Đà Nẵng cuối tuần

CHUYỆN TÀU THUYỀN

Bảo vệ nguồn lợi từ biển

20:47, 07/12/2024 (GMT+7)

Bao đời nay, trong tâm thức mỗi ngư dân, biển là ngôi nhà chung, xây đắp giấc mơ về sự no ấm, đủ đầy. Lẽ đó, ngoài vươn khơi mưu sinh phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc, họ dần nâng cao ý thức, hình thành thói quen vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Nhìn nhận rõ lợi ích từ biển nên ngoài mưu sinh phát triển kinh tế, cộng đồng ngư dân luôn dốc lòng với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Nhìn nhận rõ lợi ích từ biển nên ngoài mưu sinh phát triển kinh tế, cộng đồng ngư dân luôn dốc lòng với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Dốc lòng với nhiệm vụ

Dưới ánh chiều tà hoàng hôn cuối ngày, lão ngư Nguyễn Dinh, Tổ trưởng Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (gọi tắt là tổ chức cộng đồng) bày tỏ, gắn bó cả đời với biển, ông cũng như các ngư dân khác sớm nhìn nhận rõ lợi ích từ biển nên ngoài mưu sinh phát triển kinh tế, ông và cộng đồng ngư dân luôn dốc lòng với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có như vậy, về lâu dài, nguồn lợi thủy sản sẽ đa dạng, dồi dào, góp phần duy trì sinh kế cho ngư dân cũng như tạo sự hấp dẫn về hệ sinh thái biển thu hút du khách đến với thành phố.

“Trong đời sống ngư dân, biển là nhà, là quê hương, bảo vệ biển như bảo vệ bản thân nên từ khi tham gia tổ chức cộng đồng, chúng tôi ý thức rõ vai trò rồi từ đó, lan tỏa trách nhiệm bảo vệ biển cho những ngư dân khác. Đôi lúc sóng to gió lớn, thời tiết bất lợi, chúng tôi chặc lưỡi nghỉ đi biển vài bữa nhưng chựng lại với suy nghĩ, nếu ở nhà mà ngoài biển xa có những tình huống cần tổ chức cộng đồng hỗ trợ thì trong lòng lại không yên, nên dù khó đến đâu, chúng tôi vẫn có mặt mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi bảo vệ biển với tinh thần, mọi loài thủy sản dưới đại dương cần có sự cân bằng về chủng loại, số lượng lẫn tuổi đời”, lão ngư Dinh cho biết.

Theo lão ngư Dinh, tổ chức cộng đồng hoạt động từ năm 2008 gồm 28 thành viên chủ yếu là ngư dân địa phương. Phạm vi bảo vệ của tổ chức là vùng biển ven bờ và vòng quanh bán đảo Sơn Trà gồm: Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ 1, 2 - Vũng Đá, Mũi Nghê và Đông Bãi Bắc. Các thành viên vừa đi biển khai thác vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong công tác quản lý nghề cá cũng như bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.

“Hằng ngày, tôi chia tổ chức cộng đồng thành mỗi tổ nhỏ gồm 4 thành viên. Cụ thể, các thành viên có nhiệm vụ quan sát, theo dõi các phương tiện hoạt động trên biển, môi trường nước tại khu vực được giao và thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện không vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Nếu có trường hợp vi phạm như tàu cá có chiều dài 12m trở lên hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ hay tàu cá khai thác gây hủy hoại, tận diệt nguồn lợi thủy sản nhỏ (lờ dây, kéo lưới, xung điện, chất nổ, chất độc, dùng điện công suất lớn)… tổ chức cộng đồng phải báo cáo thông tin cho tổ trưởng và cơ quan chức năng, chính quyền hỗ trợ.

Trong năm 2024, tổ chức cộng đồng phát hiện 5 trường hợp vi phạm khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) và Bộ đội Biên phòng thành phố đã xử lý. Thời gian đến, tổ chức cộng đồng cố gắng phát huy tốt nhiệm vụ cũng như tinh thần đoàn kết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tương lai bền vững”, lão ngư Dinh nói.

Với ngư dân Nguyễn Văn Thu, Tổ trưởng Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), ngoài nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức cộng đồng cùng chính quyền tham gia hỗ trợ ngư dân phòng chống thiên tai, thu gom rác thải trên biển, thả cá giống tái sinh nguồn lợi, thu nhập thông tin, đánh giá hiện trạng nguồn lợi và hiện trạng hoạt động của các phương tiện khai thác thủy sản ven bờ trên địa bàn.

“Là ngư dân, tôi và các thành viên hiểu rõ lợi ích có được từ biển là vô giá. Vì vậy, qua công tác tuyên truyền, số đông ngư dân dần nâng cao ý thức và hình thành thói quen khai thác thủy sản theo quy định nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ngư dân Thu bộc bạch.

Theo Chi cục thủy sản, đến nay, trên địa bàn thành phố xây dựng các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận ven biển Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà với 105 thành viên tham gia. Lực lượng này là cánh tay nối dài cùng chính quyền góp phần phát triển và bảo vệ nguồn lợi bền vững.

Đa dạng giải pháp

Thiếu tá Nguyễn Đình Cường, Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Non Nước cho biết, đồn thường xuyên tổ chức tuần tra độc lập trên biển, khu vực ven biển, ven sông và trên sông Cổ Cò, đồng thời, đồn tuần tra khu vực đài cáp quang, khu vực giáp ranh Đồn Biên phòng Cửa Đại. Thời gian qua, đồn phối hợp Hải đội Biên phòng 2(Bộ đội Biên phòng thành phố), phát hiện 6 tàu cá tỉnh khác hoạt động khai thác hải sản trái tuyến khu vực biển ven bờ thành phố và tổ chức tuyên truyền và vận động người dân giao nộp 10 bộ kích điện, 20m lồng bát quái (dụng cụ bắt tôm, cá) và 9 hộp nhựa đựng dụng cụ kích điện.

“Chúng tôi tổ chức liên hệ trực tiếp 90 lần cho 560 lượt hộ ngư dân có phương tiện khai thác xa bờ, theo dõi phương tiện có nguy cơ cao vi phạm các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, để tuyên truyền các phương tiện luôn chấp hành nghiêm các văn bản quy định về khai thác hải sản. Thông qua báo cáo thực tế, hầu hết, các phương tiện vươn khơi bám biển trên địa bàn đều hoạt động đúng ngành nghề, không vi phạm các quy định về khai thác thủy, hải sản”, Thiếu tá Cường nói.

Để công tác bảo vệ nguồn lợi, khai thác thủy sản hiệu quả, Trung tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà cho hay, hằng năm, đơn vị tổ chức hội nghị ngư dân để tổng kết công tác thông tin liên lạc biển và tuyên truyền kiến thức cho ngư dân trên địa bàn, tuyệt đối nghiêm cấm hành vi khai thác tận diệt, có tính chất hủy hoại các loài thủy sản. Qua đó, người dân đa phần nâng cao nhận thức đúng về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản lâu dài.

Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Lưu Quang Khánh, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi UBND thành phố đề nghị phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản vùng biển ven bờ thành phố Đà Nằng theo chuyên đề”.

Về công tác thực hiện thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chi cục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm tổ chức thả 53.000 con giống nước ngọt tại hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản thông qua hỗ trợ 72.000 giống cá nước ngọt các loại cho 47 hộ nuôi cá trên địa bàn huyện Hòa Vang (các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Châu) và triển khai phương án hỗ trợ giống cá nước ngọt cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.

“Thời gian đến, chi cục sẽ tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản vùng biển ven bờ. Tiếp tục phối hợp địa phương, đơn vị hỗ trợ các tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện công tác thả giống tái tạo nguồn lợi nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản trên địa bàn”, ông Khánh chia sẻ.

TƯỜNG VY

.