành hàng trước thư viện trường mở cửa hằng đêm cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Hoa sứ và em của Mai Thìn đã ra đời từ đó.

Sẽ chẳng có gì là thơ cả nếu tác giả kể: "Trước sân trường có hàng cây sứ trắng", vu vơ hỏi: "Chẳng biết tự bao giờ hoa tỏa mùi thơm", rồi khẳng định chức năng sử dụng của hoa: "Cho con gái tết vòng ngày sinh nhật/ Cho con trai quàng cổ hội hóa trang". Nhưng cái lý sự, làm nên thơ được bật lên ở ngay khổ thơ kế tiếp nhờ tác giả nhanh chóng triển khai hàng loạt danh từ, “nâng cấp” chức năng sử dụng của hoa "Vòng nguyệt quế trên vai chàng hiệp sĩ" gắn với tính từ "rung rinh" bổ sung có trạng từ được cách điệu giữa "đấu trường" cùng với tính từ chỉ trạng thái bồng bềnh trong không gian chậm, chùng trôi mọi nẻo tạo nên nét đẹp kiêu hùng mà không kiêu mạn, lãng mạn mà không hề ẻo lợt ở nơi các chàng trai! Trạng thái ấy không hề biến mất trong bối cảnh rất thực, khá phổ biến của nước nhà thời ấy chứ chẳng riêng ngôi trường của chúng tôi "điện tắt" (vì mất điện), "trăng về" (trong thực tiễn và cả trong tâm tưởng) như thể chúng quyện vào nhau, hòa cùng tâm hồn tác giả, cùng nâng đỡ nhau tạo nên sức cảm, sức níu "hương vẫn lang thang" cho người thơ, không gian thơ trở nên trữ tình, lãng mạn và đa cảm.

Hoa sứ và em

Trước sân trường có hàng cây sứ trắng
Chẳng biết tự bao giờ hoa tỏa mùi thơm
Cho con gái tết vòng ngày sinh nhật
Cho con trai quàng cổ hội hóa trang.
Vòng nguyệt quế trên vai chàng hiệp sĩ
Cứ rung rinh năm cánh giữa đấu trường
Còn hương thơm thì bồng bềnh mọi nẻo
Điện tắt, trăng về hương vẫn lang thang.
Cho mây gió cuối trời không ngủ được
Bao nhiêu hương tỏa ngát vô tình
Trong góc nhỏ khoảng trời hương sứ
Hoa trắng biết đâu gợi nhớ thương!
Ca trực đầu ngồi nghe hoa sứ rụng
Cánh hoa rơi lấp loáng ánh trăng vàng
Từng đốm nhỏ đếm thời gian lặng lẽ
Hoa sứ rơi... hoa sứ tỏa mùi thơm.
Ở ngoài kia em lộng lẫy trong đêm
Mái tóc chảy vương đầy hương sứ trắng,
Tôi chẳng biết giữa đêm dài tĩnh lặng
Hoa sứ và em - ai ủ chín vầng trăng.

Mai Thìn rất khéo trong cách dẫn chuyện theo kiểu “đổ vấy” nhằm tránh né sự thật: "điện tắt", "trăng về" cùng trạng thái "hương vẫn lang thang" ấy là chuyện hoàn toàn khách quan, tác động/chi phối tình cảm đến nhiều bạn bè chứ chẳng riêng mình. Nhưng chính anh lại “giấu đầu, thòi đuôi” khi sử dụng biện pháp nhân hóa "mây gió cuối trời không ngủ được", chủ quan áp đặt hiện tượng: hương tỏa ngát vô tình làm cho cái đức “thật thà” rất… thi sĩ hiện ra: "Trong góc nhỏ khoảng trời hương sứ/ Hoa trắng biết đâu gợi nhớ thương!" mới tội nghiệp và dễ thương làm sao!

Có lẽ biết chuyện riêng bị phát hiện, Mai Thìn liền trần tình bối cảnh/hoàn cảnh "Ca trực đầu" (công việc bắt buộc lứa sinh viên chúng tôi ngày ấy) hãy còn rất sớm, nhàn rỗi nên ngồi nghe hoa sứ rụng. Hoạt động ấy chừng như vô tình thôi, an nhiên tự tại với mọi người, nhưng với tác giả lại khác, bởi tâm hồn thơ khác người, nhờ mượn ảnh để gợi tình bằng tính từ lấp loáng bổ túc cho động từ rụng. Mà cái gì rụng? Hoa sứ, cánh hoa sứ. Tự nhiên tôi liên tưởng đến 2 câu của nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". May mà, còn có "lấp loáng ánh trăng vàng" rơi từng "đốm nhỏ" mới đủ sức đo-đếm thời gian theo chuẩn tỏa mùi thơm theo cùng hoa sứ rơi... Mai Thìn “vận công” tài hay bối cảnh động thức tâm hồn?

Mà cần gì phải mượn hình, vay ảnh hay đổ vấy cho hoa sứ trắng, cho hương hoa tỏa hay hoàn cảnh "điện tắt", "trăng về" thuộc về khách quan, chuyện của xã hội, của tự nhiên cũng như trực gác là nhiệm vụ của sinh viên đâu chỉ riêng mình. Khổ thơ cuối, tác giả thật thà tỏ bày khi dùng cụm từ "lộng lẫy trong đêm" để nhận xét về em đã vượt ra ngoài không gian, thời gian, bất chấp ngoại cảnh, hoàn toàn thuộc về thơ, thuộc về người thơ cho hình ảnh thơ thanh thoát, điêu luyện. Và tả, chừng như thực mà ảo, gợi và cảm: "Mái tóc chảy vương đầy hương sứ trắng". Cái sự lẫn lộn ấy thuộc tâm hồn đa cảm, rất tự nhiên không hề chải chuốt, thật dễ thương khi kết thúc bài thơ bằng câu hỏi tu từ: "Hoa sứ và em - ai ủ chín vầng trăng".

Đúng như nhận xét của nhiều bạn bè, bài thơ Hoa sứ và em của Mai Thìn là một truyện thơ nhỏ chứa chan tình yêu thầm kín, ắp đầy kỷ niệm, thuộc về tính võ đoán của tâm hồn. Cũng đúng thôi, ai đời lại đi lý giải chuyện của con tim…

1988  (Rút từ tập thơ “Cổ tích tình yêu” của Mai Thìn, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, 2-1991)

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

.